Dù thị trường BĐS biến động, số doanh nghiệp mới thành lập vẫn tăng lên.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong quý đầu tiên của năm 2022, kinh doanh bất động sản là ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh với tỷ lệ tăng 47,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Cùng đó, số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản quay trở lại hoạt động là 845 doanh nghiệp, cũng tăng tới 92% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể thấy các doanh nghiệp nhanh chóng bắt nhịp trở lại hoạt động với trạng thái bình thường mới, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã đón nhận động lực để tăng trưởng.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, trước nhiều động lực tăng trưởng, doanh nghiệp bất động sản đang hướng đến những kế hoạch lạc quan để tăng tốc ngay từ những tháng đầu năm 2022; trong đó có việc đấy nhanh tiến độ các dự án và mở rộng quỹ đất. Tính đến đầu năm 2022, có khoảng 800 sàn giao dịch đã trở lại hoạt động, gấp 2 lần so với con số 400 sàn giao dịch của quý 4/2021. Các sàn giao dịch đã chủ động, linh hoạt, thay đổi phương án kinh doanh về thích ứng, ứng dụng công nghệ vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo, chuyển đổi số trong bán hàng.
Có thể thấy, dù thị trường BĐS còn nhiều khó khăn, các sàn môi giới lập ra vẫn khá nhiều. Tuy nhiên, giữa việc thành lập và tồn tại là hai điều hoàn toàn khác nhau.
Mới đây, thị trường BĐS phía Nam liên tục ghi nhận thông tin doanh nghiệp lập sàn mới. Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh VP (VPCORP) và Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Địa ốc HKT (HKT GROUP) chính thức thàn lập sàn tại số 66 – 68 Võ Văn Tần (Quận 3, Tp.HCM). Dù mới thành lập, sàn VPCorp gây choáng váng khi số lượng sales lên đến gần 400 người.
Ngoài thành lập mới, thì một số đơn vị cũng mở rộng sàn giao dịch để hoạt động, chẳng hạn Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh BĐS VietnamGroove, Công ty CP dịch vụ Á Châu…liên tục có kế hoạch mở rộng văn phòng.
Nhiều người đặt câu hỏi, liệu các sàn mới thành lập có trụ nỗi qua giai đoạn khó khăn của thị trường như hiện nay?
Hiện, thị trường BĐS đang đối mặt nhiều cản trở lớn như siết tín dụng, luật chồng chéo, thiếu hụt quỹ đất tại các thành phố lớn, thiếu quy hoạch tổng thể…đã và đang khiến thanh khoản thị trường chững lại.
Báo cáo thị trường tháng 4/2022 của Batdongsan.vn cho biết, nhu cầu tìm kiếm thông tin nhà riêng giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức độ quan tâm đất nền bán trên cả nước giảm 18% so với tháng 3 và giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Diễn biến này cho thấy thị trường tài sản có biến động tâm lý nhanh chóng vì cuối quý I, lượt tìm kiếm đất nền trên cả nước vẫn tăng 4%.
Không chỉ có thị trường online ghi nhận dấu hiệu giảm nhiệt, mua bán trực tiếp ở kênh thứ cấp cũng chững lại. Theo báo cáo tháng 4 của Công ty DKRA Việt Nam, thanh khoản đất nền trên thị trường thứ cấp nhà đầu tư mua đi bán lại hầu như không ghi nhận phát sinh nào trong tháng qua.
Trước đó, thị trường căn hộ cũng ghi nhận thanh khoản yếu. Quý 1/2022, toàn Tp.HCM bán được 1.385 căn trong rổ hàng mới, giảm 68% so với lượng tiêu thụ quý 4/2021 (đạt 4.344 căn) và giảm gần 30% so với quý I/2021 (bán được 1.960 căn). Sức tiêu thụ nhà chung cư trong quý đầu năm nay thậm chí kém hơn cả giai đoạn khó khăn do tác động của dịch bệnh hồi năm ngoái.
Tương tự, báo cáo của CBRE Việt Nam cho biết lượng căn hộ tiêu thụ trong quý đầu năm tại TP HCM chỉ đạt khoảng 1.247 căn, sụt 78% so với quý trước và rớt 53% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia bất động sản nhận định, những tín hiệu giảm tốc vừa mới xuất hiện cần được quan tâm cảnh báo sớm. Tính đến tháng 5 vẫn chưa xảy ra tình trạng giảm tốc kéo dài nên cần tiếp tục theo dõi trong thời gian còn lại của quý 3/2022 để xác định xu hướng chung của thị trường thời gian tới.
Không thể phủ nhận, thị trường BĐS đang chịu nhiều sức ép về pháp lý, siết tín dụng, thanh khoản thấp nên các bên tham gia thị trường đều bắt đầu thận trọng hơn. Chưa kẻ, mặt bằng giá đang bị đẩy lên cao khi thị trường Tp.HCM xuất hiện nhiều thông tin định hướng phát triển các huyện ngoại thành lên quận. Việc một số địa phương dừng cấp phép hoạt động tách thửa khiến nguồn cung đất nền sụt giảm mạnh có thể tác động đến lượng tiêu thụ sụt giảm theo trên thị trường thứ cấp.
Giữa bối cảnh đó, việc các sàn giao dịch BĐS đua nhau thành lập cũng chưa “tiên lượng” trước điều gì. Thực tế trước đó đã từng diễn ra, khi thị trường BĐS khó khăn, nhiều sàn BĐS dù đua nhau thành lập cũng giải thể sau đó không lâu.
Theo Bộ xây dựng, năm 2021, trải qua 4 làn sóng dịch Covid-19, đặc biệt là làn sóng thứ 4 bùng phát mạnh quý 3/2021, khiến các doanh nghiệp BĐS gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh số lượng DN thành lập mới thì cũng không ít dừng hoạt động vì không trụ nỗi trước khó khăn.
Mới đây, Bộ này cũng chỉ ra, hoạt động của các sàn giao dịch BĐS chưa đảm bảo việc quản lý tốt các giao dịch bất động sản, phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản.
Cùng đó, hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản chưa được kiểm soát tốt. Vẫn có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “ thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường...
Để khắc phục tình trạng này, theo Bộ Xây dựng, thời gian tới, cần tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.
Cùng với biện pháp quản lý, ngăn chặn việc tách thửa không đúng quy định, “phân lô, bán nền” tại các khu vực không có quy hoạch, chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng, cơ quan chức năng cần rà soát cả việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn để đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch.
Kịch bản bất động sản 6 tháng cuối năm: Chuyên gia dự báo gì?