Trong đó, khách nội địa ước đạt 4.392.000 lượt, gấp 2,11 lần so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 129,18% so với kế hoạch; khách quốc tế ước đạt 118.000 lượt, gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 118% so với kế hoạch.
Tổng thu từ khách du lịch dự ước đạt khoảng 5.096,3 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022. Đạt 128,86% so với kế hoạch năm 2023. Khách quốc tế đến từ nhiều quốc gia khác nhau và chiếm phần lớn là khách từ thị trường Anh, Úc, Mỹ, Đức, Pháp, Hà Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc,...
Đặc biệt, trong năm 2023 du lịch Quảng Bình có 2 sản phẩm điểm đến du lịch nổi bật trong mùa đông xuân, giảm thiểu tính thời vụ là mô hình làng du lịch thích ứng thời tiết ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa; khu du lịch nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước nóng Bang Onsen Spa và Resort tại xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy. Nổi bật, làng du lịch Tân Hóa được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) vinh danh là “Làng Du lịch tốt nhất năm 2023”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quý, Quảng Bình định hướng phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong những khâu đột phá để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với lợi ích cộng đồng một cách bền vững.
Quảng Bình đặt mục tiêu trở thành là một trong các điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam. Ngoài hệ thống hơn 400 hang động trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp ven biển, Quảng Bình còn có hệ thống hạ tầng vô cùng thuận lợi để phục vụ phát triển du lịch.
Đến năm 2030, tỉ lệ đóng góp của ngành du lịch phấn đấu đạt 10 đến 12% GRDP của tỉnh. Với những việc làm thiết thực, cách quảng bá chuyên nghiệp dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có, địa chỉ về du lịch được du khách trong và ngoài nước ưu tiên lựa chọn, Quảng Bình xác định, du lịch và các ngành dịch vụ đi kèm là lối mở cho việc phát triển kinh tế của tỉnh trong tương lai.