Du khách thích thú tự tay gói bánh chưng ngày Tết cổ truyền

(CL&CS) - Không khí ấm áp, sum vầy cùng gói bánh chưng dịp Tết Nguyên đán được tái hiện tại ngôi nhà di sản 87 Mã Mây (quận Hoàn Kiếm) thu hút đông đảo người dân và du khách quốc tế tham gia.

Nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa Mừng Đảng - Mừng Xuân với chủ đề “Tết Việt – Tết Phố 2024”, tại Ngôi nhà Di sản (87 phố Mã Mây, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang diễn ra hoạt động gói, luộc bánh chưng đón Tết cổ truyền theo cách của người Hà Nội xưa.

Đây là hoạt động của ban quản lý hồ Gươm và phố cổ Hà Nội với mong muốn truyền tải đến nhân dân, du khách một số nét đặc trưng của ngày Tết truyền thống tại khu phố cổ.

Với chủ đề “Tết Việt - Tết Phố 2024”, chương trình gồm nhiều hoạt động diễn ra tại các di tích, nhằm tái hiện nhiều nét văn hóa truyền thống của người dân phố cổ Hà Nội. Tại ngôi nhà di sản 87 phố Mã Mây, khách tham quan sẽ thấy hình ảnh người Hà Nội xưa đón Tết thông qua sự sắp đặt trong không gian ngôi nhà và hoạt động gói bánh chưng.   

Để Tết Nguyên đán không bị mai một ý nghĩa mà càng trở nên đặc biệt hơn, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội mong muốn truyền tải đến nhân dân, du khách một số nét đặc trưng của ngày Tết truyền thống tại khu phố cổ Hà Nội.

Gói bánh chưng luôn là nét văn hóa truyền thống được các gia đình duy trì đều đặn hàng năm. Các thành viên trong trang phục áo dài truyền thống thực hiện việc gói bánh chưng Tết.

Các thành viên trong trang phục áo dài truyền thống thực hiện việc gói bánh chưng Tết.


Nguyên liệu gói bánh chưng bao gồm lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, thịt ba chỉ. Đỗ xanh làm nhân bánh được chọn lọc rất kỹ, là loại đỗ hạt tiêu nhỏ, hạt tròn mây mẩy. Thịt lợn phải là loại nạc vai, dính chút mỡ để tạo vị béo ngậy, được ướp tiêu xay thơm nồng.

Ngoài bánh chưng vuông, bánh chưng dài cũng được người Hà Nội gói và dịp Tết góp giúp mâm cỗ thêm phong phú. Bánh chưng dài thường có lượng đỗ (đậu xanh) ít hơn, rất ít hoặc không có thịt, có thể để ăn lâu ngày sau Tết, tiện lợi khi xắt thành từng lát bánh tròn để rán vàng giòn.

Ông Lê Viết Thắng (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Rất lâu rồi tôi chưa được tự tay gói bánh chưng. Tôi thấy xúc động khi tham gia hoạt động này, bởi nó gợi lại những ký ức xưa cùng gia đình quây quần bên nồi bánh chưng ngày Tết”.

Bánh chưng được các thành viên trong câu lạc bộ đình làng Việt trực tiếp gói bằng tay, không dùng khuôn. Để gói bánh, đầu tiên là phải ngâm gạo. Gạo phải chọn gạo nếp cái hoa vàng bánh mới ngon, mới dẻo thơm. Gạo ngâm từ 6 - 8 tiếng. Bí quyết là “Thịt nằm kín trong đỗ, đỗ nằm kín trong gạo”.

Du khách đến đây sẽ được cảm nhận không gian Tết của một gia đình Hà Nội xưa với mâm cỗ Tất niên, cảnh quây quần bên nồi bánh chưng, thưởng thức các món ăn đặc sản Tết của Hà Thành...

Du khách nước ngoài thích thú khi được chứng kiến trực tiếp các công đoạn gói bánh.

Là người say mê văn hóa Việt Nam, bà Carol Holand (nhà văn người Anh) chia sẻ: “Tôi đã viết được một vài cuốn sách về văn hóa của Việt Nam. Tôi thấy rất thú vị khi được theo dõi, trải nghiệm gói bánh chưng ngày Tết. Đến với Hà Nội dịp này và trải nghiệm không khí Tết, gợi cho tôi nhiều ý tưởng sáng tạo trong cuốn sách của mình”.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa "Mừng Đảng - Mừng Xuân" với chủ đề “Tết Việt – Tết Phố 2024”, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội đã tổ chức tái hiện không gian gói và luộc bánh chưng tại ngôi nhà di sản - 87 Mã Mây.

TIN LIÊN QUAN