Dự án ngăn triều tại TP.HCM có vai trò như thế nào trong việc chống ngập và triều cường

(CL&CS) - Khi hoàn thành, dự án sẽ thực hiện vai trò ngăn triều cường và góp phần giải quyết vấn đề ngập nước trong thành phố khi triều cường dâng cao.

“Dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1”. Đúng như tên gọi Dự án ngăn triều, khi hoàn thành, dự án sẽ thực hiện vai trò ngăn triều cường và góp phần giải quyết vấn đề ngập nước trong thành phố khi triều cường dâng cao.

Cửa van ngăn triều tại cống Cây Khô

Cụ thể, khi triều cường dâng cao, các cửa van ngăn triều tại cống kiểm soát triều được hạ xuống, ngăn nước từ sông, kênh, rạch bên ngoài chảy vào kênh, rạch nội đô, ngăn không cho nước dâng lên hệ thống thoát nước nội đô gây ngập lụt. Khi triều cường dâng cao kết hợp với mưa lớn, hệ thống cửa van hạ xuống sẽ ngăn nước từ bên ngoài chảy vào. Đồng thời, các máy bơm tại các cống kiểm soát triều sẽ hoạt động, hỗ trợ bơm thoát nước mưa từ nội đô chảy ra. Việc này thực hiện trong điều kiện hệ thống thoát nước đô thị đảm bảo đưa được nước mưa chảy ra kênh, rạch tiêu thoát nước.

Dự án ngăn triều được xây dựng với diện tích 570 km2 ở bờ hữu sông Sài Gòn và vùng trung tâm TP.HCM, bao gồm các Q.1, 4, 7, 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè. Chức năng chính của Dự án là thực hiện ngăn nước triều dâng cao tràn vào hệ thống cống, kênh rạch nội đô gây ngập nước. Còn vấn đề chống ngập tổng thể trên địa bàn TP.HCM cần có sự phối hợp của nhiều công trình, dự án khác.

Dự án đầu tư xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn gồm: Cống Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định, các cống nhỏ và 7,8 km đê kè xung yếu khu vực sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh, xây dựng Nhà quản lý trung tâm và hệ thống SCADA (Supervisory Control And Data Acquisition: hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu, nhằm hỗ trợ quá trình giám sát và điều khiển từ xa).

Dự án có 11 cửa van tại 6 cống kiểm soát triều. Khi hoạt động, các cống ngăn triều sẽ được đồng bộ hoá bằng hệ thống SCADA và mạng lưới quan trắc mực nước kênh rạch của 15 điểm thu thập dữ liệu bố trí khắp sông ngòi, kênh rạch của TP.HCM. Thông qua mạng lưới đó, các dữ liệu mực nước sẽ được ghi nhận, báo cáo và tự động cập nhật cho các trung tâm điều hành để nhân viên vận hành thực hiện đóng/mở các van ngăn triều hoặc hệ thống vận hành cửa van sẽ tự động đóng/mở khi thông số mực nước ở mức cảnh báo.

Trong tình huống cực đoan khi mưa lớn, kết hợp triều cao, hệ thống quan trắc phát tín hiệu cảnh báo và các van cống bắt đầu đóng lại, ngăn triều xâm nhập vào kênh rạch.

Vào mùa khô, khi hệ thống quan trắc cảnh báo và phát tín hiệu triều thấp, hệ thống 6 cống ngăn triều lớn sẽ tự động đóng, khép kín kênh rạch cho toàn bộ khu vực, bảo lưu lượng nước trong nội đô ở mực nước phù hợp, hạn chế tình trạng mất mỹ quan, cũng như giúp cải thiện môi trường nước và khu vực sinh sống.

Bên cạnh đó, Dự án ngăn triều còn phòng tránh, hạn chế khả năng xâm thực, xâm nhập mặn khi nước biển dâng trong tương lai. Khi xảy ra tình huống triều biển cao, nước biển xâm thực vào sông ngòi, làm thay đổi môi trường nước, 6 cống kiểm soát triều lớn sẽ đóng lại, khép kín môi trường nước trong kênh rạch và ngăn chặn hoàn toàn sự xâm thực từ nước biển.

Để phục vụ cho giao thông đường thủy, âu thuyền được xây dựng tại các cống kiểm soát triều: Tân Thuận, Cây Khô, Phú Định và Mương Chuối. Khi các van cống mở hoàn toàn, tàu thuyền trên sông sẽ giao thông thuỷ bình thường. Trong trường hợp triều cao, mưa lớn, hệ thống 6 cống ngăn triều đóng hoàn toàn, lúc này, hệ thống giao thông thuỷ vẫn tiếp tục hoạt động thông qua các âu thuyền. Các âu thuyền này được thiết kế với bề rộng 15 m, buồng âu dài 100 m, hai đầu âu thuyền được thiết kế cửa âu, van phẳng quay theo trục đứng.

Các âu thuyền vận hành đóng mở lần lượt: Mở cửa cho thuyền bè chờ trong buồng âu; đóng cửa và điều tiết mực triều bên trong buồng âu phù hợp với mực triều bên ngoài; mở cửa van còn lại cho thuyền đi vào khu vực. Hệ thống âu thuyền hoạt động tương tự với âu thuyền tại kênh đào Panama.

Hệ thống máy bơm công suất lớn được lặp đặt tại một số cống nhằm xử lý nước mưa khi xảy ra mưa lớn kết hợp triều cường. Máy bơm được đặt tại cống kiểm soát triều Bến Nghé, Tân Thuận và Phú Định. Trong tình huống cực đoan mưa lớn kết hợp triều cao, các van cống đóng lại, ngăn triều xâm nhập vào kênh rạch, sau đó các máy bơm sẽ tiến hành bơm nước trực tiếp từ bên trong kênh rạch nội đô, đổ ra sông lớn nhằm điều tiết cao trình mực nước thấp hơn cao trình 1,3-1,5 m của hệ thống cống thoát nước đô thị.

Một khi mực nước kênh rạch nội đô thấp hơn cao trình 1,3-1,5 m, nước mưa sẽ theo hệ thống thoát nước đô thị thoát ra kênh rạch, và hệ thống máy bơm công suất lớn tiếp tục hỗ trợ thoát nước đô thị bằng cách bơm nước ra sông ngòi. Quá trình sẽ tiếp tục diễn ra cho đến khi các hiện tượng cực đoan liên quan đến mưa và triều chấm dứt.

Dự án Ngăn triều do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 thực hiện, được phê duyệt tại Quyết định số 5967/QĐ-UBND ngày 12/11/2015 của UBND TP.HCM về duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (Giai đoạn 1) theo hình thức đối tác công tư (Hợp đồng BT).

Dự án được khởi công ngày 26/6/2016 nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.

Đây là dự án thủy lợi, thuộc quy hoạch 1547 được Thủ tướng phê duyệt nhằm chống ngập úng với giải pháp kiểm soát triều cường. Công trình sau khi hoàn thành giúp thành phố chủ động điều tiết, hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Hồi tháng 4/2018, dự án phải dừng thi công trong gần một năm vì các lý do Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nam Sài Gòn không giải ngân (UBND TP.HCM chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án để thực hiện thủ tục tái cấp vốn); liên danh tư vấn tố cáo chủ đầu tư sử dụng vật liệu chế tạo, lắp đặt cơ khí cửa van thép không đúng tiêu chuẩn từ thiết kế cơ sở đến thiết kế bản vẽ thi công và thực tế thi công.

Tính đến tháng 12/2020, dự án đã hoàn thành hơn 96% khối lượng, chỉ còn một số hạng mục nhỏ ở phía huyện Nhà Bè. Trước đó, chủ đầu tư khẳng định công trình có thể hoàn thành trong tháng 10 để chào mừng Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nếu có mặt bằng. Tuy nhiên, mặt bằng không được giao đúng hẹn cho đơn vị thi công.

TIN LIÊN QUAN