Đóng góp nhiều cho GDP quốc gia, doanh nghiệp gia đình Việt Nam vẫn gặp khó

(NTD) - Doanh nghiệp gia đình là doanh nghiệp hội tụ đủ 4 yếu tố: Quyền sở hữu tối thiểu 15% thuộc ít nhất 2 thành viên trong gia đình, quyền trực tiếp điều hành thuộc các thành viên trong gia đình, mong muốn chuyển giao cho thế hệ sau và quan tâm đến mối quan hệ gia đình. Hiện nay, doanh nghiệp gia đình đang có nhiều đóng góp cho kinh tế quốc gia.

 Nhiều đóng góp…

Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam đóng góp 25% GDP. Trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam có nhiều doanh nghiệp gia đình như: Vingroup, VietJet Air, Thành Thành Công, Kido…

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) chia sẻ, tại Việt Nam các doanh nghiệp gia đình có cách quản trị riêng, vận hành theo những giá trị, triết lý sống Á Đông. “Những doanh nghiệp gia đình thành công thường xây dựng được quản trị doanh nghiệp không ‘gia đình trị’ mà có phương thức quản lý chuyên nghiệp. Nhờ vậy, doanh nghiệp gia đình nhất là các tập đoàn có xu hướng vượt trội hơn các loại hình doanh nghiệp khác về doanh số, lợi nhuận và các chỉ số tăng trưởng” - ông Dũng nói.

Đại diện HUBA cho biết hiện đơn vị này và các hội, câu lạc bộ trực thuộc tại TP.HCM có 10.000 doanh nghiệp thì hơn 50% là doanh nghiệp gia đình được thành lập khi Luật Doanh nghiệp và Luật Công ty ra đời từ năm 1990.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho biết: Tổng số vốn 10 doanh nghiệp gia đình lớn nhất thế giới hiện nay lên đến hơn 3.000 tỷ USD, lớn hơn cả quy mô nền kinh tế Việt Nam. Tại các quốc gia phát triển, số lượng doanh nghiệp gia đình có lịch sử tồn tại hơn một thế kỷ. Cụ thể, Đức có hơn 7.000 doanh nghiệp, Mỹ hơn 11.000 doanh nghiệp, Nhật Bản có hơn 25.000 doanh nghiệp gia đình…

“Tại Việt Nam, kết quả sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về ‘Phát triển kinh tế tư nhân’ (KTTN) trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong 3 năm gần đây, khu vực KTTN luôn chiếm trên 40% GDP và có xu hướng ngày càng tăng. Năm 2018, đóng góp của khu vực KTTN chiếm trên 43% GDP cả nước và dự kiến sẽ đạt 65% vào năm 2030” - ông Thành nhấn mạnh.

Khu vực KTTN thu hút trên 83% lực lượng lao động (tương đương trên 45 triệu người) và thu ngân sách Nhà nước từ sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân tăng nhanh (trên 15%/năm) cao gấp đôi khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

 

Một trong những điều kiềm hãm sự phát triển của doanh nghiệp gia đình là việc hạn chế sự đóng góp của nhân tài bên ngoài. (Ảnh: Internet).

Không ít thách thức

Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do các chính sách kinh tế thay đổi liên tục, chưa tạo được môi trường kinh doanh ổn định, năng lực quản trị và quản lý của các doanh nghiệp gia đình chưa được chuẩn bị, chuyên nghiệp hóa. Doanh nghiệp gia đình còn là đối tượng chịu nhiều rủi ro nhất vì công ty được điều hành dựa trên hệ thống quản trị gia đình chứ không dựa trên hệ thống quản trị khoa học.

Hiện nay, các doanh nghiệp này còn phải đối diện với những thách thức như phải đổi mới hệ thống, tư duy kinh doanh để thích nghi và thu hút đầu tư; đồng thời phải nâng cấp liên tục lực lượng nhân tài, bắt kịp thời đại số, chuyên nghiệp và hiện đại hóa công nghệ kinh doanh.

Chia sẻ về những thách thức của doanh nghiệp gia đình, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty GIBC nói: “Doanh nghiệp Việt thiếu sự đa dạng hóa kinh doanh và thiếu các chuyên gia bên ngoài để giúp điều hành doanh nghiệp. Thực tế, các doanh nghiệp gia đình Việt Nam hầu như ít thuê người ngoài vào vị trí chủ chốt của công ty hoặc can thiệp quá nhiều vào công ty. Chính điều này làm cản trở sự phát triển của doanh nghiệp”.

Hiện nay, việc huy động vốn của doanh nghiệp gia đình cũng gặp khó khăn khi huy động vốn bằng việc thông qua thị trường vốn, thị trường chứng khoán, áp lực lợi nhuận kinh doanh từ các cổ đông, thậm chí phải thay đổi chiến lược kinh doanh, thay đổi thương hiệu cũng làm ảnh hưởng đến danh tiếng truyền thống của một doanh nghiệp.

Nguyễn Ngọc

Nên đọc