Trong tháng 3/2020, chuỗi Bách hóa Xanh đạt 1.900 tỷ đồng doanh thu, chiếm 22% cơ cấu doanh thu của MWG |
Tính đến 3/5/2020: - Vincommerce sở hữu 132 cửa hàng Vinmart và 2880 cửa hàng Vinmart+ phủ khắp Việt Nam. Doanh thu đạt 8.709 tỷ đồng trong quý 1/2020. - MWG sở hữu 1.256 cửa hàng tại 19 tỉnh, thành khu vực Nam bộ và 4 tỉnh khu vực Nam Trung bộ. Doanh thu đạt 4.491 tỷ đồng trong quý 1/2020. |
Tuy nhiên, tốc độ tăng doanh thu trong quý 1/2020 so với cùng kỳ năm ngoái của Bách hóa Xanh vượt trội VinCommerce khi doanh thu tăng trưởng lần lượt là 178% và 40,3%. Mặc dù doanh thu tăng thần tốc nhưng hai đơn vị vẫn còn lỗ. Biên Ebitda trong quý 1/2020 của VinCommerce là -5,1% và hướng đến mục tiêu -3% cho đến hòa vốn trong năm 2020 còn Bách hóa Xanh vẫn chưa thể hòa vốn.
Trái ngược với sự tăng trưởng thần tốc của chuỗi Bách hóa Xanh thì chuỗi Thế giới di động của CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) lại giảm 6%. Trong khi đó, chuỗi Điện máy Xanh vẫn tiếp tục tăng trưởng tích cực 13% nhờ hàng điện tử, điện lạnh và gia dụng. Đặc biệt doanh số ngành hàng máy tính xách tay tăng mạnh, bằng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu học tập và làm việc tại nhà trong mùa dịch Covid-19.
Trong quý 1, MWG đạt 29.353 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Như đã nói, doanh thu tăng của MWG nhờ sự tăng thần tốc của chuỗi Bách hóa Xanh. Mặc dù chịu tác động của dịch bệnh, doanh thu thuần riêng tháng 3 của MWG vẫn tăng trưởng 16% nhờ chuỗi Bách hóa Xanh ghi nhận mức doanh số kỷ lục trên 1.900 tỷ đồng. Tỷ lệ đóng góp doanh thu của chuỗi Bách hóa Xanh đã có sự tăng trưởng từ mức 8% vào thời điểm 3/2019 lên xấp xỉ 22% vào tháng 3/2020.
MWG cho rằng nhu cầu mua sắm hàng ngày của người dân sẽ ổn định trở lại khi các yêu cầu giãn cách xã hội được nới lỏng. Tuy nhiên, dịch bệnh đã góp phần thay đổi hành vi của người tiêu dùng, dẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ kênh truyền thống sang kênh hiện đại. Trong và sau dịp này, chuỗi Bách hóa Xanh đang trở thành điểm đến thân thuộc của người nội trợ khi khách hàng có thể mua sắm đầy đủ các sản phẩm thiết yếu một cách thuận tiên, an toàn và với giá cả bình ổn.
Tỷ suất lợi nhuận gộp tăng mạnh lên mức 21% từ 17,7% của quý 1/2020. Chi phí bán hàng tăng 53,4% lên 3.783 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 27,2% lên 780 tỷ đồng.
Tốc độ tăng chi phí vượt quá nhanh so với tốc độ tăng doanh thu thuần nên lợi nhuận trước thuế chỉ còn tăng 15,1%, đạt 1.544 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 1.132 tỷ đồng, tăng 8,8%. MWG là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận trong quý 1/2020 vừa qua.
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý 1/2020 của MWG. Đơn vị tính: tỷ đồng |
Tính đến 31/3, tổng tài sản của MWG đạt 36.870 tỷ đồng, giảm 11,6% so với đầu năm, tương đương giảm 4.838 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ hàng tồn kho giảm 4.733 tỷ đồng, tương đương 18,1% với sự giảm mạnh của thiết bị điện tử và điện thoại di động. Hiện nay, hàng tồn kho của MWG đạt 21.463 tỷ đồng, chiếm 58,2% tổng tài sản.
Nguyễn Như