Doanh nghiệp thủy sản kỳ vọng xuất khẩu không bị sụt giảm

(CL&CS) - Cộng đồng doanh nghiệp thuỷ sản kỳ vọng năm tới xuất khẩu sẽ không bị sụt giảm mạnh, nếu có được sự đồng hành của Chính phủ, của các cơ quan ban ngành tạo điều kiện thuận lợi và giúp tháo gỡ khó khăn.

Năm 2023, sẽ vẫn còn đó những thách thức làm cản trở sự tăng trưởng của ngành thuỷ sản xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), những ngày cuối tháng 11 này là thời gian ngành xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đang tiến tới mốc lịch sử 10 tỷ USD - một con số tròn trịa và tự hào cho một ngành kinh tế có kinh nghiệm hội nhập sớm với nhiều va đập trên thương trường.

Tính đến cuối tháng 10, xuất khẩu thuỷ sản cả nước đã đạt trên 9,4 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.  Kim ngạch xuất khẩu của những ngành hàng chủ lực đều ghi nhận tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo VASEP, xuất khẩu thuỷ sản chững lại trong nửa cuối năm, đặc biệt từ quý 4, vì các thị trường giảm nhập khẩu hàng hoá nói chung và thuỷ sản nói riêng, sau khi ngấm đòn lạm phát. Nhiều thị trường đối mặt với tình trạng lạm phát kỷ lục 40 năm, giá năng lượng và giá thực phẩm tăng mạnh, và đã đến giai đoạn đỉnh điểm là người tiêu dùng thu nhập thấp thậm chí phải bỏ bữa như ở một số nước như Anh.

Do vậy, không chỉ các mặt hàng giá cao bị giảm nhu cầu và cả mặt hàng giá phải chăng như cá tra, chả cá, surimi… cũng theo đà giảm sâu.

Tuy nhiên, với kết quả tích cực đến cuối quý 3, xuất khẩu cả năm 2022 vẫn ghi nhận con số kỷ lục gần 11 tỷ USD.

Cũng theo VASEP, năm 2023, sẽ vẫn còn đó những thách thức làm cản trở sự tăng trưởng của ngành thuỷ sản xuất khẩu.

Kinh tế thế giới suy thoái, nhu cầu hàng hoá và thực phẩm nói chung, thuỷ sản nói riêng sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng giảm về khối lượng và cả giá nhập khẩu so với năm 2022

Lạm phát trong nước và các chi phí sản xuất và xăng dầu tiếp tục tăng, làm tăng giá thành và giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm thuỷ sản.

Thị trường tiêu thụ chậm lại, nhiều nhà nhập khẩu huỷ/hoãn nhận hàng khiến chi phí lưu kho và các chi phí hậu cần khác tăng.

“Doanh nghiệp thiếu vốn để quay vòng sản xuất, thu mua nguyên liệu cho bà con nông ngư dân. Cả doanh nghiệp và bà con nông ngư dân đều khó tiếp cận vay vốn trước thực trạng các ngân hàng đóng hết các room tín dụng, không giải ngân. Việc này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến toàn ngành trong thời gian tới, dẫn đến đình trệ sản xuất, thiếu nguyên liệu, thiếu vốn để đầu tư sản xuất, chế biến và xuất khẩu”, VASEP nhấn mạnh.

Theo VASEP, thiếu lao động cũng là một vấn đề lớn của ngành thuỷ sản và thẻ vàng IUU vẫn chưa được tháo gỡ tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường EU.

Xung đột Nga - Ukraine giáng một đòn nặng nề vào kinh tế châu Âu và Mỹ, nhất là những nước trong khối G7 như Anh, Ý. Các chuyên gia cũng đã dự báo kinh tế các nước này sẽ xấu hơn trong năm tới. Mà đây là những thị trường nhập khẩu quan trọng của thuỷ sản Việt Nam, do vậy, dự báo xuất khẩu sang Mỹ, EU, Anh trong năm 2023 sẽ giảm so với năm nay.

Cũng theo VASEP, cộng đồng doanh nghiệp thuỷ sản kỳ vọng năm tới xuất khẩu sẽ không bị sụt giảm mạnh, nếu có được sự đồng hành của Chính phủ, của các cơ quan ban ngành tạo điều kiện thuận lợi và giúp tháo gỡ khó khăn.

TIN LIÊN QUAN