Vị trí “yết hầu” trong tứ giác phát triển phía Bắc
Tại buổi tọa đàm “Sự trỗi dậy của bất động sản Thanh Hóa”, PGS. TS. Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, những chính sách, cơ chế của Thanh Hóa đã và đang thu hút nhiều nguồn lực, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.
Ông phân tích, Thanh Hoá có một vị thế chiến lược, là “yết hầu lưu thông”, và “nút hội tụ, phát triển” với việc hội tụ các nguồn lực, có lợi thế đất rộng người đông, là mảnh đất địa linh nhân kiệt, sở hữu nguồn tài nguyên văn hoá - lịch sử - tự nhiên độc đáo.
Ông nhận định, ở Thanh Hóa có 4 vị trí được ưu tiên gồm Nghi Sơn, Sầm Sơn, Lam Sơn và Bỉm Sơn, ông gọi đây là tứ sơn của tỉnh Thanh Hóa. Gần đây nhất, Thanh Hóa được xem là thành phố của tứ giác phát triển phía Bắc, bên cạnh Quảng Ninh, Hải Phòng và Hà Nội. Cách lựa chọn chiến lược Tứ Sơn là tầm nhìn, chọn tọa độ tứ sơn của Thanh Hoá là chiến lược khôn ngoan trong việc xác nhận thực lực và vị thế. Không nên chỉ nhìn vào hoạt động kinh doanh bất động sản du lịch.
Theo ông, dự án nổi bật nhất là dự án Quảng trường Biển và Tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn 1.260ha, vốn đầu tư trên 1 tỷ USD. Cùng với đó là nhiều khu hạ tầng cũng được triển khai như “hồng hạc tranh châu” ở nút giao Đại lộ Lê Lợi với Đại lộ Hùng Vương ở thành phố Thanh Hóa.
Thu hút nhiều ông lớn trong ngành bất động sản
Nhận định về các xu hướng đầu tư bất động sản vào tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, nếu vài năm trước, thị trường bất động sản Thanh Hóa chỉ có nguồn cung chủ yếu từ đất nền thì 3 năm trở lại đây thị trường bất động sản Thanh Hoá có sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng và chất lượng. Từ vùng biển đến vùng núi, từ thành phố cho tới các vùng quê đều có các sản phẩm phù hợp với nhu cầu xã hội (ở, kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp) với nhịp độ quan tâm và đón nhận của xã hội vô cùng cao.
Thị trường Thanh Hóa đang chứng kiến một cuộc đổi ngôi với sự gia nhập của các quần thể dự án quy mô lớn đến từ các thương hiệu bất động sản hàng đầu Việt Nam như: VinGroup, SunGroup, Eurowindow, Flamingo, TNG Holdings Việt Nam, Tập đoàn BRG, Tập đoàn Sunshine Group, T&T Group…
Kể từ khi Vingroup và Sun Group đầu tư vào Thanh Hóa đã kéo theo giá đất tại khu vực này tăng cao. Đơn cử như KĐT Vinhome Starcity khi tới Thanh Hoá thời điểm 2018 kéo giá mặt bằng kế cạnh tăng từ 12 – 36 triệu đồng/m2. Hay mới đây thông tin Sun Onsen triển khai tại Quảng Xương đẩy bất động sản nơi đây thiết lập mặt bằng giá mới từ 6-8 triệu đồng/m2 lên 10 – 11 triệu đồng/m2.
Việc giá đất tăng cao cũng kép theo nhiều cái khó cho nhà đầu tư phát triển, ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Hải Phát, cho rằng xu thế trong năm 2022-2023 với việc siết tín dụng bất động sản sẽ khiến cho các dòng tiền đầu tư ở các tỉnh lẻ quay về các tỉnh, thành phố trung tâm như Hà Nội, TP.HCM.
Ông Duy nhận định, việc siết chặt tín dụng trong thời gian gần đây cũng sẽ khiến cho các thị trường mới nổi hình thanh các bong bóng bất động sản, tại Thanh Hóa cũng xuất hiện tình trạng này. Về mặt quy hoạch, ông đánh giá Thanh Hóa không cao vì quy hoạch chưa có chiều sâu. Đơn cử như bất động sản công nghiệp khoảng 5.000 ha nhưng các khu công nghiệp rời rạc không tạo thành một hệ sinh thái như ở Bắc Ninh, Bắc Giang.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cũng nhận định, đầu tư vào Thanh Hóa lúc này là lựa chọn "đi trước, đón đầu", đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Giá bất động sản vẫn sẽ tăng tuy nhiên các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào thị trường này cần phải có bước đi thận trọng và chắc chắn.