Doanh nghiệp nhận diện rủi ro thông qua áp dụng TCVN ISO 31000:2018

(CL&CS) - TCVN ISO 31000:2018 giúp doanh nghiệp hiểu rõ rủi ro để ra quyết định sáng suốt, hạn chế thiệt hại và tận dụng cơ hội. Tiêu chuẩn này xây dựng khung quản lý rủi ro toàn diện, gồm các bước: nhận diện, phân tích, đánh giá, xử lý và giám sát.

Trong quá trình phát triển, doanh nghiệp luôn phải đối mặt với hàng loạt rủi ro từ biến động thị trường, đứt gãy chuỗi cung ứng, rủi ro tài chính, pháp lý cho đến những khủng hoảng phi truyền thống như dịch bệnh, an ninh mạng hay biến đổi khí hậu. Nếu không có phương pháp quản trị rủi ro hiệu quả, chỉ một biến cố nhỏ cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho hoạt động sản xuất  kinh doanh.

Đó là lý do tiêu chuẩn quốc tế ISO 31000:2018 – Quản lý rủi ro – Các nguyên tắc và hướng dẫn chung được xây dựng và ngày càng được các tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới áp dụng. Tại Việt Nam, tiêu chuẩn này đã được Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia công bố thành TCVN ISO 31000:2018 và được khuyến khích áp dụng trong quản lý nhà nước cũng như khu vực tư nhân.

TCVN ISO 31000:2018 được khuyến khích áp dụng trong quản lý nhà nước cũng như khu vực tư nhân. (Ảnh minh họa)

TCVN ISO 31000:2018 giúp doanh nghiệp hiểu rõ rủi ro để ra quyết định sáng suốt, hạn chế thiệt hại và tận dụng cơ hội. Tiêu chuẩn này xây dựng khung quản lý rủi ro toàn diện, gồm các bước: nhận diện, phân tích, đánh giá, xử lý và giám sát rủi ro. Không chỉ giới hạn trong phòng chống rủi ro tài chính hay vận hành, ISO 31000 còn bao phủ các rủi ro liên quan đến thương hiệu, chiến lược, môi trường, xã hội, công nghệ và con người,…

Tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Xuất nhập khẩu Tân Huỳnh Phát đã áp dụng thành công TCVN ISO 31000:2018. Bước đầu triển khai áp dụng ISO 31000:2018, Công ty đã thành lập ban quản trị rủi ro. Theo đó, 100% rủi ro liên quan đến quản lý chất lượng đều được liệt kê xác định đầy đủ và đưa ra giải pháp để kiểm soát. Từ đây, tỷ lệ hàng hỏng sau khi áp dụng TCVN ISO 31000:2018 giảm từ 8% vào năm 2019 xuống còn 2% vào năm 2021. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm không ngừng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu cao của khách hàng.

Quản lý rủi ro không còn là lựa chọn mà là điều kiện sống còn của các tổ chức, doanh nghiệp. (Ảnh minh họa).

Hay tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Santa, sau thời gian áp dụng TCVN ISO 31000:2018 đã tiết kiệm được 5% chi phí cho quá trình sản xuất, các tính toán dựa trên tiêu hao năng lượng, nguyên liệu, nhân công và tỷ lệ hàng lỗi. Cụ thể, Công ty đã tập trung xây dựng hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000 và áp dụng tích hợp với hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018 cho quá trình sản xuất trái cây sấy, tỏi đen, hạt điều rang và mật ong trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ vậy, các sản phẩm của Công ty luôn được khách hàng ưa chuộng và xây dựng chỗ đứng tại các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị lớn trên toàn quốc.

Có thể nói, trong một thế giới đầy biến động, quản lý rủi ro không còn là lựa chọn mà là điều kiện sống còn của tổ chức, doanh nghiệp. TCVN ISO 31000:2018 không chỉ giúp doanh nghiệp nhận diện rủi ro sớm, mà còn nâng cao năng lực điều hành, củng cố lòng tin của cộng đồng, hướng tới phát triển bền vững trong dài hạn.

TIN LIÊN QUAN