Theo số liệu của Trung tâm điều độ hệ thống điện TP.HCM, sản lượng điện tiêu thụ bình quân ngày của tháng 3/2021 đạt 78,75 triệu kWh/ngày, cao hơn 40,39% so với tháng 2/2021 (56,09 triệu kWh/ngày). Tuy nhiên, Tổng công ty điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cảnh báo, sản lượng điện nhận bình quân ngày của tháng 4, 5, 6/2021 sẽ còn tăng cao hơn, tiền điện sinh hoạt của các hộ gia đình cũng sẽ tăng cao. Mức tiêu thị điện trong 3 tháng tới được dự đoán khoảng 79,7 đến 97 triệu kWh/ngày, cao hơn hẳn mức 73,14 triệu kWh/ngày cùng kỳ năm 2020. Mức tiêu thụ điện kỷ lục được ghi nhận vào ngày 24/4/2019 đang là 90,04 triệu kwh.
Theo lãnh đạo EVNHCMC, tiêu thụ điện những tháng này tăng theo từng năm, năm 2018 tăng 23%, 2019 tăng 30,69%, năm 2020 tăng 13,52%, dự kiến năm 2021 tăng 35,94%.
Tiền điện sinh hoạt của các hộ gia đình sẽ theo xu hướng tăng cao trong các tháng cao điểm mùa khô sắp đến. Ngoài ra, do số ngày các tháng 3, 4, 5, 6 có 30, 31 ngày, cao hơn tháng 2 có 28. Do đó, lượng điện tăng tương ứng 7,14% - 10,71% so với 2 tháng đầu năm. Lượng điện tăng xuất hiện hiện tượng nhảy bậc theo bậc thang đơn giá điện hiện hành, đó là nguyên nhân khiến nhiều hộ gia đình sẽ thấy tiền điện những tháng tới tăng vọt.
Người tiêu dùng có tiêu thụ điện dưới 500 kWh/tháng có mức tăng tiền điện so với mức tăng điện năng tiêu thụ tương đối cao khi sử dụng điện nhiều hơn (từ 7 - 18%). Ngược lại, nhóm khách hàng tiêu thụ trên 500 kWh/tháng có mức tăng tiền điện so với mức tăng điện năng tiêu thụ thấp khi sử dụng điện nhiều hơn (chỉ từ 1 - 4%).
Lãnh đạo EVNHCMV cũng khuyến cáo, để tiết kiệm điện hiệu quả trong gia đình mùa nắng nóng, người tiêu dùng nên tắt hết thiết bị điện khi ra khỏi phòng; ngắt nguồn điện các thiết bị điện khi không sử dụng; tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên; sử dụng các công tắc cảm ứng; hạn chế tối đa sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều điện vào các khung giờ cao điểm; sử dụng thiết bị điện có nhãn tiết kiệm năng lượng, hiệu suất cao… sử dụng máy lạnh ở nhiệt độ hợp lý từ 26 độ C.