Tại Tọa đàm, các chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng bàn luận và đưa ra những góc nhìn nhằm nhận diện những điểm nghẽn pháp lý, từ đó đề xuất những giải pháp phù hợp để gỡ khó cho doanh nghiệp, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư và hoàn thiện chính sách, pháp luật để thúc đẩy phát triển du lịch tại các địa phương ở Việt Nam.
Theo đó, về trước mắt, khắc phục những khoảng trống pháp lý ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh bất động sản du lịch đang gây ra những tác động tiêu cực và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư (như vấn đề cấp giấy chứng nhận cho bất động sản du lịch xây dựng trên đất ở nông thôn (đất ở không hình thành đơn vị ở). Về lâu dài, xây dựng được hệ thống pháp luật kinh doanh bất động sản du lịch đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài, bền vững cho hoạt động của thị trường, tương xứng với tiềm năng và lợi thế cũng như chiến lược phát triển của đất nước.
Ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đánh giá: “Bất động sản du lịch có vai trò thúc đẩy phát triển ngành du lịch, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng tại địa phương, khu vực, tạo công ăn việc làm trong cả quá trình đầu tư cơ sở nghỉ dưỡng lẫn trong quá trình vận hành cơ sở du lịch. Các sản phẩm nghỉ dưỡng mới - là sự kết hợp giữa khách sạn và nhà ở như biệt thự nghỉ dưỡng, condotel, shophouse… đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, đem lại cảm giác mới cho khách du lịch, cảm nhận sự tự do thoải mái hơn so với không gian gò bó của các mô hình khách sạn nghỉ dưỡng truyền thống.”'
GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng nhìn nhận, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng là sản phẩm rất phổ biến trên thế giới. Trong xu thế phát triển thì đây là sản phẩm có đóng góp quan trọng của nền kinh tế đặc biệt là khi Việt Nam lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn. Việc khai thác các tiềm năng từ tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, văn hóa để phát triển du lịch rất cần những dự án du lịch, nghỉ dưỡng.
“Trên thực tế, tốc độ phát triển của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trong những năm qua rất mạnh. Phân khúc này đã tạo ra sự thay đổi lớn cho diện mạo của nhiều vùng miền trên cả nước. Đây cũng là kênh đầu tư sinh lời hiệu quả cho các nhà đầu tư”, GS.TS. Hoàng Văn Cường nhìn nhận.
Đánh giá cao tiềm năng phát triển và vai trò của bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch chưa đầy đủ, thống nhất, đồng bộ đã và đang gây lúng túng cho công tác quản lý Nhà nước ở các địa phương và là “điểm nghẽn” cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.
PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, Phó Trưởng ban pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, để thu hút đầu tư vào phát triển bất động sản du lịch tại Bãi Dài, Bắc bán đảo Cam Ranh, vào giai đoạn 2013 - 2017, tỉnh Khánh Hòa đã chuyển đổi một phần đất thương mại dịch vụ tại các dự án sang đất ở nông thôn với điều kiện “không hình thành đơn vị ở” để tạo điều kiện cho các nhà phát triển bất động sản có thể huy động vốn từ nhà đầu tư thứ cấp.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều dự án vẫn chưa cấp sổ đỏ cho các sản phẩm bất động sản du lịch như căn hộ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng… Sự thiếu nhất quán từ cơ chế thu hút đầu tư đến thực thi chính sách đã gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường, chủ đầu tư và nhà đầu tư tham gia vào phát triển các dự án tại Bắc bán đảo Cam Ranh. Đồng thời cũng bộc lộ một thực tế, rằng “chiếc áo” choàng pháp lý đang “chật hẹp” so với thực tế phát triển của thị trường.
Do đó, theo chuyên gia này, tạo dựng một khung khổ pháp lý đầy đủ, ổn định cho loại hình bất động sản du lịch là yêu cầu cấp thiết cần đặt ra trong bối cảnh ngành du lịch đang đứng trước nhiều cơ hội phục hồi sau tác động của đại dịch. Tuy nhiên, điều trước mắt cần phải làm là gỡ rối cho các dự án có “đất ở không hình thành đơn vị ở” đang “mắc kẹt” tại Phú Quốc, Khánh Hòa, Đà Nẵng…. tránh mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư liên quan đến vấn đề cấp sổ đỏ lâu dài cho các sản phẩm bất động sản du lịch xây trên đất ở nông thôn (không hình thành đơn vị ở) tại dự án.
“Xuất phát từ hệ thống chính sách thực hiện không nhất quán mà nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư đang chịu thiệt. Mặc dù thuật ngữ "đất ở không hình thành đơn vị ở" chưa có trong luật quy định hiện hành song để khơi thông, "phá băng" thị trường cũng như giữ niềm tin với các nhà đầu tư, chúng ta cần khơi thông điểm nghẽn này.
Địa phương cần tạo niềm tin cho chủ đầu tư và khách hàng vào các chủ trương chính sách nhất quán về đầu tư bất động sản du lịch để thu hút được nguồn lực đầu tư. Nếu không có những giải pháp kịp thời tháo gỡ cho doanh nghiệp hoặc chậm trễ vào cuộc, sẽ phá hỏng môi trường đầu tư, làm cho khả năng thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng của địa phương kém đi. Doanh nghiệp e dè triển khai dự án, nhà đầu tư ngần ngại không dám tham gia, địa phương mất đi cơ hội phát triển”, PGS.TS. Doãn Hồng Nhung khẳng định.
Theo GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngành du lịch phục hồi dù có tạo ra cơ hội cho bất động sản du lịch tăng trưởng trở lại đến mấy thì nếu không có khung pháp lý hoàn chỉnh, không gỡ được các điểm nghẽn đang có thì không thể gọi vốn từ các nhà đầu tư thứ cấp. Ngược lại, nếu bất động sản du lịch không có vốn để phát triển và tái khởi động lại các dự án đang dang dở thì cũng không thể nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú cho ngành du lịch – một trong những yếu tố mang tính quyết định đến việc thu hút và giữ chân du khách.
“Tôi cho rằng, tất cả những rắc rối, hệ lụy của sự phát triển thiếu khung pháp lý điều chỉnh của bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng trong thời gian qua đều xuất phát từ sự quanh quẩn mang tính “tù hãm” của tư duy phát triển. Chúng ta cần phải mạnh mẽ hơn trong việc thay đổi tư duy, mà bắt đầu từ các nhà quản lý.
Hiện nay còn nhiều thủ tục quá phức tạp theo hướng thuận lợi cho cơ quan quản lý, nhưng mang tính gây khó khăn cho người tham gia, làm cho thị trường khó phát triển, kinh tế thiếu minh bạch. Đáng lẽ ra chúng ta phải tạo điều kiện dễ chịu nhất cho các nhà đầu tư. Họ đã chịu khó bỏ tiền, nhưng sau đó thì vốn bị “mắc” tại các dự án, không cách nào giải quyết nổi. Vậy thì khi ngân sách không đủ để phát triển, ai sẽ chịu bỏ tiền để đầu tư, để triển khai những dự án lớn?”, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ đặt vấn đề.
Trước đó, trong hội thảo góp ý cho dự thảo nghị định do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài nguyên và môi trường tổ chức sáng 20/4 tại Hà Nội, bà Hoàng Thị Vân Anh, vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Đất đai, cho biết dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai lần này sẽ bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu (sổ đỏ) cho các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Các địa phương sẽ tiến hành thẩm định kỹ tính pháp lý các dự án trước khi thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho người mua bất động sản nghỉ dưỡng.
Sau khi được cấp sổ đỏ, chủ sở hữu các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng được chuyển quyền sở hữu, thực hiện các giao dịch mua bán, sang tên bình thường như các giao dịch loại hình bất động sản nhà ở.