Dệt may sẽ phục hồi hoàn toàn trong năm 2022

(CL&CS) - Vndirect kỳ vọng vào sự phục hồi hoàn toàn trong năm 2022 do nhu cầu dệt may tại các thị trường xuất khẩu chính sẽ dần hồi phục vào năm 2021.

Thiệt hại nặng nề do Covid-19

Công ty chứng khoán Vndirect (Vndirect) đánh giá, ngoài một số công ty đã thay đổi dây chuyền sản xuất kịp thời, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Vndirect ước tính tổng doanh thu 2020 của các công ty dệt may niêm yết giảm 15,1% trong khi lợi nhuận ròng 2020 giảm mạnh 20,9%.

Giữa bối cảnh Covid-19, Vndirect đánh giá một số công ty chuyển đổi để thích ứng trong thời điểm dịch bệnh. Một số doanh nghiệp dệt may đã chuyển đổi một phần dây chuyền sản xuất sang khẩu trang y tế và thiết bị bảo hộ cá nhân, từ đó phần nào bù đắp cho mức sụt giảm về doanh số bán hàng.

Khẩu trang là mặt hàng không cần chi phí đầu tư cao; hơn nữa, hầu hết các nhà máy, thiết bị và công nhân hiện có trong ngành may mặc của Việt Nam đều có thể làm được khẩu trang. Thêm vào đó, chất liệu vải kháng khuẩn được sử dụng để làm khẩu trang có thể được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc mà không gặp khó khăn.

Vndirect kỳ vọng vào sự phục hồi hoàn toàn trong năm 2022 do nhu cầu dệt may tại các thị trường xuất khẩu chính sẽ dần hồi phục vào năm 2021.

Do đó, theo quan điểm của Vndirect, năng lực sản xuất khẩu trang của Việt Nam là rất lớn. “Chúng tôi cho rằng sau khi đáp ứng nhu cầu trong nước, sản phẩm có thể được xuất khẩu và Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất khẩu trang mới của thế giới”, Vndirect khẳng định.

Công ty Cổ phần May Việt Tiến (VGG) ghi nhận lợi nhuận ròng năm 2020 giảm mạnh 63,6% do nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chủ chốt giảm, bao gồm Hàn Quốc, Mỹ và EU.

May Sông Hồng (MSH) chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi khách hàng lớn nhất là RTW Retailwinds đã nộp đơn phá sản vào tháng 7/2020. Điều này khiến lợi nhuận ròng năm 2020 của MSH giảm mạnh 63,6% sau khi công ty trích lập dự phòng thêm 44 tỷ đồng trong quý 4/2020.

Doanh thu CTCP may Thành Công (TCM) giảm nhẹ 2,6% xuống còn 3.470 tỷ đồng trong khi lợi nhuận ròng tăng 27,2% lên 276 tỷ đồng trong năm 2020 nhờ chuyển dịch một phần mảng dệt may sang sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế (PPE).

Trong khi đó, lợi nhuận ròng của CTCP XNK Bình Thạnh (GIL) tăng 92,5%, đạt 308 tỷ đồng trong 2020 nhờ hưởng lợi từ chuyển đổi từ hợp tác với khách hàng truyền thống sang các công ty lớn về bán lẻ trực tuyến như Amazon và IKEA.

Công ty Cổ phần Phong Phú (PPH) đã thoái vốn khỏi các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả qua đó giảm chi phí hoạt động kinh doanh 43,4% trong 2020. Do đó, công ty đạt mức tăng trưởng ấn tượng 33,5% về lợi nhuận ròng năm 2020, đạt 297 tỷ đồng.

Phục hồi hoàn toàn trong năm 2022

Vndirect kỳ vọng vào sự phục hồi hoàn toàn trong năm 2022 do nhu cầu dệt may tại các thị trường xuất khẩu chính sẽ dần hồi phục vào năm 2021.

Vndirect tin rằng MSH là một trong những doanh nghiệp phục hồi nhanh nhất vì 90% doanh thu của MSH đến từ các đơn đặt hàng xuất khẩu. Hơn nữa, MSH là công ty có kinh nghiệm trong việc sản xuất thời trang cao cấp cùng với lực lượng lao động chất lượng cao và năng lực sản xuất tốt hơn các công ty cùng ngành, từ đó sẽ thúc đẩy sự phục hồi của công ty.

Do đặc thù của ngành, sự phục hồi của ngành dệt may Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh và tốc độ phục hồi kinh tế tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong quá khứ, thế giới đã trải qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và phải mất khoảng 2 năm (từ 2008 đến 2010) để ngành dệt may có thể hồi phục hoàn toàn.

Theo báo cáo thị trường dệt may toàn cầu (TGMR), tổng cầu dệt may thế giới dự kiến sẽ tăng từ 594 tỷ USD năm 2020 lên 654 tỷ USD vào năm 2021 (+10,1%). Sự tăng trưởng này chủ yếu do các công ty đã sắp xếp lại hoạt động sản xuất và dần phục hồi sau ảnh hưởng của COVID-19, vốn dẫn đến các biện pháp hạn chế như giãn cách xã hội, làm việc từ xa và đóng cửa các hoạt động thương mại.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kim ngạch nhập khẩu dệt may của Mỹ tăng 20% svck lên 115 tỷ USD, trong khi tổng nhu cầu dệt may đối với thị trường EU, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ ghi nhận mức tăng trưởng tích cực vào năm 2021.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ngành dệt may Việt Nam năm 2021 vẫn đang trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của COVID -19. Do đó, VITAS dự báo giá trị xuất khẩu dệt may năm 2021 đạt 38 tỷ USD (+10,2%) và sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2022, đạt 42 tỷ USD.

TIN LIÊN QUAN