Đền thờ vị vua đầu tiên xưng Đế, lập nước Vạn Xuân
Nói về lịch sử đền vua Lý Nam Đế ở Vạn Xuân trên miền Đất Tổ, cụ Cù Thanh Mỹ (thủ từ đền Lý Nam Đế) dẫn lời các nhà sử học: Trong lịch sử ngàn năm chống Bắc thuộc của dân tộc, cuộc khởi nghĩa năm 544 của Lý Bí (tức vua Lý Nam Đế) có vị trí rất quan trọng, bởi đây là thắng lợi vang dội nhất và giành được quyền độc lập, tự chủ lâu dài nhất.
Lý Bí là người đầu tiên xưng Đế, người đầu tiên đặt niên hiệu "Thiên Đức" cho nước Việt, sáng lập ra nhà nước Vạn Xuân. Mùa xuân năm 544, Lý Nam Đế xưng đế và chọn vùng đất Ô Diên để đóng đô, lập một triều đình riêng là sự khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc, bền vững muôn đời của dân tộc ta, Lý Nam Đế còn được coi là vị vua đầu tiên xác lập vùng đất Hà Nội cổ là kinh đô, trung tâm của đất nước.
Theo lược sử ngôi đền, vua Lý Nam Đế sinh ngày 12/9 năm Quý Mùi (tức 17/10/503) tại Cổ Pháp, xã Tiên Phong (Phổ Yên, Thái Nguyên). Đại Việt sử ký toàn thư có ghi Lý Nam Đế là con của một hào trưởng nhưng sớm mồ côi cha mẹ nên được một thiền sư đưa về chùa nuôi dạy. Lý Bí vì thế trở thành người học rộng, hiểu sâu, thiên tư lỗi lạc, có tài văn võ. Lớn lên, ông được Thứ sử Giao Châu là của nhà Lương mời ra làm chức Giám quân ở Đức Châu (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay).
Tại đây, vì bất bình với thói hà khắc, tàn bạo các quan lại đô hộ tàn ác, ông bỏ về quê chiêu tập quân sĩ chống lại chính quyền đô hộ nhà Lương tại Giao Châu. Từ cuối năm 541, Lý Bí đã quy tụ được nhiều bậc anh hùng hào kiệt là tù trưởng của các vùng như Triệu Túc cùng con trai là Triệu Quang Phục, Tinh Thiều, các võ tướng Phạm Tu, Trịnh Đô, Lý Công Tuấn... cùng nổi dậy chống lại chính quyền đô hộ nhà Lương.
Theo sách Lương thư của Trung Quốc, Tiêu Tư - tướng nhà Lương khi đó liệu thế không chống nổi quân Lý Bí đã phải sai người mang của cải đến dâng để được tha chạy về Quảng Châu (Trung Quốc). Quân của Lý Bí đánh chiếm được thành Long Biên.
Tháng 4/542, nhà Lương cho kéo quân sang đánh quân Lý Bí. Được tin, Lý Bí chủ động mang quân ra bán đảo Hợp Phố (vùng Quảng Đông, Trung Quốc hiện nay) đón lõng. Hai tướng giặc là Tôn Quýnh và Lưu Tử Hùng bị nghĩa quân của Lý Bí tiêu diệt, quân giặc chết như ngả rạ. Chiến thắng này giúp Lý Bí kiểm soát toàn bộ Giao Châu tức vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta, cộng thêm quận Hợp Phố của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) hiện nay.
Đến năm 543, vua Lâm Ấp mang quân chiếm quận Nhật Nam và đánh lên Cửu Đức (vùng Bắc Trung Bộ nay). Lý Bí lệnh cho tướng Phạm Tu cầm quân vào Nam đánh giặc. Kết quả, Phạm Tu đã đánh tan quân Lâm Ấp, thu non sông về một dải.
Vào tháng giêng năm 544, Lý Bí lên ngôi vua, xưng là Lý Nam Đế, đặt niên hiệu là Thiên Đức, quốc hiệu Vạn Xuân, chọn vùng đất Ô Diên (Hà Nội cổ) để đóng đô. Ông cho dựng điện Vạn Thọ làm nơi hội triều, thành lập triều đình với hai ban văn võ. Lấy Triệu Túc làm thái phó, Tinh Thiều đứng đầu ban văn, Phạm Tu đứng đầu ban võ. Lý Nam Ðế còn cho đúc tiền đồng để tiêu dùng trong nước, đây là tiền đồng đầu tiên của nước ta. Ông cho dựng một ngôi chùa lớn ở phường Yên Hoa (cạnh Tây Hồ) lấy tên là chùa Khai Quốc, nay là chùa Trấn Quốc - ngôi chùa cổ nhất của Hà Nội.
Vẫn không từ bỏ ý đồ thôn tính nước ta, vào tháng 6/545, nhà Lương lại một mang quân sang xâm lược Vạn Xuân. Lý Nam Đế đem ba vạn quân ra đánh trả nhưng bị thua ở Chu Diên và ở cửa sông Tô Lịch, tướng tài của ta là Tinh Thiều tử trận. Lý Bí lệnh cho quân rút chạy về thành Gia Ninh nay là xã Thanh Đình (Việt Trì, Phú Thọ).
Theo tư liệu của Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam, tháng giêng năm 546, tướng giặc Lương là Trần Bá Tiên mang quân chiếm thành Gia Ninh. Thế giặc quá mạnh và hung tàn, tướng Phạm Tu của ta tử trận, buộc Lý Nam Đế lệnh rút quân để bảo toàn lực lượng. Một thời gian sau khi đã tập hợp và cùng cố lực lượng, Lý Bí đem theo hai vạn quân sang đóng ở hồ Điền Triệt (thuộc tỉnh Vĩnh Phúc).
Khi quân Lương kéo đến, lúc đầu phải dừng lại ở cửa hồ không dám tiến đánh. Nhưng đến đêm mưa lũ, nước dâng lên, quân Lương theo dòng nước tiến vào, quân ta lực lượng mỏng, lại không kịp phòng bị vì thế tan vỡ. Lý Nam Đế bị thương phải lui về động Khuất Lão ở xã Vạn Lương (Tam Nông, Phú Thọ) dưỡng thương, ông giao binh quyền cho Triệu Quang Phục (là con của thái phó Triệu Túc) tiếp tục kháng chiến chống giặc Lương.
Đền thờ duy nhất có lăng mộ Lý Nam Đế
Theo tư liệu Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam chép về vua Lý Nam Đế, nói về đoạn Ngài bị thương phải rút lui về dưỡng thương trong động Khuất Lão, đến ngày 20/3 âm lịch (tức 13/4/548) Ngài qua đời, hưởng thọ 46 tuổi. Sau khi mất, thi hài Lý Nam Đế được quân sĩ và nhân dân an táng ngay trong động Khuất Lão.
Để tưởng nhớ tri ân công đức của vua Lý Nam Đế, nhân dân địa phương đã lập đền thờ ông trên gò Cổ Bồng, mà tương truyền gần một ngàn năm trước, trong lòng gò này có động Khuất Lão nơi an táng vua Lý Nam Đế. Hàng ngàn năm qua, thời cuộc lúc thăng lúc trầm nhưng lăng mộ vua Lý Nam Đế luôn được nhân dân trong vùng chăm sóc thờ tự.
Theo cụ từ Cù Thanh Mỹ, đền thờ vua Lý Nam Đế hiện nay được xây dựng trên vị trí ngôi đền cũ đã tồn tại hàng ngàn năm qua, trên gò Cổ Bồng (thuộc xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ). Cụ Mỹ cho biết, trên đất nước ta có gần 200 di tích thờ vua Lý Nam Đế, nhưng chỉ duy nhất ngôi đền trên gò Cổ Bồng, xã Vạn Xuân có lăng mộ của Ngài.
Cứ hàng năm, tại di tích đền thờ và lăng mộ vua Lý Nam Đế ở xã Vạn Xuân, chính quyền và nhân dân địa phương đều tổ chức 04 ngày lễ và ngày cầu. Trong các kỳ cầu, lễ tháng Giêng (từ mùng 4 đến 7) kỷ niệm ngày Vua ra quân là lớn nhất, đông vui nhất với các nghi lễ và trò chơi trong dịp đầu xuân để ghi nhớ, mô phỏng các chiến công của các bậc tiền bối trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Ngày 12/3 kỷ niệm ngày Vua lên ngôi. Ngày 20/3 âm lịch là ngày Vua mất, tổ chức lễ giỗ, tưởng niệm theo nghi lễ truyền thống; ngày 12/9 tổ chức lễ kỷ niệm ngày Vua sinh.
Hiện nay, khu di tích đền vua Lý Nam Đế được xây dựng khang trang với tổng diện tích trên 5ha, gồm các hạng mục kiến trúc: Nghi môn, lăng mộ vua ban thờ Thần Nông, đền thờ, tả vu, hữu vu và sân vườn, ao sen, hạ tầng kỹ thuật. Đền thờ đã được công nhân là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Nơi đây được biết đến vừa là một nơi phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân, cũng là một địa chỉ về nguồn để giáo dục truyền thống, thắp sáng lòng yêu nước, lòng tự hào về truyền thống lịch sử dân tộc cho các thế hệ.