Tài liệu này được kỳ vọng sẽ cải thiện hiểu biết của các thành viên ban kỹ thuật về tính bền vững là gì, cũng như sự phức tạp của nó. Nó cũng sẽ khuyến khích việc thu lượm thêm kiến thức chuyên môn và quan hệ đối tác trong lĩnh vực phát triển bền vững, xác định và giải quyết các chủ đề bền vững trong xây dựng tiêu chuẩn. Điều này sẽ mang lại giá trị gia tăng cho đóng góp của các tiêu chuẩn nhằm tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả chúng ta.
Năm 2019, ISO Guide 82 đã được ISO soát xét, cập nhật thành phiên bản 2.
Xây dựng một tương lai bền vững
Trong một thế giới mà tiêu chuẩn có thể được định nghĩa đơn giản là những cách thức thực hiện đã được thống nhất, cung cấp cho các bên liên quan hướng dẫn thích hợp để giúp họ tạo ra các khuôn khổ cấu trúc nhằm giảm thiểu rủi ro, hoạt động hiệu quả hơn và liên tục cải tiến. Với nhiều bên tham gia chính giải quyết và kết hợp tính bền vững vào thực tiễn, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã cung cấp một hướng dẫn để mang lại sự rõ ràng rất cần thiết cho vấn đề này.
Thế giới có thể đã vượt qua một loạt các điểm tới hạn. Những thập kỷ trước đã được xác định với các tác động về khí hậu khác nhau, sự gia tăng tốc độ mất đa dạng sinh học, rác thải nhựa trên đại dương, chiếm dụng đất đai quá mức và bất ổn chính trị. Một kỷ nguyên mới đang chờ đợi tất cả chúng ta, nhưng chúng ta phải nhận ra tác động của những lựa chọn và hành động của mình để vững vàng đối mặt với tương lai trước khi quá muộn.
Năm 2015, Liên hợp quốc đã đề ra Chương trình nghị sự toàn cầu 2030, với cốt lõi là 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), nhằm giải quyết một số vấn đề cấp bách nhất mà hành tinh của chúng ta phải đối mặt. Thiết lập nên một mục đích chung hướng tới một tương lai hòa bình và thịnh vượng cho thế giới. Hơn cả một mục tiêu chung, Chương trình nghị sự còn đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp cho nhân loại tham gia vào quan hệ đối tác toàn cầu hướng tới sự bền vững - chìa khóa mở ra tương lai của chúng ta.
Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới (WWF) báo cáo rằng các SDG hiện đang trở thành ngôn ngữ chung cho các chính phủ, tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp để hợp tác xoay quanh các mục tiêu, cam kết, kết quả và tác động bền vững được chia sẻ. Nó cũng nhấn mạnh trách nhiệm của khu vực tư nhân trong việc giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường trong chuỗi cung ứng của mình, kết hợp tính bền vững trong sứ mệnh kinh doanh cốt lõi của họ và tham gia vào việc chuyển đổi khu vực rộng lớn hơn mà họ là thành viên.
WWF chỉ ra cách các tiêu chuẩn về tính bền vững có thể giúp thúc đẩy nỗ lực đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững. Các tiêu chuẩn về tính bền vững là chìa khóa quan trọng trong việc chuyển đổi thị trường - thiết lập các tiêu chuẩn giải quyết các vấn đề về tính bền vững và cung cấp cho các tổ chức trên toàn cầu một công cụ sẵn sàng để thực hiện điều đó. Tập hợp những bên liên quan chính khác nhau tham gia vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn, tạo nên phương pháp tiếp cận đa bên có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Chương trình Nghị sự Toàn cầu 2030.
Từ góc độ kinh doanh, McKinsey báo cáo rằng 43% trong số 2 900 giám đốc điều hành được khảo sát cho biết công ty của họ đã gắn sự bền vững với các mục tiêu, sứ mệnh hoặc giá trị kinh doanh tổng thể của công ty. Các giám đốc điều hành xếp hạng giảm thiểu chất thải là 63%, giảm sử dụng năng lượng trong các hoạt động ở mức 64% và quản lý danh tiếng công ty về tính bền vững là 59%. Điều này chứng tỏ rằng tính bền vững cũng được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của các công ty ngày nay.
Điều mà thế giới cần ngay lúc này là gì?
Tiêu chuẩn quốc tế là những công cụ thiết yếu để giải quyết nhiều thách thức cấp bách của thế giới, đặc biệt là những thách thức liên quan đến phát triển bền vững. Nhận thức được tầm quan trọng của điều này, ISO đã xây dựng một tài liệu hướng dẫn cho các chuyên gia tiêu chuẩn về cách thức đề cập đến các vấn đề về tính bền vững trong tất cả các ấn phẩm của ISO.
ISO Guide 82, Hướng dẫn đề cập tính bền vững trong tiêu chuẩn, cung cấp tư vấn cho các nhà biên soạn tiêu chuẩn về cách đề cập đến các vấn đề bền vững trong việc soạn thảo, sửa đổi và cập nhật tiêu chuẩn. Hướng dẫn giúp nâng cao nhận thức về những thách thức của phát triển bền vững cho các chuyên gia tiêu chuẩn và cung cấp cho họ cách tiếp cận có hệ thống và nhất quán để xác định và đánh giá các yếu tố bền vững, điều cần thiết trong mọi quá trình xây dựng tiêu chuẩn.
Sau phiên bản đầu tiên năm 2014, đến 2019, hướng dẫn này đã được cập nhật để bao gồm thông tin về cách các tiêu chuẩn có thể hỗ trợ các SDG và để đảm bảo rằng các tiêu chuẩn này vẫn phù hợp trong việc giúp thế giới đạt được một tương lai bền vững. Jimmy Yoler, Trưởng nhóm công tác sửa đổi hướng dẫn, nói rằng các SDG năm 2030 là nhiệm vụ chính của nhóm trong việc sửa đổi hướng dẫn để đảm bảo rằng tính bền vững, cũng được thể hiện thông qua các SDG, được giải quyết và đưa vào các tiêu chuẩn. ISO Guide 82 nhằm mục đích nâng cao hiểu biết về tính bền vững và làm nổi bật các phương pháp tiếp cận nhiều mặt trong việc đề cập đến vấn đề này trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn. Hướng dẫn này là một tài sản quý giá cho các chuyên gia tiêu chuẩn đưa ra về Chương trình Nghị sự Toàn cầu 2030.
Ngoài ra, hướng dẫn này đề cập đến việc vấn đề phát triển bền vững cần được tính đến như thế nào trong quá trình thành lập các ban kỹ thuật và trong các giai đoạn tiếp theo của quá trình xây dựng tiêu chuẩn. Điều này bao gồm những SDG nào có thể được hỗ trợ bởi công việc của ban kỹ thuật. Nó hướng dẫn về cách thức đưa phát triển bền vững vào phạm vi, cấu trúc và kế hoạch chiến lược của ban kỹ thuật ngay từ khi thành lập, không phải đề cập đến thúc đẩy nhận thức về phát triển bền vững giữa ban lãnh đạo và thành viên ủy ban, đảm bảo rằng đây sẽ là một phần không thể thiếu trong công việc của ban kỹ thuật.
Giải pháp bền vững cho tất cả các bên
Mặc dù các SDG đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho năm 2030 và các ưu tiên phát triển quốc gia phải phù hợp với tầm nhìn đó, nhưng cần có những nỗ lực hợp tác để biến tầm nhìn đó thành hiện thực. Xây dựng tiêu chuẩn là một quá trình phức tạp cần phải thích ứng với hoàn cảnh và môi trường luôn thay đổi, có tính đến ba trụ cột của phát triển bền vững là xã hội, kinh tế và môi trường. Nói chung, tính bền vững có nhiều khả năng đạt được nếu ba khía cạnh trên được giải quyết một cách thực sự tương đương và gắn kết. Các hành động để giải quyết vấn đề trong các lĩnh vực này ảnh hưởng lẫn nhau - hiểu được sự phụ thuộc lẫn nhau năng động của chúng là chìa khóa để đưa ra các giải pháp bền vững bao trùm cả ba trụ cột.
Có thể nói rằng có những điểm tương đồng trong việc đề cập tính bền vững trong các tiêu chuẩn và giải quyết các vấn đề bền vững của một tổ chức. Khi nhiều vấn đề về tính bền vững được xác định là có liên quan và quan trọng, thì có thể sẽ có nhiều giải pháp để giải quyết chúng. Trong những trường hợp như vậy, xung đột có thể nảy sinh, tức là việc thực hiện một giải pháp cho một vấn đề có thể ngăn cản một giải pháp được thực hiện cho một vấn đề khác hoặc thậm chí có thể làm trầm trọng thêm tác động của vấn đề kia. Các nhà biên soạn tiêu chuẩn cần nhận thức rằng có thể có nhiều cách thích hợp để giải quyết những vấn đề này và các nguồn lực, năng lực để thực hiện các giải pháp cụ thể có thể khác nhau đáng kể.
Trong những trường hợp như vậy, các chuyên gia tiêu chuẩn nên hòa giải các xung đột bất cứ khi nào có thể. Ngoài ra, có thể xem xét đưa ra nhiều lựa chọn để làm cho những người sử dụng tiêu chuẩn nhận thức được các mối quan tâm và cho phép họ quyết định lựa chọn nào phù hợp. ISO Guide 82 kêu gọi các nhà xây dựng tiêu chuẩn tôn trọng, cân nhắc và đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan, khi có thể và khả thi, cần thu hút các bên tham gia trao đổi ý kiến và chia sẻ thông tin dựa trên cơ sở chuyên môn và tính đại diện rộng rãi và cân bằng giữa các bên.
Biến bền vững thành sự thật
Vì phát triển bền vững và quá trình tiến tới sự bền vững phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố, ISO Guide 82 đưa ra một phương pháp luận mà các nhà xây dựng tiêu chuẩn có thể sử dụng để phát triển cách tiếp cận của riêng họ nhằm giải quyết vấn đề về tính bền vững trên cơ sở đối tượng cụ thể. Với lưu ý đó, tiểu ban kỹ thuật ISO/TC 17/SC 16 của ISO chịu trách nhiệm về các vấn đề tiêu chuẩn hóa liên quan đến chất lượng, kích thước và dung sai cũng như các đặc tính khác phù hợp với thép làm cốt bê tông và thép dự ứng lực, đang đi đúng hướng.
Jan Karlsen, trưởng tiểu ban này, nói rằng ISO Guide 82 là một tài liệu quan trọng trong công việc tương lai của tiểu ban. Năm 2019, một số kế hoạch hành động đã được xác định để lồng ghép tính bền vững phù hợp với các SDG và một cuộc đánh giá đã được thực hiện để xác định kế hoạch nào là quan trọng để đạt được các mục tiêu cụ thể. ISO Guide 82 là một trong những tài liệu chính được sử dụng làm công cụ cho việc đánh giá đó và các thành viên của ban nhận thấy đây là một công cụ thiết thực và hữu ích để phát triển các tiêu chuẩn và đảm bảo chúng là bền vững.
Các thỏa thuận gần đây của tiểu ban được kết luận với mục đích thành lập các nhóm chuyên gia rộng hơn về tính bền vững để đảm bảo rằng tính bền vững được tính đến trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn. “Như được khuyến nghị trong ISO Guide 82, chúng tôi đã nhận ra vai trò quan trọng của các chuyên gia về tính bền vững trong vấn đề này và chúng tôi dựa vào họ để hướng chúng tôi đi đúng hướng, đảm bảo rằng các tiêu chuẩn trong tương lai là bền vững theo mọi cách có thể”, ông Karlsen cho biết thêm.
Tác động của các tiêu chuẩn về tính bền vững đã tăng lên trong những năm gần đây. Chúng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống theo nhiều cách bằng việc tạo điều kiện cho đối thoại giữa nhiều bên liên quan trong một lĩnh vực. Điều này có thể dẫn đến các chiến lược và quan hệ đối tác được cải thiện để giải quyết các vấn đề chính về tính bền vững, đồng thời giúp xây dựng lòng tin lẫn nhau, tác động đến thái độ hoặc trao quyền cho những người thường bị loại khỏi các quyết định ảnh hưởng đến họ. Được coi là nền tảng của sự bền vững, các tiêu chuẩn được thiết kế để giải quyết những thách thức xã hội và môi trường cấp bách nhất trong thời đại của chúng ta. Song song với đó, các tiêu chuẩn liên tục phát triển trong bối cảnh các cuộc đấu tranh không ngừng về tính hợp pháp và các tác động hữu hình trên thực tế. Những gì mà những phát triển này chỉ ra là sự thừa nhận về mức độ phức tạp của các thách thức mà tính bền vững phải đối mặt ở giai đoạn đầu của tiêu chuẩn, làm nổi bật các giới hạn của các phương pháp tiếp cận hiện tại và thúc đẩy sự không ngừng theo đuổi các phản ứng cải tiến mới.
Tiêu chuẩn hóa đóng một vai trò quan trọng trong việc biến thế giới của chúng ta thành một thế giới bền vững. Việc lồng ghép các vấn đề về tính bền vững vào bản thân các tiêu chuẩn có nghĩa là chúng đang được giải quyết ở phần cốt lõi. Với tính bền vững được đặt lên hàng đầu trong Chương trình Nghị sự Toàn cầu 2030 của chúng ta, những người viết tiêu chuẩn trên toàn thế giới được khuyến khích cân nhắc đến ở tất cả các giai đoạn trong quá trình phát triển tiêu chuẩn. Điều này sẽ giúp bảo vệ khỏi các tác động, ở quy mô toàn cầu, của các vấn đề về tính bền vững quan trọng nhất. Cùng với đó, ISO Guide 82 được kỳ vọng sẽ làm gia tăng giá trị cho xã hội bằng cách giúp các tiêu chuẩn xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả chúng ta./.