Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg, ngày 25/11/2003, giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai. Mục tiêu của Chương trình nhằm xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đồng thời tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Các tiêu chí cốt lõi của Chương trình là Chất lượng – Đổi mới, sáng tạo – Năng lực tiên phong. Nội dung của Chương trình tập trung: Nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của thương hiệu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư; Nâng cao năng lực xây dựng, phát triển, quản trị thương hiệu cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng tiêu chí của Chương trình; Quảng bá Thương hiệu Quốc gia Việt Nam gắn với quảng bá thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam.
Với ý nghĩa đó, từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 20/4 hàng năm là Ngày Thương hiệu Việt Nam nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam, đồng thời nhằm khơi dậy khát vọng của cấp, các ngành, xã hội và cộng đồng doanh nghiệp trong công cuộc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp nói riêng và THQG nói chung vì một Việt Nam hùng cường.
Ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia
Tại lễ kỷ niệm Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4) do Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam tổ chức sáng ngày 19/4 tại Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Đỗ Hồng Trung cho biết: Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các cơ quan chức năng, hiệp hội, ngành hàng, sau 16 năm, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng có nhiều sản phẩm, hàng hóa gắn với thương hiệu Việt - khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ thương hiệu trên môi trường số, ông Đỗ Hồng Trung đề nghị các doanh nghiệp: Không ngừng nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan thực thi và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (đối với từng nhóm hàng) trong việc kiểm soát hàng giả, hàng nhái ngay tại các cơ sở sản xuất trong nước và tại các cửa khẩu;
Tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các chủ thể quyền với các cơ quan thực thi, chủ sàn thương mại điện tử trong việc cung cấp hàng thật, kỹ năng nhận biết hàng hóa giả mạo, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ; tăng cường công tác bảo hộ nhãn hiệu; xây dựng thương hiệu đi đôi với bảo vệ thương hiệu bằng việc bảo vệ sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp; các doanh nghiệp tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng thực thi để cung cấp thông tin nếu nhãn hàng, thương hiệu của doanh nghiệp bị xâm phạm; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, nâng cao năng lực, hướng tới việc xây dựng văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong toàn xã hội, hướng tới việc xây dựng cộng đồng doanh nghiệp ý thức được đầy đủ các lợi ích của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu đối với sự phát triển của doanh nghiệp...
Bà Nguyễn Hà Thu, Tổng giám đốc Công ty TNHH quốc tế Trà Tiên Thảo
Bà Nguyễn Hà Thu Tổng giám đốc Công ty TNHH quốc tế Trà Tiên Thảo cho biết: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tính cạnh tranh cao, việc xây dựng, phát triển, quảng bá và bảo vệ thương hiệu có ý nghĩa sống còn đối với mỗi doanh nghiệp nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Thời gian qua, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ và thiếu tính chuyên nghiệp, đồng bộ. Do đó, cần phải có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để xây dựng và bảo vệ thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo đánh giá của Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance (Vương quốc Anh), thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% trong giai đoạn từ năm 2019 - 2023. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2023 đạt 498,13 tỷ USD tăng 15,6% so với năm 2022 và liên tục tăng trưởng 2 con số trong 5 năm qua, xếp thứ 33 trong top 121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới được xếp hạng.
Giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong hội nhập quốc tế.