Nhiều ý kiến cho rằng, năm 2022 là năm mà thị trường bất động sản sẽ chuyển mình và bật dậy sau thời gian dài bị kìm hãm do dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, đây cũng là năm với nhiều thách thức mà doanh bất động sản phải đối mặt như dịch bệnh vẫn còn kéo dài, lệch pha cung - cầu, giá nhà đất tăng phi mã, ảnh hưởng giá dầu, ngân hàng siết van tín dụng… sẽ là lực cản kìm hãm đà phục hồi của thị trường bất động sản.
Mới đây, tại Hội thảo “Tạo đà phục hồi của thị trường bất động sản phía Nam”, ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển (R&D) DKRA Vietnam cho rằng, thị trường bất động sản TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam có nhiều tiềm năng và triển vọng rất lớn, cùng với những điểm tựa thuận lợi. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản, các địa phương, các doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng đối diện với không ít khó khăn, thách thức.
Theo ông Võ Hồng Thắng, hiện nay, nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh kéo dài, do tác động tiêu cực từ thị trường thế giới, nhất là giao tranh giữa Nga và Ukraine đã tác động đến giá dầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đà phục hồi của thị trường thế giới.
Việc siết tín dụng vào bất động sản của Ngân hàng Nhà nước cũng như rà soát lại hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản khiến các doanh nghiệp này khó tiếp cận nguồn vốn cũng được cho là sẽ tác động đến thị trường bất động sản.
Ngoài ra, những nút thắt pháp lý, cấp phép dự án mới chưa được tháo gỡ, kéo dài thời gian triển khai dự án, làm tăng chi phí hồ sơ thủ tục, tăng chi phí để phát triển dự án. Sự lệch pha cung - cầu, thị trường thiếu nhà ở giá thấp nhưng lại thừa nhà giá cao, giá nhà đất tăng từng ngày khiến giấc mơ sở hữu nhà ở của đại bộ phận người dân trở nên xa tầm với.
Theo TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, trước những biến động phức tạp như hiện nay như chiến tranh, dịch bệnh, khủng hoảng tài chính, vì vậy việc cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản là đặc biệt quan trọng, tránh lặp lại tình trạng “chết trên đống tài sản” đã từng xảy ra trong quá khứ. Trong 9 - 12 tháng tới, việc một số các nhà đầu tư buộc phải bán tháo tài sản do không thể gánh được sức ép từ các công cụ hỗ trợ tài chính là hoàn toàn có thể xảy ra.
Cũng theo TS. Sử Ngọc Khương, đối với các nhà đầu tư, trước khi quyết định xuống tiền, cần chú ý về giá và pháp lý của bất động sản. Đối với những nhà đầu tư có ý định bán bất động sản vào lúc này, cần cân nhắc kỹ mục đích sử dụng của khoản tiền sau khi bán tài sản đó. Sẽ là hợp lý nếu khoản tiền này được đầu tư vào những kênh đầu tư hiệu quả hơn trong bối cảnh dịch bệnh, bất ổn chính trị quốc tế.
TS. Sử Ngọc Khương cho rằng, trong giai đoạn từ năm 2022 - 2023, các nước trên thế giới và Việt Nam sẽ vẫn phải đối mặt với những khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng. Trong trường hợp nếu nền kinh tế gặp khó khăn và dịch bệnh tiếp tục gây ra những hạn chế về giãn cách xã hội cũng như vấn đề khác liên quan đến nền kinh tế thì tính thanh khoản của tài sản là rủi ro lớn nhất.
Bên cạnh đó, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cũng khuyến cáo, nếu các nhà đầu tư lướt sóng, đầu tư ngắn hạn, nhà đầu tư cần cân nhắc lại phương án kinh doanh và giảm kỳ vọng vì thị trường bây giờ không phải kiểu lướt sóng của nhiều năm trước. Nhà đầu tư cần phải cẩn thận, giảm sử dụng đòn bẩy tài chính bởi tiền lãi tăng nhưng biên độ lợi nhuận lại không bù đắp được số tiền lãi.
Để gỡ khó cho thị trường bất động sản cũng như các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật. Các địa phương tiếp tục hoàn thiện việc cung cấp thông tin cho thị trường, rà soát các điểm nghẽn về thủ tục pháp lý. Cải cách thủ tục hành chính cũng là yếu tố tác động rất lớn đến thị trường bất động sản.
Ngoài ra, để thị trường phát triển bền vững, yếu tố quy hoạch đô thị phải gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhất là đối với nhà ở vừa túi tiền đáp ứng phần nhu cầu của đại bộ phận dân chúng.