Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, thời gian qua tỉ lệ thanh niên thất nghiệp hoặc không tìm được việc làm phù hợp tương đối cao so với tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cả nước (7,61% so với mức trung bình toàn quốc là 2,25%).
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng, nguyên nhân chính là do kỹ năng của người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu thay đổi của thị trường lao động. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả giáo dục nghề nghiệp nhằm tận dụng năng lực kỹ năng số để cải thiện khả năng làm việc và năng suất lao động, hướng tới đào tạo nghề chất lượng cao.
Thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho thấy, công tác đào tạo nghề chất lượng cao đã đạt được một số chuyển biến tích cực, có hơn 75% số học viên tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Các trường đã tiếp nhận chuyển giao đào tạo trên 34 nghề trọng điểm quốc tế. Các chương trình đào tạo chất lượng cao đã có thời lượng đào tạo tại doanh nghiệp trên 30%, thời lượng thực hành đạt trên 50% chương trình.
Theo Tổng cục Dạy nghề, giai đoạn 2016-2020, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS vào học giáo dục nghề nghiệp có 980.620 học sinh. Phần lớn trường cao đẳng, trường trung cấp trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đều có tuyển sinh và đào tạo cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó chủ yếu học sinh vào học hệ trung cấp, ngoài ra có một số học các trình độ sơ cấp hoặc học liên thông lên cao đẳng. Tuy nhiên số lượng tuyển sinh hằng năm vẫn còn ít so với mục tiêu được đặt ra.
Do vậy, các chương trình đào tạo hiện nay đã được phát triển dựa trên tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và chuẩn đầu ra. Cấu trúc chương trình đào tạo được xây dựng theo mô đun, tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và thái độ nghề nghiệp..., đảm bảo sự liên thông giữa các cấp trình độ đào tạo.
Thời gian tới, để đào tạo nghề phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực hơn cho nền kinh tế, còn rất nhiều việc cần phải làm. Trong đó, chú trọng huy động mọi nguồn lực xã hội, nhất là của các tập đoàn, doanh nghiệp của các thành phần kinh tế vào công tác đào tạo nghề.
Khi chuyển dần sang nền kinh tế tri thức và trong xu thế toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế, nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng thể hiện vai trò quyết định. Các lý thuyết tăng trưởng cũng đã chỉ ra rằng, một nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh và ở mức cao phải dựa trên ít nhất ba trụ cột cơ bản: áp dụng công nghệ mới, phát triển hạ tầng cơ sở hiện đại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.