Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) là một chính sách có ảnh hưởng lớn và trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành đồ uống nói chung, ngành bia nói riêng và tác động tới cả các ngành hàng liên quan và nền kinh tế.
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đang sửa đổi theo hướng điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng bia (mức thuế hiện nay là 65%) với 2 phương án được đề xuất: Phương án 1 (PA1), tăng thuế từ năm 2026, tăng theo từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế TTĐB đối với bia là 90%; Phương án 2 (PA2), tăng thuế từ năm 2026 với mức tăng 15%, sau đó từ năm 2027 tăng từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế TTĐB đối với bia là 100%.
Ngoài 2 phương án trên, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát (VBA) đã gửi văn bản lên Bộ Tài chính đề xuất lùi thời hạn tăng thuế tới năm 2027, đồng thời tăng thuế ở mức 5% với lộ trình 2 năm tăng 1 lần, đến 80% vào năm 2031 để phù hợp với bối cảnh kinh tế. (phương án 3 – PA3).
Các phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia
Tại hội thảo công bố “Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia” do Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát tổ chức. Tóm tắt kết quả “Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia”, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh - trưởng nhóm nghiên cứu Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổng cục thống kê cho biết, trong những năm gần đây, ngành bia và đồ uống nói chung đóng góp lớn vào thu ngân sách nhà nước, với trung bình khoảng gần 60 ngày tỷ đồng mỗi năm. Giá trị sản xuất của ngành đồ uống chiếm khoảng 5,6 - 6% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp.
Theo bà Thảo, nhóm nghiên cứu đã thực hiện đánh giá tác động tăng thuế đối với ngành rượu bia. Theo đó, các phương án tăng thuế đều ảnh hưởng tới sản xuất của ngành bia, từ đó làm giảm sản xuất của 21 ngành làm đầu vào cho ngành bia trong nền kinh tế. Khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia thì nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế sản phẩm (thuế gián thu) trong cả ba phương án đều tăng. Nhưng nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế gián thu chỉ tăng trong ngắn hạn. Mặt khác, việc tăng thuế ảnh hưởng tiếp đến cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động. Hệ quả là làm suy giảm GDP của nền kinh tế.
Từ kết quả nghiên cứu, báo cáo đề xuất phương án năm 2027 tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia với lộ trình tăng 2 năm để giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng với thị trường và tránh được sự suy giảm nghiêm trọng có thể làm tổn hại tới sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, của ngành.
Chia sẻ tại hội thảo, Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam đồng tình với quan điểm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia thuốc lá nhằm điều chỉnh hành vi người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe nhân dân, tăng thu ngân sách nhà nước cũng như thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, cần xem xét phương án giãn thời gian tăng thuế suất có lộ trình để các doanh nghiệp có điều kiện xây dựng phương án, chuyển đổi sản xuất kinh doanh, không bị xáo trộn quá lớn. Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng thời gian tăng, mức tăng phù hợp, có thể theo phương án năm đầu tăng thuế suất 5%, các năm tiếp theo sẽ tăng thuế theo lộ trình vài năm thay vì 1 năm.
Song song với đó, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp khác như thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cần có các biện pháp quyết liệt chống hàng nhập lậu và đưa vào diện quản lý nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của rượu trong dân, sản xuất rượu không có đăng ký kinh doanh, không đảm bảo chất lượng dễ gây ngộ độc, chết người, ảnh hưởng sức khỏe nhân dân, trật tự, an sinh xã hội.
Liên quan đến mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng bia, rượu, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), nhấn mạnh thuế chỉ là một biện pháp.
“Chúng ta phải tích hợp và hài hoà nhiều biện pháp khác nhau. Các biện pháp này phải đảm bảo hướng người dân tới việc tiêu dùng có trách nhiệm. Không chỉ với rượu, bia mà nhiều sản phẩm thực phẩm khác nếu dùng quá nhiều, dùng vượt ngưỡng thì rất có hại.
Vậy thì nhà sản xuất, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng và các cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra khuyến nghị cho người sử dụng một cách chi tiết về hàm lượng, mức độ sử dụng như thế nào thì có lợi, như thế nào thì có hại cho sức khoẻ”, ông Việt nói.
Vị chuyên gia cho rằng lựa chọn của người tiêu dùng không đơn thuần co giãn theo giá mà còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như biện pháp hành chính, tuyên truyền, giáo dục...