Chủ đề Ngày Quốc tế An toàn Thực phẩm năm nay là “Thực phẩm an toàn cho sức khỏe tốt hơn”. Việc tiếp cận với thực phẩm an toàn là yếu tố sống còn và cần thiết cho sức khỏe của chúng ta, thế giới phải tìm ra cách để đạt được điều đó. Thật vậy, các hệ thống lương thực toàn cầu vốn đã chịu nhiều áp lực trước đại dịch, nay đang chịu tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng hay tác động của việc tăng tốc biến đổi khí hậu.
Chủ đề được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lựa chọn năm nay nhấn mạnh tầm quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh và bổ dưỡng để đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc của nhân loại. Và tất cả chúng ta đều có vai trò trong việc biến nó thành hiện thực. Dù nhiệm vụ của chúng ta là gì (trồng trọt, chế biến, vận chuyển, bảo quản, bán, thu mua, chế biến hoặc phục vụ), chúng ta đều tham gia vào việc đảm bảo an toàn thực phẩm.
Việc đáp ứng thách thức này là cấp bách hơn bao giờ hết. Theo WHO, thực phẩm không an toàn gây ra 600 triệu ca bệnh trên toàn thế giới và 420.000 ca tử vong; khoảng 30% số ca tử vong này liên quan đến trẻ em dưới 5 tuổi.
Các sáng kiến đầy hứa hẹn
Nhu cầu khẩn cấp về chuyển đổi hệ thống lương thực đã mở đường cho các sáng kiến đầy hứa hẹn, chẳng hạn như Food Action Alliance, một nỗ lực hợp tác của các nhà lãnh đạo thế giới nhằm “sản xuất lương thực hiệu quả, toàn diện và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người”. Một sáng kiến khác, 100 triệu nông dân tập trung vào việc hỗ trợ các giải pháp địa phương “khuyến khích nông dân và trao quyền cho người tiêu dùng đặt khí hậu, thiên nhiên và khả năng phục hồi làm trọng tâm của nền kinh tế lương thực”.
Đây chính là điều mà Mục tiêu Phát triển Bền vững số 2 của Liên hợp quốc - “Zero Hunger” nhấn mạnh: “Cần có sự thay đổi sâu sắc trong hệ thống nông nghiệp và lương thực toàn cầu nếu chúng ta muốn cung cấp thức ăn cho 820 triệu người đang đói ngày nay và 2 tỷ người thế giới sẽ có vào năm 2050. Việc tăng năng lực sản xuất nông nghiệp và củng cố hệ thống sản xuất lương thực bền vững là cần thiết giúp giảm thiểu nạn đói”.
Trong một thế giới được đặc trưng bởi sự kết nối mạnh mẽ, chúng ta ngày càng nhận thức được tác động của việc sản xuất nông sản đối với môi trường và những rủi ro sức khỏe do nó gây ra do các bệnh truyền qua thực phẩm, sự hiện diện của chất độc và các rủi ro khác.
Các sản phẩm thực phẩm liên tục di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác thông qua chuỗi cung ứng ngày càng phức tạp, điều này làm tăng nguy cơ ô nhiễm và thực hành xấu. Bằng cách tăng cường hiệu quả và khả năng phục hồi của hệ thống nông sản thực phẩm, có thể giảm thiểu rủi ro này và đảm bảo rằng các hệ thống được chuẩn bị đầy đủ để đối phó với vấn đề tiềm ẩn về nguồn cung cấp thực phẩm.
Các tiêu chuẩn được cập nhật
Các tiêu chuẩn thúc đẩy chất lượng và an toàn thực phẩm cũng như hiệu quả chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm, từ nông trại đến đầu mối, giúp ngăn ngừa một số bệnh, phát hiện vi khuẩn và quản lý rủi ro. Về phần mình, ISO đóng vai trò thiết yếu. Do đó, ISO 22000 về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm giúp các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp thực phẩm quản lý sự an toàn của sản phẩm. Cung cấp thêm niềm tin vào chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu, tiêu chuẩn này cũng giúp tạo điều kiện xuất khẩu và cung cấp thực phẩm an toàn.
Nhân Ngày Quốc tế An toàn Thực phẩm, ISO đã công bố phiên bản sửa đổi của ISO 22003 về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (phần 1 và phần 2), vì lợi ích to lớn nhất cho cộng đồng thế giới. Theo ông Kylie Sheehan, Giám đốc điều hành Cơ quan Công nhận chung cho Úc và New Zealand (JAS-ANZ), Đồng trưởng nhóm công tác sửa đổi ISO 22003: "Hiện chúng tôi có hai tiêu chuẩn giúp các tổ chức trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm đạt chứng nhận. Chúng cũng cung cấp sự đảm bảo cho các cơ quan quản lý và người tiêu dùng rằng các tổ chức chứng nhận trong lĩnh vực này đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn tối thiểu để tạo sự tin tưởng về kết quả an toàn thực phẩm”.
Ông Torben Lyster-Clasen, Chủ tịch Uỷ ban kỹ thuật phụ trách phát triển các tiêu chuẩn này và là chuyên gia đóng góp vào sự phát triển của ISO 22000 và ISO 22003 đồng ý và nhắc lại những gì mà sự hợp tác có thể đạt được: “Hơn 100 chuyên gia từ các ngành công nghiệp, hệ thống chứng nhận an toàn thực phẩm, tổ chức chứng nhận và cơ quan công nhận đã làm việc chặt chẽ với nhau để phát triển hai tiêu chuẩn mới này. Kết quả thể hiện bước tiến lớn của ISO trong việc hài hòa bộ công cụ đánh giá sự phù hợp an toàn thực phẩm”.
Ông Torben Lyster-Clasen nói thêm rằng các công ty nông sản thực phẩm, khách hàng của họ, người tiêu dùng, chủ sở hữu hệ thống chứng nhận, kiểm toán viên an toàn thực phẩm và những người tham gia việc thừa nhận hệ thống an toàn thực phẩm dù họ đến từ khu vực tư nhân hay các cơ quan quản lý, sẽ được hưởng lợi.