Đà Nẵng: Ruốc được nhuộm đỏ chứa chất gây hại cho sức khỏe

(CL&CS) - Những ngày qua, một số nhóm tiểu thương tại vực biển Thọ Quang (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) hòa chất lỏng màu đỏ không rõ nguồn gốc vào ruốc để nhuộm màu khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.

Ruốc được ngư dân mang vào bờ từ rất sớm để cung ứng cho tiểu thương (Ảnh: Thế Sơn)

Sáng 3/3, Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị vừa đề nghị UBND quận Sơn Trà chỉ đạo các đơn vị chức năng làm rõ dung dịch màu đỏ được tiểu thương sử dụng để nhuộm ruốc biển.

Trước đó, Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng nhận được phản ánh về việc một số tiểu thương sau khi thu mua ruốc biển tươi ở đường Hoàng Sa (biển Thọ Quang, quận Sơn Trà) thì dùng dung dịch màu đỏ tưới lên ruốc nhằm tạo màu hồng, tươi.

Ngày 7/2, Phòng Kinh tế quận Sơn Trà cùng Đội Cảnh sát Kinh tế công an quận và UBND phường Thọ Quang kiểm tra việc thu mua, bảo quản ruốc sau đánh bắt của ngư dân, tiểu thương tại bãi biển Thọ Quang.

Lực lượng kiểm tra phát hiện tiểu thương dùng loại dung dịch màu đỏ chứa trong chai nhựa, đổ vào ruốc. Qua khai thác thông tin thì được biết tiểu thương dùng nước này để tạo màu đỏ cho tép với mục đích nhìn sản phẩm tươi hơn hoặc đổ chất lỏng màu đỏ vào ruốc khi ruốc có hiện tượng nhợt nhạt, không còn tươi với mục đích để cho ruốc có màu đỏ tươi trở lại, dễ bán với giá cao.

Được biết, ruốc được chia làm nhiều loại, trong đó, ruốc loại 3 được bán với giá 10 nghìn đồng/kg, thường được dùng để làm mắm; ruốc loại 2 phơi khô làm tép, và ruốc loại 1 để người dân chế biến thức ăn sau khi mua về, và được tiểu thương bán với giá từ 40 nghìn đến 50 nghìn đồng/1kg.

Người tiêu dùng lo lắng, hoang mang khi một số nhóm tiểu thương tại vực biển Thọ Quang hòa chất lỏng đỏ không rõ nguồn gốc vào ruốc để nhuộm màu (Ảnh: Thế Sơn)

Ban Quản lý ATTP Đà Nẵng hướng dẫn Phòng Kinh tế mua 2 mẫu ruốc tươi từ tiểu thương gửi Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản Vùng 2 để thử nghiệm các chỉ tiêu Rhodamine B và Formaldehyde là những chất cấm sử dụng trong thực phẩm.

Ngày 14/2, đơn vị thử nghiệm công bố kết quả phát hiện 1 mẫu có Formaldehyde hàm lượng 100,42 mg/kg, 1 mẫu hàm lượng Formaldehyde 27,19 mg/kg, không phát hiện Rhodamine B.

Tiếp đến 15/2, Phòng Kinh tế quận Sơn Trà cùng UBND phường Thọ Quang tiếp tục lấy 2 mẫu tép trực tiếp từ ngư dân khai thác gửi Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 2 thử nghiệm thì không phát hiện Formaldehyde. Ngày 17/2, Phòng Kinh tế tiếp tục lấy 5 mẫu ruốc rươi được tiểu thương bán ở chợ Mân Thái, chợ Mai, chợ Nại Hiên Đông, chợ An Hải Bắc nhưng Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 2 không phát hiện Formaldehyde.

Theo Ban Quản lý ATTP Đà Nẵng, trong hai mẫu đầu tiên mà quận Sơn Trà gửi đi kiểm nghiệm, có chất Formaldchyde là chất gây hại cho sức khỏe tiêu dùng, không được phép sử dụng.

Đáng chú ý, đoàn kiểm tra phát hiện tiểu thương dùng “dung dịch màu đỏ” chứa trong chai nhựa, trên vỏ chai là nhãn hiệu nước ngọt “hương dâu”. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra chưa làm rõ dung dịch màu đỏ chính là nước giải khát của thương hiệu trên, hay là do tiểu thương tự pha chế rồi chứa vào chai nhựa.

Tại thời điểm kiểm tra cũng chưa làm rõ có lấy mẫu được dung dịch màu đỏ để kiểm nghiệm, chưa xác định được trong dung dịch có chứa Formaldehyde hay không. Đồng thời, chưa xác định được nhân thân người thực hiện hành vi trộn "dung dịch" vào ruốc.

Ngoài ra, khi phát hiện 2 mẫu ruốc có chứa chất cấm Formaldehyde, đoàn cũng chưa xác định rõ hành vi vi phạm và biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả.

Ban quản lý ATTP đề nghị UBND Q.Sơn Trà chỉ đạo các cơ quan liên quan làm rõ các nội dung và có biện pháp xử lý, răn đe hành vi sử dụng chất cấm Formaldehyde trong ruốc tươi, đảm bảo an toàn cho người dân, du khách.

TIN LIÊN QUAN