Cuối năm giá bất động sản sẽ tăng?

(CL&CS) - Nhiều ý kiến cho rằng, giá xăng dầu, vật liệu xây dựng, nhân công đều tăng, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, lạm phát… sẽ khiến giá bất động sản tăng trong thời gian tới.

Hiện nay trong số các kênh đầu tư phổ biến trên thị trường thường thấy như vàng, chứng khoán và bất động sản thì bất động sản được xem như một kênh đầu tư an toàn, giúp tích trữ tài sản với tiềm năng tăng lợi nhuận trong tương lai. Từ nay đến cuối năm 2022, trong bối cảnh nguy cơ lạm phát tăng, bất động sản vẫn được nhiều nhà đầu tư có xu hướng nắm giữ tài sản hơn là bán ra.

Trong bối cảnh nguy cơ lạm phát tăng, bất động sản vẫn được nhiều nhà đầu tư có xu hướng nắm giữ tài sản hơn là bán ra. Ảnh: Tấn Lợi

Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam (Savills Vietnam) từ nay đến cuối năm, với bối cảnh cuộc chiến tranh Nga - Ukraine vẫn diễn ra, xăng, dầu sẽ tăng cao và không có nhiều thay đổi, bên cạnh đó, nguồn cung mới trên thị trường khá hạn chế dẫn đến việc các chủ đầu tư sẽ tăng giá bất động sản từ 20 - 30% so với các năm trước. 

Theo ông Khương, giá bất động sản tăng trong thời gian vừa qua được coi là tăng theo tính tịnh tiến và tiệm cận. Điều đó có nghĩa giá bất động sản không tăng nóng như các năm trước (tăng một lúc từ 10-15%) mà giá sẽ tăng vài % hàng tháng.

Tuy nhiên, khi nhìn lại thị trường trong suốt một năm thì bất động sản tăng giá từ 20 - 25%. Đây chính là diễn biến thị trường trong thời gian qua. Do đó, từ đây đến cuối năm, thị trường sẽ không thay đổi nhiều so với 6 tháng đầu năm khi nguồn cung bị hạn chế, ngân hàng vẫn mạnh tay siết chặt tín dụng.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, quỹ đất hạn chế, tốc độ cấp phép dự án chậm chạp cùng với một số chính sách kiểm soát tín dụng bất động sản khiến thị trường có thể lâm vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Bên cạnh đó là nỗi lo lạm phát, nhu cầu tích lũy tài sản, trong đó có tài sản bất động sản lên cao khiến nhu cầu bất động sản đầu tư tăng trưởng, thúc đẩy mặt bằng giá tại một số phân khúc, trong đó bất động sản căn hộ có nhiều điều kiện để thiết lập mặt bằng giá mới trong nửa cuối năm nay.

Bên cạnh đó, việc siết tín dụng đối với bất động sản thông qua kênh huy động vốn trái phiếu doanh nghiệp khiến chủ đầu tư các dự án đang gặp khó khăn trong việc triển khai dự án. Ngoài ra, việc cấp phép chậm cho các dự án một lần nữa khiến nguồn cung bất động sản nhà ở gặp khó. Trước nguy cơ lạm phát lan rộng khiến nhà đầu tư càng có nhu cầu nắm giữ tài sản thay vì bán ra và thu tiền.

Nhận định về thị trường bất động sản trong thời gian tới, ông Khương cho biết, hiện nay các ngân hàng đang rà soát khả năng cho vay với bất động sản. Do đó, nếu những chính sách vĩ mô như chính sách tài khóa, tiền tệ thay đổi và vướng mắc pháp lý của dự án được giải quyết thì thị trường mới có tín hiệu tích cực hơn. Các doanh nghiệp khác về xây dựng, dịch vụ cũng sẽ hưởng lợi từ doanh nghiệp bất động sản.

Theo Giám đốc Cấp cao Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam, để phát triển một dự án bất động sản các chủ đầu tư cần vốn chủ sở hữu, vốn vay từ ngân hàng, vốn từ các đối tác và vốn nhận thu trước từ khách hàng. Đây là những nhóm vốn chính để triển khai các dự án bất động sản nhà ở; trong đó phần lớn nguồn vốn đến từ vay ngân hàng. Vì vậy, việc siết dần dòng vốn tín dụng của nhiều ngân hàng sẽ làm thị trường khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, với những chính sách tài khóa, tiền tệ, pháp lý trong 3 - 5 năm tới cùng với khó khăn nội tại như hiện nay thì nguồn cung sẽ không nhiều. Các đô thị lớn sẽ dần mất sức hút và tính cạnh tranh so với các vùng lân cận. Khi đó, bài toán nhà ở sẽ được phân bổ ở các đô thị vệ tinh, tạo nên một bài toán khó cho các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội.

TIN LIÊN QUAN