Mở đầu báo cáo thường niên năm nay, Sacombank đã tự tin khẳng định rằng ngân hàng đã chuyển mình mạnh mẽ và đang tăng tốc trở lại đường đua. Những người dõi theo Sacombank đều hiểu, để quay trở lại đường đua là cả hành trình đầy thử thách với Sacombank.
Từ khủng hoảng, nợ xấu, tồn đọng
Cách đây 6-7 năm, vấn đề tái cấu trúc ngành ngân hàng là chủ đề nóng toàn xã hội. Lúc đó, hàng loạt ngân hàng rơi vào cảnh chìm ngập trong nợ xấu. Để xử lý "thảm cảnh" ngành ngân hàng lúc đó, một số ngân hàng bết bát trở thành "ngân hàng 0 đồng", một số được giao về các ngân hàng khác để tái cấu trúc.
Một trong những bước ngoặt lớn của Sacombank chính là sáp nhập theo chủ trương tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo nên một ngân hàng lớn, lành mạnh phục vụ tốt cho nền kinh tế và đủ sức vươn ra thị trường quốc tế. Năm 2017 là năm đánh dấu dấu mốc quan trọng trong hành trình của Sacombank khi sáp nhập ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank) kèm trọng trách kế hoạch 7 năm tái cấu trúc.
Sau sáp nhập Southern Bank vào năm 2015, Sacombank đối diện với muôn vàn khó khăn thách thức khi mọi mặt hoạt động suy giảm, nợ xấu, tồn đọng tài chính tăng cao và khả năng hoạt động liên tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đề án tái cơ cấu được xây dựng và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt với kỳ vọng đến năm 2025 Sacombank sẽ hoàn tất quá trình tái cơ cấu và trở lại hoạt động bình thường.
Đến cú chạm 10 triệu, tái cấu trúc thành công
Trong thư gửi cổ đông, khách hàng, nhà đầu tư, đối tác và toàn thể cán bộ nhân viên của ông Dương Công Minh-Chủ tịch HĐQT Sacombank, nói rằng “2021 là năm then chốt kết thúc Chiến lược phát triển giai đoạn 2017 - 2021 của Sacombank để chuyển tiếp sang một hành trình mới”.
Nhắc lại chuyện cũ để nói lên một điều là Sacombank được dùng quãng thời gian từ 2017 đến hết năm 2025 để hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu ngân hàng hậu sáp nhập Southern Bank, nhưng chỉ sau 5 năm tập trung tái cơ cấu, Sacombank đã cơ bản hoàn tất đề án mà đáng lẽ ra 3 năm nữa mới phải “trả kết quả”.
Thực ra, dấu ấn thành công của Sacombank không phải đến bây giờ nhà đầu tư mới "tỏ". Ngay từ năm đầu tiên sau sáp nhập, Sacombank đã đạt tăng trưởng dương về lợi nhuận. Đây là điều mà các đơn vị sáp nhập khác cùng thời điểm không đạt được.
Đến đầu năm 2021, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s đã nâng xếp hạng tiền gửi dài hạn của Sacombank từ Caa1 lên B3 với triển vọng ổn định, đồng thời nâng bậc đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) và BCA điều chỉnh lên Caa1 từ Caa2. COVID-19 đã không làm chậm tiến độ thực hiện chiến lược tái cơ cấu và phát triển kinh doanh của Sacombank.
Cũng trong năm 2021, Sacombank chạm mốc 10 triệu khách hàng. Đến cuối năm 2021, tổng tài sản hợp nhất của Sacombank đã tăng lên hơn 521.000 tỷ đồng (tăng 57% so với năm 2016), tổng huy động tăng lên gần 465.000 tỷ đồng (tăng 52,3%), nợ xấu và tài sản tồn đọng giảm sâu, vượt 7,9% tiến độ kế hoạch tổng thể Đề án Tái cơ cấu. Lợi nhuận trước dự phòng Đề án tăng lên đạt 12.660 tỷ đồng, song do tập trung tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ chi phí Đề án, lợi nhuận trước thuế đạt 4.400 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông giao và gấp 28 lần so với năm 2016.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Sacombank đã giảm nhanh sau 5 năm tái cấu trúc
Tái cấu trúc thành công giúp lợi nhuận trước thuế của Sacombank tăng mạnh từ năm 2017 đến nay
Sau gần 5 năm tập trung tái cơ cấu theo “Đề án tái cơ cấu Sacombank,” ngân hàng đã thu hồi và xử lý được gần 72.000 tỷ đồng các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó hơn 58.300 tỷ đồng là các khoản thuộc đề án. Đặc biệt, Sacombank đã xử lý được gần 15.900 tỷ đồng lãi dự thu khoanh, tương đương giảm 73,7%. Trong đó, năm 2021, công tác thu hồi, xử lý nợ xấu được đẩy mạnh, gần 14.100 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng (trong đó thuộc Đề án gần 11.800 tỷ đồng) được thu hồi, xử lý. Nếu tính cả những khoản nợ đã bán tài sản để xử lý khoản vay thành công và đang thu theo tiến độ thì tổng doanh số thu hồi và xử lý nợ trong năm 2021 đạt hơn 22.100 tỷ đồng.
Và dấu ấn của đội ngũ lãnh đạo giàu kinh nghiệm
Dấu mốc hậu sáp nhập SouthernBank cũng là thời ghi dấu một câu chuyện khác của Sacombank. Kể về chặng đường mới của Sacombank lúc đó, Ông Dương Công Minh - thuyền trưởng đã dẫn dắt Sacombank từ đó đến nay đã nói: "Đó cũng là lúc tôi bắt đầu gắn bó với Sacombank. Tôi nhận thấy động lực thôi thúc nhất của cả hệ thống là lấy lại vị thế vốn có của một trong những ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam".
"Nhận" Sacombank khi ngân hàng đối mặt với rất nhiều loại khủng hoảng, động lực mong muốn lấy lại vị thế vốn có của một ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam đã giúp ông Dương Công Minh cùng với đội ngũ lãnh đạo mới của ngân hàng trong nhiệm kỳ 2017-2021 lúc đó nỗ lực vạch ra từng chiến lược cho Sacombank. Khả năng xử lý nợ xấu của Sacombank với những kết quả kể trên đã được ghi nhận là một trong những trường hợp điển hình của ngành ngân hàng.
Không chỉ khả năng xử lý nợ xấu, đội ngũ lãnh đạo của Sacombank được coi là những người thành công trong công cuộc đưa xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 vào cải tổ ngân hàng. Ngay từ năm đầu tiên nắm quyền điều hành ngân hàng, đội ngũ lãnh đạo dưới sự dẫn dắt của ông Dương Công Minh đã chọn con đường đầu tư vào nền tảng công nghệ, hiện đại hóa sản phẩm dịch vụ để giúp Sacombank chuyển mình.
Chiến lược đó đã nhanh chóng giúp Sacombank nâng cao trải nghiệm khách hàng, tăng năng suất lao động thông qua ứng dụng các giải pháp công nghệ số hàng đầu vào hoạt động kinh doanh và công tác điều hành.
Bước đi này giúp ngân hàng tiến nhanh đến mục tiêu xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số. Trong đó, công tác xây dựng, điều hành kế hoạch được chuẩn hóa theo mô hình BSC-OKRs, gắn kết với năng suất lao động và đồng bộ với cơ chế thi đua, lương/thưởng, kích thích các đơn vị tăng tốc kinh doanh.