Công cụ cải tiến năng suất giúp doanh nghiệp phát triển bền vững

(CL&CS)- Việc áp dụng công cụ cải tiến năng suất góp phần tích cực trong việc tăng hiệu suất lao động; đáp ứng yêu cầu của khách hàng; đồng thời tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp, an toàn, ngăn nắp giúp doan nghiệp phát triển bền vững.

Quy trình quản lý chất lượng là một trong những yếu tố cốt lõi để đảm bảo sản phẩm đáp ứng những yêu cầu về chất lượng. Chính vì vậy, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn đã đưa vấn đề này vào nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh, đồng thời tuyển chọn các đơn vị thực hiện nhiệm vụ.

Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn SITAS (Hà Nội) đã triển khai đề tài “Hỗ trợ xây dựng mô hình điểm áp dụng đồng bộ các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện của tổ chức, doanh nghiệp”.

Sở KH&CN Lạng Sơn đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ "Hỗ trợ xây dựng mô hình điểm áp dụng đồng bộ các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện của tổ chức, doanh nghiệp"

Công ty đã tiến hành khảo sát, tìm hiểu hoạt động quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn để xác định nhu cầu áp dụng và thông tin cho việc thực hiện áp dụng. Từ đó, lựa chọn 20 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia dự án. Các đơn vị tham gia dự án đã được đào tạo nhận thức, phương pháp xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng (Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, các công cụ cải tiến năng suất; Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018/HACCP; Chương trình 5S; Công cụ cải tiến Kaizen); được hỗ trợ xây dựng bộ tài liệu hệ thống/công cụ cải tiến năng suất; được hướng dẫn áp dụng tài liệu hệ thống/công cụ cải tiến năng suất; được đào tạo kỹ năng đánh giá nội bộ và hướng dẫn thực hành đánh giá nội bộ và khắc phục, cải tiến; được cấp giấy chứng nhận phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn.

Cụ thể, Công ty đã hướng dẫn Công ty TNHH MTV xe điện DK Việt Nhật xây dựng bộ tài liệu và áp dụng đồng bộ 3 hệ thống quản lý gồm ISO 9001, ISO 14001 và ISO 45001, công cụ cải tiến LEAN và sản phẩm xe máy điện phù hợp tiêu chuẩn  TCVN 12773:2020 với 13 quy định; 5 nội quy, quy chế; 52 quy trình và 9 hướng dẫn. Bà Bùi Thị Bích Đào, Giám đốc Công ty TNHH MTV xe điện DK Việt Nhật nhận định: Khi áp dụng ISO 9001:2015, tất cả các công việc, quá trình đều đã được chuẩn hóa thành quy trình, thủ tục, hướng dẫn. Các dữ liệu được phân thành nhóm vì vậy mọi việc trở nên dễ dàng, nhanh chóng hơn rất nhiều. Đơn cử nếu áp dụng ISO thì 1 nhân viên mới vào công ty sẽ dễ dàng tiếp cận công việc vì tất cả đã có quy trình, hướng dẫn. Điều này giúp nhân viên mới ít sai sót, giúp công ty không mất nhiều thời gian đào tạo và giảm thiểu tổn thất, lãng phí.

Công ty TNHH MTV xe điện DK Việt Nhật áp dụng ISO 9001:2015 trong quá trình sản xuất

Với Công ty TNHH Chi Lê, nhóm hỗ trợ hoàn thành bộ tài liệu tích hợp hệ thống quản lý gồm ISO 9001, ISO 14001 và ISO 45001, công cụ cải tiến 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) và sản phẩm gỗ dán phù hợp tiêu chuẩn  TCVN 11902:2017 (ISO 12465:2007) với 22 quy trình, quy định và hướng dẫn thực hiện.

Tại Công ty TNHH Tập đoàn Gỗ Hương Sơn – Chi nhánh Lạng Sơn, nhóm hỗ trợ xây dựng bộ tài liệu tích hợp hệ thống quản lý phù hợp ISO 9001, ISO 14001 và ISO 45001, công cụ cải tiến 5S, sản phẩm ống nhựa lõi cốt bạt với 20 quy trình, quy định và hướng dẫn.

Việc xây dựng thành công và áp dụng đồng bộ các hệ thống quản lý và thực hành tốt 5S giúp doanh nghiệp chuẩn hóa và thiết lập các chuẩn mực cần thiết để kiểm soát hoạt động; kiểm soát về chất lượng sản phẩm, các khía cạnh môi trường, an toàn lao động; nơi làm việc của các bộ phận, phòng ban, xưởng sản xuất ngăn nắp, gọn gàng;  công tác lưu trữ và truy cập hồ sơ, tài liệu được cải thiện giúp nhân sự liên quan tìm kiếm, tra cứu một cách dễ dàng, từ đó tiết kiệm thời gian trong quá trình làm việc, tạo tinh thần làm việc cho cán bộ, nhân viên, nâng cao năng suất.

Từ các mô hình điểm cho thấy việc áp dụng công cụ cải tiến năng suất góp phần tích cực trong việc tăng hiệu suất lao động; đáp ứng yêu cầu của khách hàng; đồng thời tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp, an toàn, ngăn nắp giúp doan nghiệp phát triển bền vững.

TIN LIÊN QUAN