Có một góc thân quen Lớp học, nhà xe và khoảng trời nhỏ bé…

(CL&CS) - Vậy là tớ lại ở đây để viết những lời chào tạm biệt. Ai mà nghĩ được rằng nhanh như thế mà chúng ta đã không gặp lại nhau nữa rồi.

Ngày tớ đến trường để nhận đơn xanh điền nguyện vọng, tớ vẫn luôn ấp ủ trong lòng một niềm hi vọng sẽ được đến Đống Đa để gặp nhau những ngày cuối. Cho đến khi biết rằng bản thân chỉ có thể gặp mọi người qua màn hình máy tính và không có bế giảng nữa, tớ mới chợt nhận ra rằng “Ồ! Hoá ra bốn năm ở Đống Đa đã kết thúc nhẹ nhàng như vậy”.

Trước giờ tớ vẫn luôn tự hỏi, rằng chia tay thì có gì đáng buồn, chia tay rồi vẫn có thể gặp lại, vẫn có thể cùng nhau về thăm trường, cùng nhau tụ họp. Nhưng càng gần những ngày tháng cuối cấp, tớ mới hiểu được vì sao mọi người lại buồn đến thế. Nhất là khi, tớ bắt đầu bước vào năm lớp 9, và tớ nhận ra chúng ta chỉ còn một năm học bên nhau.

"Ơ thế là chia tay rồi đấy"

Đối với tớ, 4 năm cấp 2 ở Đống Đa là những cảm xúc không thể nói thành lời. Vui có, buồn có, yêu ghét lẫn lộn, và có cả những giọt nước mắt. Ngày đầu tiên tớ đặt chân vào Đống là một ngày nắng đẹp, tớ cũng không rõ nữa, là nó thực sự đẹp, hay do tâm trạng háo hức của tớ làm nó đẹp lên. Ngày đầu tiên tớ bước chân vào Đống, tớ cũng chẳng biết mình muốn gì ở nơi đây, muốn một người bạn mới, một ngôi nhà mới, tớ không biết. Nhưng bốn năm ở Đống đã cho tớ một câu trả lời thỏa đáng, rằng tất cả những kỉ niệm ở đây đều đáng giá cả. Đống Đa đẹp lắm, đẹp từ những ngóc ngách bé nhỏ nhất. Có thể là tình cảm của tớ dành cho nơi này quá lớn nên đối với tớ, Đống Đa luôn toát lên một vẻ đẹp rất riêng, không thể tìm thấy ở đâu cả.

Cô giáo Chủ nhiệm lớp 9A01- Trịnh Sao Mai.

Mỗi một lần có cơ hội được rảo bước dưới sân trường, tớ lại tự hỏi bản thân rằng "còn điều gì mà mình chưa nhìn thấy ở Đống không nhỉ" bởi vì mỗi một dịp như vậy, tớ lại nhận ra ở Đống Đa có rất nhiều thứ mới lạ. Nắng Đống Đa, cây Đống Đa, mỗi mùa một vẻ, tình cảm của tớ cũng theo đó mà ngày một sâu đậm hơn. "Ơ thế là chia tay rồi đấy" - tớ đã nói với bạn mình như vậy khi nhận được tin nghỉ hè sớm của sở. Tớ cũng chẳng biết miêu tả cảm giác lúc ấy ra sao. Tiếc nuối không? Có, tớ tiếc những ngày tháng đi học toàn là tiếng cười, tớ tiếc những giây phút yên bình dưới bóng cây xanh mát. Hụt hẫng không? Tất nhiên rồi, bỗng dưng phải nghỉ học vì dịch, rồi lại đột ngột nhận được tin kết thúc năm học, ai mà chẳng hụt hẫng. Thế nhưng, bốn năm qua đối với tớ có thể nói là trọn vẹn rồi.

Tớ viết riêng dành cho A01 của tớ. Ngày đầu tiên tớ biết mình là một thành viên của A01, lạ lẫm, háo hức, ngại ngùng tớ đều có cả. 4 năm đồng hành cũng A01 đối với tớ không thể diễn tả thành lời. A01 là một gia đình, thật sự đấy, sự đoàn kết của lớp có lẽ không thể bắt gặp ở bất kì một tập thể nào khác. A01 là nơi hội tụ của nhiều cá tính, nhiều màu sắc, nhưng tất cả kết hợp với nhau lại tạo nên một tập thể độc nhất.

4 năm với A01 là những ngày đi học nói chuyện mãi không hết, tới mức mà deskmate và tớ suýt bị đổi chỗ mấy lần. 4 năm với A01 là những lần ăn vụng trong giờ học, bàn trên bàn dưới có một cái bánh cũng phải chia năm sẻ bảy cho đủ miệng ăn, là tiếng hạt hướng dương tí tách mà mặt đứa nào cũng vừa vui sướng hả hê, vừa lo lắng hồi hộp vì sợ bị phát hiện. 4 năm với A01 là những tiết học ngồi nghe cô Tuyết mắng thấy vừa sợ vừa buồn cười, là những giờ sinh hoạt chỉ mong đến thật nhanh để được nghe "kể tội". 4 năm với A01 còn là những "trò hề" chơi mãi không biết chán, chỉ biết nhìn mặt nhau rồi cười đến lăn lê bò toài. 

4 năm, 4 năm là một quãng thời gian đủ để ta trưởng thành, có những cãi vã giận hờn nhưng không thể cạch mặt nhau quá 1 tiết, có những bài kiểm tra điểm kém buồn phát khóc mà chưa kịp khóc đã bị rủ đi ăn, có những tiết kiểm tra hỏi bài nhau từ đầu đến cuối tổ,... 4 năm quả thực không phải là một quãng thời gian ngắn ngủi, nếu có thể cho tớ kể hết những kỉ niệm với mọi người, thì có lẽ 10 bài viết như hôm nay cũng chưa đủ.

Cô giáo Bạch Thị Minh Tuyết - giáo viên bộ môn Toán lớp 9A01.

4 năm - một chặng đường không ngắn cũng chẳng dài. Trong khoảng thời gian bấp bênh của tuổi trẻ, chơi vơi giữa tháng năm, chẳng phải là trẻ con cũng chưa phải là người lớn. Những tháng năm mà cái tôi cao hơn mọi thứ, ngông cuồng với cả thế giới mà bất chấp nguy hiểm. Khoảng thời gian ẩm ương ấy lại luôn có một người đồng hành, luôn bên cạnh chăm lo, lo lắng cho tương lại của chúng ta, luôn dạy chúng ta thế nào là đúng, dạy chúng ta cách làm người. 

Chúng mình vẫn hay gọi cô là mẹ, có lẽ bởi người ta nói cô giáo chính là người mẹ thứ hai, nhưng càng lớn, ta lại hiểu được ra nhiều điều qua từ "mẹ" ấy. Nhờ có cô, những bài học đã không còn khô cứng trên trang giấy mà thấm đẫm câu chuyện cuộc sống, trở thành hành trang quý giá để chúng con vững vàng bước vào đời. Mỗi thành tích mà chúng con gặt hái được đều hằn in những giọt mồ hôi vất vả, sự hy sinh lặng thầm của cô. Và khi chúng con đứng trên bục nhận những giải thưởng vinh quang, thầy cô mỉm cười hài lòng lùi ở phía sau và lại như bao lần khác, tiếp tục miệt mài ươm mầm cho một hành trình mới...

Đã biết bao lời cảm ơn chúng con chưa kịp nói, cũng như lời xin lỗi chưa được gọi thành tên. Chúng con, những đứa trẻ đang tập lớn, đang loay hoay tìm kiếm và khẳng định mình, đã không tránh khỏi những giây phút bốc đồng, những phát ngôn thơ dại, những hành động xốc nổi...khiến cô phải bận lòng nghĩ suy. Con biết, có những lúc thật ra cô cũng đã rơi nước mắt vì bọn con, đã suy nghĩ nhiều, đã băn khoăn nhiều. Nhưng rồi sau tất cả, cô vẫn chọn cùng bọn con đứng lên và đi tiếp, cô không bỏ mặc mà quyết định đồng hành, sát cánh cùng bọn con đến hết chặng đường chông chênh này, cô dạy lại cho bọn con những bài học đầu tiên về đạo làm người. 

Chúng con thường nói đùa rằng A01 có lẽ là niên khóa khó quên nhất trong suốt hành trình giảng dạy của cô, mà con nghĩ có lẽ đúng như vậy thật. Đã có những lần con cảm thấy sao mà ghét lớp mình đến thế, sao A01 lại trở thành những con người như thế, và con cũng sợ rằng người chủ nhiệm chúng con trong những ngày tháng cuối cùng dưới ngôi nhà Đống Đa không còn là cô nữa, nhưng nhờ cô, với những gì mà cô chia sẻ, con lại nhận ra rằng điều chúng con cần làm bây giờ không phải là bất hòa với nhau, không phải là đùn đẩy trách nhiệm lên nhau mà là cùng gắn bó, cùng trải qua những ngày tháng cuối cấp một cách trọn vẹn nhất. Con cảm ơn cô, cô Mai yêu quý của con, cảm ơn cô vì cô đã luôn như vậy, luôn bao dung, che chở bọn con, cô luôn ở đó, ở bên bọn con trong suốt quãng dường trưởng thành của tuổi trẻ.

Nếu hỏi tớ có kỉ niệm nào đáng nhớ, có lẽ không thể thiếu lần đầu tiên bị cô Tuyết mắng vì không làm bài tập, đó là năm lớp 6. Cho đến bây giờ, 4 năm trôi qua, và khi nghĩ lại, tớ vẫn luôn tự hỏi tại sao ánh mắt của tớ nhìn cô lúc ấy lại bị mắng, chắc tại giống như đám bạn vẫn thường hay nói, mặt tớ nhìn “ác”. Kể mà nói, thì cô Tuyết còn nhiều kỉ niệm hơn cả thế, nhất là những lúc có tiết của cô, đoán rằng không chỉ có tớ mà còn nhiều các bạn trong lớp mong được nghe những câu chuyện Toán học cô kể, những câu chuyện của cô đều có sức hút đến kì lạ, cả lời mắng của cô cũng vậy. Nghe cô mắng, đứa thì cười, đứa thì sợ, tớ cũng chẳng biết bày ra bộ mặt nào. Nhưng hơn tất cả, cái mà chúng ta sẽ nhớ mãi, là sự gắn bó của cô, là những lúc cô nóng giận vì các bạn hay nói chuyện làm cô phải phiền lòng, những lúc hiền dịu của cô. Và vì vậy, tớ cũng muốn gửi một lời cảm ơn chân thành nhất đến cô. 

Tớ cũng muốn cảm ơn tới cô Hậu, cô Hằng, tuy rằng các cô không phải là người đồng hành cùng A01 trong suốt 4 năm nhưng lại là người đồng hành trong những ngày quan trọng nhất. Nhờ các cô mà chúng con mới có được ngày hôm nay. Nhờ công sức và tâm huyết của các cô mà những ngày học zoom đã không còn mệt mỏi và chán nản. Các thầy cô chính là những người đã thổi lửa và làm bùng lên ngọn lửa trong lòng chúng con, giúp chúng con duy trì sức nhiệt, sự nhiệt tình với các môn học. Hay tất cả các thầy cô bộ môn khác đã và đang dạy chúng con cũng vậy.

Thú thực mà nói, tớ biết rằng khi lên cấp 3, mọi người vẫn sẽ gặp lại nhau, có thể vẫn chung trường, thậm chí là chung lớp. Nhưng cảm giác ấy rồi sẽ khác lắm, bởi vì tập thể mà cậu sẽ đồng hành cùng 3 năm sau này không còn mang tên A01 nữa, cũng không còn là những kỉ niệm của A01 nữa mà nơi ấy sẽ mang một cái tên khác, một phòng học khác, một bóng cây, một sân trường khác. Và một ánh nắng khác. Không phải của Đống Đa.

Mùa hè năm nay của chúng ta là một mùa hè rất khác. Mùa hè ấy không có phượng đỏ cũng chẳng có bằng lăng tím , không có nước mắt ngày chia tay cũng chẳng có tiếng cười ngày gặp mặt. Mùa hè của chúng ta là những nỗi lo âu bất an về lịch thi, là cái mệt mỏi và chán nản khi phải nhìn vào màn hình điện thoại mỗi ngày, là những kiến thức chưa kịp học hết, là những ước muốn chưa kịp nói thành lời,... 

Mùa hè năm nay, chúng ta có môn Văn phải kiểm tra miệng qua màn hình máy tính mà đứa nào bị gọi cũng kêu hỏng mic, là môn Toán luyện đề mà sau màn hình đứa nào cũng sẵn group chat hỏi bài. Mùa hè năm nay là môn Sử với những câu trắc nghiệm đứa nào cũng biết đáp án nhưng chẳng mấy ai chịu bật mic trả lời, là môn Anh đứa nào cũng làm bài tập nhưng chẳng mấy ai nộp bài đúng hạn. Ồ, biết đâu sau này, khi mỗi chúng ta đã bước vào được ngôi trường mong muốn, chúng ta cùng nhìn lại, và nhớ rằng năm ấy chúng ta đã từng có quãng thời gian ôn thi vui như thế, tự hỏi tại sao học hành như vậy mà bây giờ lại đang được đứng ở nơi ta hằng mong ước. Mùa hè năm nay, mùa hè của chúng ta, là một mùa hè còn dang dở…Nhưng tớ biết, A01 của tớ chơi thì nhiều, đi học chỉ thấy hi hi ha ha nhưng một khi đã tu chí học hành thì quả thực rất nghiêm túc. Và tớ tin rằng, các cậu sẽ làm được, các cậu sẽ không bao giờ hối hận về những gì đã qua.

Ngày mai kia thôi sẽ là một ngày quan trọng, các cậu sẽ sẵn sàng chuẩn bị hành trang để bước vào một ngôi nhà mới, sẽ là những kỉ niệm mới, không phải là góc sân, là ghế đá quen thuộc của Đống Đa nữa. Nhưng tớ chỉ viết như vậy thôi, bởi chúng ta kiểu gì cũng sẽ có cách gặp lại nhau, không sớm thì muộn, lúc đó sẽ là một lời tạm biệt chính thức, không phải tạm biệt nhau mà tạm biệt những ngày tháng đã qua. Mong dù sau này ở đâu, các cậu cũng sẽ nhớ rằng đã có một Đống Đa như thế, đã có một tập thế như thế đồng hành cùng mỗi chúng ta.

Đỗ Minh Ngọc- Nguyễn Anh Thư

Lớp 9A01- Trường THCS Đống Đa- Hà Nội

TIN LIÊN QUAN