CI và 40 năm Ngày Quyền của Người tiêu dùng thế giới

(CL&CS)- Năm 2023, phong trào người tiêu dùng quốc tế kỷ niệm 40 năm Ngày Quyền của Người tiêu dùng thế giới.

Năm 1983  Ngày Quyền của Người tiêu dùng thế giới đầu tiên được tổ chức theo ý tưởng đề xuất của Nhà hoạt động vì Quyền của Người tiêu dùng, Anwar Fazal, để thúc đẩy quyền của người tiêu dùng. Năm nay, phong trào người tiêu dùng quốc tế kỷ niệm 40 năm Ngày Quyền của Người tiêu dùng thế giới. Trong suốt 40 năm qua các hoạt động của phong trào người tiêu dùng quốc tế, đứng đầu là Tổ chức Người tiêu dùng quốc tế (CI) với mục đích lấy người tiêu dùng làm trung tâm, đã có những tác động tích cực vào nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu. Có thể điểm lại một vài chủ đề đáng ghi nhớ sau đây:

1983: Ngày Quyền của Người tiêu dùng thế giới đầu tiên.

2007: Quảng cáo thuốc phi đạo đức:  CI đã lãnh đạo phong trào người tiêu dùng thống nhất chống lại việc quảng cáo thuốc phi đạo đức, kêu gọi các chính phủ có biện pháp chấm dứt các hoạt động tiếp thị vô đạo đức của các công ty dược phẩm và cải thiện khả năng tiếp cận của người tiêu dùng với thông tin minh bạch, đáng tin cậy về thuốc và sức khỏe.

2015: Chế độ ăn uống lành mạnh: CI đã đề xuất với Tổ chức Y tế thế giới về một thỏa ước quốc tế để bảo vệ và thúc đẩy chế độ ăn uống lành mạnh. Có nhiều sự kiện được tổ chức, nổi bật là cuộc gặp mặt của Hiệp hội Người tiêu dùng Argentina với Giáo hoàng Francis tại Vatican để trình bày các công việc và các đề xuất cho thỏa ước thực phẩm quốc tế.

2016: Loại bỏ thuốc kháng sinh khỏi thực đơn: CI nhấn mạnh vấn đề 'Thuốc kháng sinh trong thực đơn'. Hơn 228.000 người đã cùng viết thư cho CEO của các chuỗi thức ăn nhanh yêu cầu cam kết hạn chế sử dụng kháng sinh. Sau những lời kêu gọi từ các nhóm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và môi trường,   McDonalds đã công bố kế hoạch loại bỏ việc sử dụng kháng sinh khỏi chuỗi cung ứng thịt gà toàn cầu của mình.

2022: Tài chính kỹ thuật số công bằng: Hơn 90 thành viên CI đã thực hiện các chiến dịch đa dạng để quảng bá tài chính kỹ thuật số công bằng, chia sẻ thông điệp của CI với hàng triệu người tiêu dùng trên toàn thế giới. CI đã tập hợp hơn 600 nhà lãnh đạo cấp cao tại Diễn đàn Tài chính kỹ thuật số công bằng. Cùng với 11 Thành viên, đã đưa ra tuyên bố Mua bây giờ Trả tiền sau. Lời kêu gọi đã dẫn đến những sự thay đổi quan trọng, trong số đó có việc chính phủ Úc đưa ra các cam kết đưa vào quy định.

2023: Trao quyền cho người tiêu dùng thông qua quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.

Việc đối thoại và hành động của người tiêu dùng toàn cầu về năng lượng là rất cần thiết vì hai lý do chính. Thứ nhất, giá năng lượng toàn cầu duy trì ở mức cao. Cùng với việc tăng giá lương thực và vấn đề tài chính, người tiêu dùng ở khắp mọi nơi đang thay đổi hoàn toàn lối sống để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của mình. Người tiêu dùng đang phải điều chỉnh ngân quỹ để thanh toán các hóa đơn năng lượng. Thứ hai, tăng cường khả năng tiếp cận năng lượng hiện đại, đáng tin cậy, bền vững và giá cả phải chăng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn biến đổi khí hậu thảm khốc, với sự thay đổi trong tiêu dùng ước tính sẽ giảm 40-70% lượng khí thải nhà kính trong tương lai.

TIN LIÊN QUAN