Chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc trở thành nhu cầu cấp bách của hội nhập

(CL&CS)- Khi mà sản phẩm, hàng hóa được tiêu thụ ở khắp mọi nơi trên thế giới. Hàng hóa của doanh nghiệp này trở thành vật tư, hàng hóa đầu vào của doanh nghiệp kia tạo thành một chuỗi cung ứng.

Ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc là việc làm cần thiết và cấp bách trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Khi mà sản phẩm, hàng hóa được tiêu thụ ở khắp mọi nơi trên thế giới. Hàng hóa của doanh nghiệp này trở thành vật tư, hàng hóa đầu vào của doanh nghiệp kia tạo thành một chuỗi cung ứng. Khi mà yêu cầu của người tiêu dùng và cơ quan quản lý ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, an toàn và và sự minh bạch của sản phẩm hàng hóa, thì việc áp dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến trong sản xuất và toàn bộ chuỗi cung ứng được xem là chìa khoá để nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp doanh nghiệp bứt phá trong bối cảnh thị trường đầy biến động như hiện nay.

Ông Bùi Bá Chính- Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia

Theo ông Bùi Bá Chính (Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH-CN), truy xuất nguồn gốc trước tiên là một công cụ hỗ trợ trong việc số hóa và chuyển đổi số.

Tuy nhiên, truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn quốc tế hiện tại đang được xây dựng trên nền tảng của ISO 22000, cũng như kết hợp với kinh nghiệm trong quá trình thực hiện tiêu chuẩn Global GAP. Đó là 2 tiêu chuẩn hàng đầu mà thế giới đang sử dụng đối với sản xuất trong nông nghiệp.

Ông Bùi Bá Chính cho biết QR code được định nghĩa là một dạng của vật mang dữ liệu trong truy xuất nguồn gốc. QR code chỉ đơn giản là mã hóa một mã số đã được định danh, hoặc mã hóa đường link đến một trang web/công cụ lưu trữ thông tin được doanh nghiệp kê khai lên.

Hiện nay, có rất nhiều đơn vị cung cấp giải pháp về truy xuất nguồn gốc và công cụ để phục vụ cho người dân, doanh nghiệp trực tiếp kê khai thông tin. Cơ sở dữ liệu đó thường sẽ được lưu trữ ở đơn vị cung cấp giải pháp hoặc của doanh nghiệp.

Hiện Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia là đơn vị đầu mối để chủ trì xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia, nhằm đảm bảo sự kết nối với các hệ thống của bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và đơn vị cung cấp giải pháp.

Theo ông Chính, khi kết nối, một phần các dữ liệu thuộc phạm vi quản lý sẽ được lưu trữ ở Cổng quốc gia hoặc ở các bộ ngành để phục vụ công tác thanh kiểm tra sau này, hoặc phục vụ cho việc phát triển các thị trường mục tiêu.

Vậy làm sao để lưu trữ thông tin được minh bạch? Lý giải về điều này, ông Chính nhấn mạnh tới “sự kết nối”. Cụ thể, khi có nhiều bên cùng tham gia - từ cơ quan quản lý đến các doanh nghiệp cạnh tranh, doanh nghiệp đồng hành, các đơn vị hình thành nên chuỗi cung ứng - thì những thông tin không minh bạch, không đúng sẽ dần bị loại bỏ.

Khi số hóa, kết nối, chia sẻ, chúng ta mới có được lượng dữ liệu lớn để các công nghệ như AI, Blockchain phát huy tác dụng. Từ đó, các đơn vị, doanh nghiệp nào có thông tin chuẩn xác sẽ dần dần có ưu thế trong hệ sinh thái. Và quá trình minh bạch đó là một quá trình lâu dài.

TIN LIÊN QUAN