Chuẩn hóa thi công khoan phụt vữa chống thấm công trình thủy lợi theo TCVN 14149:2024

(CL&CS) - Khoan phụt vữa là một trong những giải pháp kỹ thuật phổ biến và quan trọng trong xây dựng công trình thủy lợi, đặc biệt để xử lý nền đất yếu và chống thấm. Do đó để đảm bảo hiệu quả công tác khoan phụt nên đáp ứng các yêu cầu theo tiêu chuẩn.

Phương pháp khoan phụt vữa thực hiện bằng cách bơm vữa xi măng hoặc hỗn hợp vật liệu vào trong đất thông qua các lỗ khoan nhằm lấp đầy khe hở, tạo lớp màng chắn chống thấm. Để đảm bảo hiệu quả kỹ thuật và an toàn cho công trình, tiêu chuẩn quốc gia TCVN 14149:2024 ra đời nhằm quy định đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật về thi công và nghiệm thu công tác khoan phụt vữa vào nền đất. Tiêu chuẩn này là cơ sở quan trọng để kiểm soát chất lượng công trình, nâng cao tuổi thọ và độ an toàn cho các dự án thủy lợi.

Theo tiêu chuẩn, phương pháp khoan phụt vữa áp dụng cho nền đất có hệ số thấm nhỏ, tức là loại đất tương đối kín nhưng vẫn có khả năng rò rỉ nước ngầm gây nguy hiểm cho nền móng công trình. Trong quá trình xử lý, phải chọn loại vữa có tính phù hợp với đặc điểm địa chất tại khu vực thi công. Vữa có thể là hỗn hợp xi măng nước thông thường, nhưng trong một số điều kiện nền đất đặc biệt cần bổ sung phụ gia như bentonite để tăng tính lưu biến, hoặc phụ gia hóa dẻo để tăng khả năng thẩm thấu. Điều này nhằm đảm bảo vữa có thể lấp đầy các lỗ rỗng trong nền đất mà không làm thay đổi cấu trúc đất hoặc gây sụt lún cục bộ.

Công tác khoan phụt vữa nên đáp ứng tiêu chuẩn để đảm bảo hiệu quả, an toàn. (Ảnh minh họa)

Về bố trí mạng lưới khoan, tiêu chuẩn yêu cầu các lỗ khoan được sắp xếp theo hình thức ba hàng so le để đảm bảo độ kín đều của lớp phụt. Trong trường hợp nền đất là hỗn hợp sỏi, cát hoặc đất thấm mạnh, số hàng khoan phải tăng lên đến năm để tăng mật độ màn chống thấm.

Việc bố trí so le giữa các hàng lỗ khoan giúp tránh hiện tượng "bỏ sót" vùng đất không được xử lý, đảm bảo màn chắn vữa hình thành liên tục và không có khe hở gây rò rỉ nước ngầm về sau. Khoảng cách giữa các hố khoan và độ sâu từng hố cũng phải phù hợp với đặc điểm địa chất từng vùng.

Phương pháp thi công khoan phụt vữa phổ biến nhất là sử dụng ống manchette, tức là một loại ống có các lỗ nhỏ được bọc cao su tại những vị trí định trước. Vữa sẽ được bơm vào từng đoạn đất qua các lỗ này với sự hỗ trợ của nút phụt, từ đó giúp phân phối vữa đều hơn theo chiều sâu.

Ngoài ra, có thể áp dụng phương pháp phụt từ miệng hố với nút cố định tại vị trí đầu hố, bơm vữa từ trên xuống dưới theo từng đợt. Cả hai phương pháp này đều nhằm đảm bảo vữa được phân bổ chính xác vào vùng cần xử lý, tăng hiệu quả chống thấm mà không làm rạn nứt cấu trúc nền đất.

Tiêu chuẩn cũng quy định nghiêm ngặt về thiết bị thi công. Máy khoan phải có khả năng điều chỉnh linh hoạt tốc độ và áp lực, trong khi máy phụt vữa cần được kiểm soát tốt lưu lượng và áp suất để phù hợp với từng điều kiện đất nền. Trạm trộn vữa phải đảm bảo độ đồng đều và liên tục của hỗn hợp, đặc biệt là trong các công trình cần xử lý diện rộng hoặc thi công thời gian dài. Việc trộn không đều hoặc gián đoạn dòng phụt có thể gây nên các lỗ rỗng trong màn chống thấm, ảnh hưởng đến chất lượng xử lý.

Công tác nghiệm thu là một phần then chốt trong toàn bộ quy trình. Theo tiêu chuẩn, mỗi hố khoan sau khi hoàn thành phải được lập nhật ký thi công chi tiết, bao gồm bản đồ vị trí, độ sâu, loại vữa sử dụng, thời gian và áp lực phụt. Các thông số này được lưu lại để làm cơ sở kiểm tra kỹ thuật. Sau thi công, cần tiến hành kiểm tra lại hệ số thấm của nền đất để đánh giá hiệu quả của màn chống thấm. Nếu chưa đạt yêu cầu, phải tiến hành phụt bù hoặc điều chỉnh quy trình cho các lỗ khoan tiếp theo. Ngoài ra, báo cáo nghiệm thu còn là cơ sở pháp lý để phục vụ thanh tra, kiểm tra sau này.

TCVN 14149:2024 không chỉ là bộ tiêu chuẩn kỹ thuật giúp đồng bộ quy trình khoan phụt vữa mà còn là công cụ quan trọng giúp chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu có chung một “ngôn ngữ kỹ thuật” trong thi công và kiểm soát chất lượng công trình. Việc áp dụng tiêu chuẩn này đảm bảo công trình thủy lợi đạt chất lượng cao, an toàn, giảm thiểu rủi ro rò rỉ nước và thiệt hại lâu dài. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến các hiện tượng mưa lớn, lũ lụt diễn biến phức tạp, việc xử lý nền móng công trình một cách triệt để càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. TCVN 14149:2024 vì thế không chỉ mang ý nghĩa kỹ thuật mà còn thể hiện cam kết phát triển bền vững và an toàn cho hạ tầng thủy lợi quốc gia.

TIN LIÊN QUAN