Ông Trịnh Văn Quyết bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Thao túng thị trường chứng khoán, theo Điều 211 Bộ luật Hình sự.
Nhiều nhà đầu tư điêu đứng khi cổ phiếu "họ FLC" giảm sàn
Sự việc liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết đã khiến nhiều cổ phiếu "họ FLC" đồng loạt giảm sàn với dư bán sàn hàng chục triệu cổ phiếu và đương nhiên, điều này cũng khiến những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu "họ" FLC điêu đứng, muốn cắt lỗ cũng không bán ra được do lực cầu yếu và khối lượng bán sàn chất đống.
Thực tế, cảnh cổ phiếu "họ" FLC thường xuyên giảm sâu, tăng sốc xảy ra rất nhiều lần. Biến động với biên độ lớn của dòng cổ phiếu này cũng kéo theo nhiều người ham mê rủi ro rót tiền vào đầu tư. Với nhiều người, nắm giữ cổ phiếu "họ FLC" cũng như chơi game vậy, đúng-họ có thể rất giàu, sai-họ có thể lỗ rất sâu. Và, mỗi lần thua lỗ họ lại tự nhắc mình không bao giờ được "chơi game" nữa nhưng bỏ lòng tham khi đầu tư vốn dĩ là điều rất khó.
FLC xây khối tài sản từ tiền đi vay, các ngân hàng cũng đang "run"?
FLC là một trong số ít những tập đoàn gây dựng nhanh được khối tài sản lên đến hơn 33,7 nghìn tỷ đồng chỉ sau chưa đầy 15 năm gây dựng. FLC lớn nhanh đến nỗi, ông chủ của tập đoàn là ông Trịnh Văn Quyết từng có thời lọt vào top 3 những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt, sánh vai với rất nhiều tập đoàn tích lũy tài sản lâu năm.
Nhưng, theo báo cáo tài chính quý 4/2022 đã hợp nhất của FLC, nhiều câu hỏi lớn về sức khỏe tài chính của công ty đã lộ diện. Số dư tiền và tương đương tiền cuối năm 2021 của công ty đã giảm nhanh từ 1.215 tỷ đầu năm còn hơn 176 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn trong đó phần nhiều là chứng khoán kinh doanh ũng đang phải dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh gần 74 tỷ đồng cho khoản đầu tư 264 tỷ!
Tham vọng lớn của FLC khiến nhiều năm gần đây, công ty liên tiếp lấy về dự án lớn nhưng hầu hết dự án của công ty đang trong trạng thái xây dựng cơ bản dở dang. Tính tại thời điểm cuối năm 2021, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của công ty đang ở mức rất hơn 7.200 tỷ, tăng gần 2.000 tỷ so với đầu năm 2021. Những tài sản dở dang này tương đương khoảng 21% tổng tài sản của công ty.
FLC cũng đã gia tăng đầu tư mạnh hàng nghìn tỷ đồng vào công ty liên doanh, liên kết trong năm 2021. 2 công ty liên kết đang "ngốn" 3.558 tỷ đồng đầu tư của FLC là Công ty TNHH Thương mại và nhân lực quốc tế FLC (tỷ lệ biểu quyết giữ nguyên 47% năm 2021) và CTCP Hàng không Tre Việt (tỷ lệ biểu quyết đã giảm mạnh từ 51% đầu năm còn 21,29% cuối năm 2021).
Như vậy là, trong khối tài sản lên đến 33.787 tỷ đồng tại tập đoàn FLC thì có đến 12 nghìn tỷ đang trong cảnh dở dang hoặc đang "rót" vào hãng hàng không Bamboo Airways mà cửa sáng vẫn chưa thực sự rõ ràng.
"Soi" lại những dự án dang dở, những dự án chưa thấy "cửa sáng" của tập đoàn FLC mới thấy, khối tài sản đồ sộ với Tổng cộng tài sản lên đến 33.787 tỷ đồng chủ yếu xây nên từ nguồn vốn vay tính tại thời điểm cuối năm 2021 có thể đang khiến các chủ nợ "run" khi thông tin Chủ tịch HĐQT tập đoàn bị bắt.
Theo báo cáo tài chính năm 2021 của FLC, nợ phải trả tại thời điểm cuối năm 2021 lên đến hơn 24.000 tỷ đồng tương đương khoảng hơn 63% tổng tài sản. Hay nói dễ hiểu hơn, 63% tổng tài sản của FLC hình thành từ nợ.
Theo báo cáo tài chính của FLC, tại thời điểm 31/12/2021, FLC vẫn còn dư nợ vay ngắn hạn hơn 1.367 tỷ đồng tại các ngân hàng và công ty tài chính trong đó vay OCB 573 tỷ đồng; vay NCB 2 món 296 tỷ đồng và 287 tỷ đồng, vay Agribank gần 80 tỷ đồng...Các khoản vay đến hạn trả cũng đạt hơn 500 tỷ trong đó đến hạn trả 2 món 228 tỷ và 175 tỷ cho BIDV
Đối với vay dài hạn, Sacombank (STB) đang có dư nợ cho FLC vay 600 tỷ đồng. Ngoài ra, FLC còn nợ trái phiếu gần 870 tỷ đồng với OCB.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, hầu hết tài sản đảm bảo là bất động sản hoặc tài sản hình thành từ vốn vay nhưng riêng khế ước vay NCB thế chấp bằng 60 triệu cổ phiếu Bamboo Airways (BAV).
Công ty liên kết lỗ 500 tỷ đồng, phải chi 445 tỷ đồng trả lãi vay trong 2021.
Cửa sáng của Bamboo Airways đến hết năm 2021 vẫn chưa thấy đâu khi năm 2021 FLC lỗ hơn 500 tỷ đồng từ công ty liên kết trong đó chủ yếu là Bamboo Airways.
Trong khi Bamboo Airways chưa nhìn thấy cửa sáng và mức lỗ 2021 của FLC từ 2 công ty liên kết lên đến con số 500 tỷ đồng thì FLC vẫn đang phải lãi ngân hàng đến 445 tỷ đồng cho cả năm 2021 khiến lợi nhuận cả năm chỉ còn lại 83 tỷ đồng so với con số 307 tỷ đồng năm 2020. Doanh thu của năm 2021 cũng đã eo hẹp hẳn so với năm 2020 khi chỉ còn 6.880 tỷ so với con số 13.500 tỷ của 2020.
Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của FLC năm 2021 dương 1.190 tỷ đã không còn "kham" nổi dòng tiền chi đầu tư âm đên 4.150 tỷ và dù có nguồn thu từ đi vay hơn 4.888 tỷ đồng nhưng chi trả nợ vay cũng đã lên đến gần 3.000 tỷ khiến tổng cộng cuối năm 2021, dòng tiền lưu chuyển thuần âm 1.000 tỷ đồng kéo dư tiền cuối quý về chỉ còn mức trăm tỷ.
Cho đến hết năm 2021, dường như FLC vẫn "sống tốt" khi các khoản nợ đến hạn đều được chi trả bằng mọi cách. Nhưng, với tình hình nguồn thu eo hẹp dần, Bamboo Airways vẫn chưa có điểm sáng gì đáng kể thì năm 2022 tiền đâu để trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng vẫn là một câu hỏi lớn cho đế chế tỷ đô FLC!