Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ban hành văn bản chỉ đạo về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Theo đó, trong quý IV/2024, đề án cần hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước và vùng nước giai đoạn 2021 - 2030 với tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng với đó, quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển TP. HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng phải được phê duyệt. Đồng thời, các bước phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP. HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 trên địa bàn TP. HCM cũng cần hoàn thành.
Phó Thủ tướng đặc biệt yêu cầu, trong năm 2024, các cơ quan cần thẩm định và trình phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Đến năm 2025, cảng sẽ tiến hành lựa chọn nhà đầu tư để bắt đầu xây dựng cảng.
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, dự án này hướng tới mục tiêu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP. HCM và khu vực, thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng cùng doanh nghiệp dịch vụ logistics trong và ngoài nước tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải toàn cầu.
Để đáp ứng yêu cầu tiến độ, đề án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ phải được hoàn thiện sớm để trình lên Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo khởi công dự án trong năm 2025.
Theo đề xuất, cảng dự kiến được xây dựng tại khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, với tổng mức đầu tư khoảng 129.000 tỷ đồng (tương đương 5,5 tỷ USD).
Cảng sẽ có tổng chiều dài cầu cảng chính khoảng 7km và bến sà lan dài 2km. Diện tích dự kiến khoảng 571ha, bao gồm 469,5ha dành cho cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở cho công nhân viên, cùng hạ tầng kỹ thuật và 101,5ha dành cho vùng nước hoạt động cảng.
Khi đi vào hoạt động hết công suất, khu cảng dự kiến sẽ đóng góp từ 34.000 đến 40.000 tỷ đồng mỗi năm vào ngân sách.