Chất lượng tôm của Malaysia khiến quốc tế lo lắng

(NTD) - Mỹ cho biết, một số sản phẩm tôm từ những quốc gia Đông Nam Á như Malaysia đều dương tính với thuốc kháng sinh, không được phép nhập khẩu vào quốc gia này.

 

Chất lượng tôm nhập khẩu từ khu vực Đông Nam Á dấy lên mối quan ngại cho nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ. Ảnh: Food Safety News

Các thành viên của ngành công nghiệp tôm tại Mỹ đang bày tỏ quan ngại về thỏa thuận thương mại với các đối xác xuyên Thái Bình Dương. Food Safety News đưa tin, hiệp định thương mại này có thể làm suy yếu sự quản lý của giới chức trách trong việc từ chối nhấp khẩu các loại thủy sản đảm bảo an toàn về chất lượng.

Nguyên nhân phát sinh vấn đề do các sản phẩm tôm nhập khẩu từ khu vực Đông Nam Á dương tính với nhiều loại kháng sinh cấm và chứa nhiều mầm bệnh.

Ngoài ra, David Veal, giám đốc điều hành cơ quan nuôi tôm Mỹ khẳng định, những người nuôi tôm tại Mỹ lo lắng khi thỏa thuận giao dịch thương mại mới được tiến hành, những người nuôi tôm bất hợp pháp tại các khu biên giới sẽ được lợi và không công bằng với những sản phẩm hợp pháp trên thị trường do họ sản xuất.

"Chúng tôi thừa nhận, thương mại quốc tế là hoạt động cần thiết cho quốc gia. Điều chúng tôi quan tâm là các nước xuất khẩu vào Mỹ phải theo những quy tắc sản xuất, chế biến và xuất khẩu mà Mỹ đang áp dụng", ông Veal nhấn mạnh.

Ông cho biết các quy định của chính phủ đều được thông báo bằng văn bản nhưng ông không tin Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đủ quyền lực để thực thi những quy tắc đó và năng lực hạn chế trong việc thanh tra tại các khu vực biên giới.

Hiện nay, quy trình sản xuất tôm ở các quốc gia khác không phải chịu một số quy định như những người nuôi trong nước. Đáng chú ý nhất, một số sản phẩm tôm từ những nơi như Malaysia đều dương tính với thuốc kháng sinh, không được phép nhập khẩu vào Mỹ.

Trong một nghiên cứu gần đây của tờ Consumer Reports, 11 trong số 342 mẫu tôm nhập khẩu dương tính với kháng sinh, trong khi 16% mẫu đã được chế biến dương tính với ít nhất một loại vi khuẩn gây bệnh, ví dụ như khuẩn Salmonella, E. Coli hoặc Vibro.

"Những quy tắc thương mại có thể làm suy yếu đáng kể các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm", Veal nói. Tuy nhiên, không phải ai trong ngành thủy sản cũng đồng ý với ý kiến của Veal.

"Xây dựng những luồng ý kiến phản đối nhập khẩu tôm vì an toàn thực phẩm là một phần hoạt động của chính sách bảo hộ", Gavin Gibbons, phó chủ tịch truyền thông của Viện nghiên cứu thủy sản quốc gia, cho biết.

Theo số liệu từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, các sản phẩm hải sản nhập khẩu là nguyên nhân khiến 0,12% người phải nhập viện. Ngoài ra, tất cả các loại thủy sản nhập khẩu phải qua chương trình phân tích của FDA và kiểm soát giới hạn của HACCP, Gibbons nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Veal cho biết, các thành viên của ngành công nghiệp tôm không phải là người duy nhất lo lắng về thỏa thuận thương mại mới.

"Tôi nghĩ rằng các bạn sẽ tìm thấy ý kiến tương đồng của các ngành công nghiệp thực phẩm khác tại Mỹ. Chúng tôi biết sự cần thiết của thương mại nhưng chúng tôi không muốn những người nông dân của quốc gia khác nghĩ rằng họ có thể nuôi trồng các sản phẩm không đảm bảo để gửi đến quốc gia này", Veal khẳng định.

Bạn đọc có thể tham khảo thông tin chi tiết tại mục Cảnh báo

Cao Vũ

Nên đọc