Cảnh báo tình trạng đứng tên hộ để đăng ký thuê bao

(CL&CS)- Đây là thông tin được đại diện Bộ TT&TT đưa ra tại buổi Họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT trong tháng 8/2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới vừa diễn ra chiều 6/9.

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, các nhà mạng đã loại bỏ 12,5 triệu thuê bao có thông tin không khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, thuê bao sở hữu trên 10 SIM đã được rà soát xử lý 100%, qua đó khóa 1 chiều, 2 chiều hoặc thu hồi vào khoảng hơn 5 triệu SIM.

Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, các năm trước đây vốn dĩ việc xử lý thuê bao không chính chủ còn nhiều hạn chế do các nhà mạng thiếu căn cứ. Việc xử lý chỉ được thực hiện khi có nghi ngờ. Tuy nhiên với việc Bộ Công an đưa cơ sở dữ liệu về dân cư vào hoạt động, việc xử lý này mới thực sự có hiệu quả. 

Hiện tại, về cơ bản tất cả các thuê bao mới trên thị trường đều được đối chiếu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ước tính, 85% thuê bao mới sẽ thuộc về các nhà mạng lớn như MobiFone, VinaPhone, Viettel và những doanh nghiệp này đều đã được kết nối trực tuyến với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đối soát trực tiếp. Với các nhà mạng nhỏ việc đối soát sẽ được thực hiện định kỳ hàng tháng.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long phát biểu tại buổi họp báo

Ông Phạm Đức Long cũng chia sẻ thêm, hiện nay trên thị trường đang có tình trạng đứng tên hộ để đăng ký thuê bao. Thực hiện việc này chủ yếu là các đại lý cung cấp SIM, họ thuê người dân đăng ký với mức phí thấp, sau đó mang nhưng SIM này bán ra thị trường. Điều này cũng lý giải việc khi nhà mạng xác minh lại SIM thì thông tin đăng ký khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng lại không phải chính chủ.

Tại các đợt kiểm tra của Bộ TT&TT ở thời gian qua, trong 1,5 triệu thuê bao vi phạm thì có tới 80% SIM nằm trong diện các đại lý thuê người đăng ký hộ. Do đó, Bộ đã làm việc với các nhà mạng và có cam kết sẽ dừng hoạt động các đại lý vi phạm như trên và chuyển việc bán SIM sang các kênh đại lý lớn như Thế giới di động, FPT hay kênh kinh doanh của chính nhà mạng. Việc này sẽ được thực hiện từ 10/9.

Đối với tin nhắn rác, chúng ta có thể dùng thuật toán có thể ngăn chặn được. Còn các cuộc gọi rác thì khó ngăn chặn hơn.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, có 2 nhóm liên quan các cuộc gọi rác, đó là giả mạo cơ quan nhà nước như công an, toà án, ngân hàng và quảng cáo.

Đối với vấn đề giả mạo cơ quan nhà nước, Bộ sẽ làm việc với các cơ quan quản lý như công an, viện kiểm soát, ngân hàng (những lĩnh vực đang bị lợi dụng lừa đảo nhiều nhất), khi gọi đến công dân đều phải có định danh. 

Thứ hai là các cuộc gọi từ doanh nghiệp gọi đến quảng cáo. Bộ yêu cầu phải có định danh tên của doanh nghiệp khi gọi quảng cáo. Cụ thể, các doanh nghiệp đăng ký quảng cáo thì phải đăng ký định danh tên khi gọi hoặc nhắn tin quảng cáo.

Bộ sẽ tăng cường xử phạt các doanh nghiệp nếu phát sinh cuộc gọi quảng cáo mà không đăng ký định danh tên doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp lấy số điện thoại thường gọi quảng cáo cũng sẽ bị xử phạt hành chính. 

TIN LIÊN QUAN