Cẩn trọng trước mối nguy từ đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc

(CL&CS) - Thị trường đang nhộn nhịp các loại bánh trung thu, đồ chơi cho trẻ em và người tiêu dùng cần cẩn trọng khi lựa chọn các sản phẩm.

Thông tin từ Cục QLTT tỉnh Nghệ An, ngày 12/9/2023, Đội QLTT số 11 tổ chức kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh do ông H.V.V có địa chỉ tại xóm Phú Thành, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An làm chủ.

Đoàn kiểm tra phát hiện Hộ kinh doanh đang kinh doanh 305 mặt hàng súng nhựa, kiếm nhựa và đồ chơi trẻ em các loại. Trên toàn bộ sản phẩm đồ chơi trên không có nhãn công bố tiêu chuẩn chất lượng, không có công bố phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Tại thời điểm kiểm tra, ông H.V.V không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng.

Tang vật vi phạm.

Đội QLTT số 11 đã xử phạt Hộ Kinh doanh H.V.V về hành vi kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và buộc ông N.A.T tiêu hủy toàn bộ số hàng vi phạm theo quy định pháp luật. Tổng trị giá thu phạt là 22.700.000 đồng.

Thời gian tới, Đội QLTT số 11 - Cục QLTT tỉnh Nghệ An tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu năm 2023, chú trọng kiểm tra chất lượng hàng hóa, đảm bảo thị trường ổn định, phục vụ tốt nhu cầu người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Theo cảnh báo của các chuyên gia về sức khoẻ, những món đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ có ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ của trẻ khi tiếp xúc trực tiếp. Nếu sử dụng trong thời gian dài, những chất này xâm nhập vào cơ thể bằng cách tiếp xúc qua da, đường miệng, hoặc thông qua đường hô hấp sẽ khiến trẻ dễ mắc các nguy cơ về ngộ độc, rối loạn chức năng hay vô sinh hoặc thậm chí có thể bị ung thư.

Đa phần đồ chơi không rõ nguồn gốc vô cùng độc hại cho trẻ khi tiếp xúc hàng ngày. Bác sĩ Nguyễn Thị Hữu (Bv Hữu Nghĩ Việt – Đức) cho biết, các bé hay có thói quen ngậm đồ chơi, nếu sử dụng lâu dài sẽ ảnh hưởng đến não bộ và các bệnh về đường ruột, viêm phổi, hen suyễn, dị ứng hay ngộ độc đồ chơi bằng nhựa.     

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, người tiêu dùng cần thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng, không vì ham mua đồ chơi rẻ mà làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Khi chọn đồ chơi cho con trẻ, phụ huynh nên lưu ý tới nhãn mác, xuất xứ, thành phần của sản phẩm. Đối với những sản phẩm được làm bằng nhựa, cần phải kiểm tra xem nó có chứa các kim loại nặng như asen, chì, thủy ngân,....gây hại cho trẻ hay không. Nên chọn các thương hiệu đồ chơi uy tín, chất lượng. Trong trường hợp sau khi tiếp xúc với các loại đồ chơi, trẻ có dấu hiệu chóng mặt, buồn nôn, mẩn ngứa,....phụ huynh cần ngừng ngay việc cho con chơi những món đồ chơi đó và cho trẻ đến các cơ sở y tế khám nếu các dấu hiệu không thuyên giảm, tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, đồ chơi trẻ em là mặt hàng thuộc diện phải quản lý theo quy chuẩn (QCVN3:2009/BKHCN). Ðối với đồ chơi trẻ em nhập khẩu theo đường chính ngạch sẽ được các cơ quan kiểm định kiểm tra về chất lượng nhập khẩu, nếu đạt yêu cầu mới được phép lưu thông trong nước. Ðối với đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy mới được lưu thông trên thị trường.

TIN LIÊN QUAN