Mới đây, một tập đoàn lớn của Nga vừa ký hợp đồng lớn khi quyết định nhập khẩu 300.000 tấn cá tra từ Việt Nam. Đây là tin vui cực lớn đối với ngành cá tra .
Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 7 đã tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, tháng 8 tăng 15%, tháng 9 tiếp tục tăng. Giá cá tra trong nước hiện đã tăng lên 19.000 - 20.000 đồng/kg.
Không chỉ cá tra, tôm năm nay có sản lượng lớn, xuất khẩu được giá cao. Các doanh nghiệp đang đẩy mạnh xuất khẩu và hứa hẹn đạt con số tăng trưởng kỷ lục.
Tương tự, trong 3 tháng cuối năm, các doanh nghiệp ngành gỗ kỳ vọng tình hình dịch bệnh tại các thị trường xuất khẩu truyền thống sẽ được kiểm soát tốt hơn. Thêm vào đó, các DN cũng kỳ vọng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được triển khai thực thi hiệu quả sẽ thu hút nhiều đơn hàng từ các nước thành viên EU trong thời gian tới. Với tốc độ tăng trưởng 12-15%, nếu không có gì đặc biệt, ngành gỗ sẽ cán đích xuất khẩu 13 tỷ USD trong năm 2020.
Không được thuận lợi như ngành nông nghiệp, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho hay, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may năm nay có khả năng chỉ đạt 35 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2019.
Theo đại diện VITAS, đầu quý I, dịch COVID-19 gây đứt gãy nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc, khiến DN có đơn hàng nhưng không có nguyên liệu sản xuất. Từ cuối tháng 3 trở đi, dịch COVID-19 ảnh hưởng tới các thị trường trọng điểm của dệt may là EU và Mỹ, khiến nhu cầu sụt giảm mạnh, DN Việt Nam lại rơi vào tình cảnh "ăn đong đơn hàng".
Kim ngạch xuất khẩu dệt may giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, sang quý II giảm sâu tới 27%, quý III bắt đầu khá hơn một chút. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may mới chỉ đạt 25,7 tỷ USD, giảm hơn 11%.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, tổng cầu dệt may thế giới năm 2020 sụt giảm mạnh. Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới là 775 tỷ USD, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, ước tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2020 chỉ còn 600 - 640 tỷ USD, giảm 15-20% so với năm 2019, thậm chí có thể giảm tới 25%.
Theo thông lệ hàng năm, thời điểm hiện tại, các DN đều có đơn hàng đến cuối năm và thậm chí nửa đầu năm sau. Tuy nhiên, nhu cầu đang chững lại do dịch COVID-19 khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch bệnh, các mặt hàng truyền thống, thế mạnh của nhiều DN Việt Nam là veston, sơ mi cao cấp hầu như chưa có đơn hàng cho quý cuối năm.
Tương tự, đầu ra của ngành da giày cũng tiếp tục gặp khó bởi phụ thuộc nhiều vào khả năng khống chế dịch của Mỹ và châu Âu.