Các loại trái cây có lợi cho sức khỏe người dùng

(NTD) - Cây chuối còn được gọi là ba tiêu, tên khoa học musa spp., thuộc họ chuối (musaceae). Trái chuối còn xanh chứa 10% tinh bột và 6.53% chất tanin.

1/ Chuối

Cây chuối còn được gọi là ba tiêu, tên khoa học musa spp., thuộc họ chuối (musaceae). Trái chuối còn xanh chứa 10% tinh bột và 6.53% chất tanin.

Chuối có nguồn gốc ở vùng Đông Nam Á. Các cuộc khảo cổ đã chứng minh rằng chuối là một trong những loại trái xưa nhất được người ta dùng làm thực phẩm. Cây chuối được nhập vào các nước châu Mỹ La-tinh và mang tên plantano.

Xét về mặt dinh dưỡng, chuối có giá trị hơn cả khoai tây và tương đương với thịt. 100g chuối cung cấp cho cơ thể 100 calo và dễ tiêu hóa. Trái chuối chín có tác dụng nhuận trường, chống scorbut và thúc đẩy sự lên da non của các thương tổn trong ruột, trong viêm ruột kết có loét.

Chuối chín giúp ích cho hệ xương, cho sự sinh trưởng cân bằng hệ thần kinh. Người ta sử dụng chuối để trị tiêu chảy, kiết lỵ, chống rối loạn ruột và dạ dày, chữa viêm ruột.

Theo các nhà khoa học của Đại học John Hopkins (Mỹ) thì chuối là loại thuốc hạ huyết áp tốt nhất cho những người nghèo. Các bệnh nhân cao huyết áp ăn mỗi ngày 2-3 trái chuối, liên tục trong một tuần có thể giảm trị số huyết áp khoảng 10%.

 

2/ Lựu

Cây lựu còn được gọi là thạch lựu, an thạch lựu, an tức lựu, mác lìu (Tày), tên khoa học Punica granatum L., thuộc họ Lựu (Punicaceae). Theo sách Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh, trái lựu có vị ngọt, chua, chát, tính ấm, hơi độc, tác dụng làm nhuận được họng bị khô náo, trừ được lao.

Ngày nay, người ta biết rằng nước trái lựu giàu chất chống oxy hóa polyphenol, vitamin B1, B2, vitamin C, Ca, Na và P, bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do gây lão hóa, các bệnh tim mạch, bệnh Alzheimer và cả ung thư. Những người bị tăng huyết áp, uống 50ml nước trái lựu mỗi ngày trong 2 tuần liên tục có thể hạ được 5% mức huyết áp. Nước lựu có tác dụng tăng cholesterol tốt HDL, giảm cholesterol xấu LHD với tỷ lệ là 20%, giúp làm giảm quá trình hình thành các mảng bám trong các động mạch.

Nước lựu cũng nên được pha loãng với nước. Nó chứa nhiều acid, gây kích thích hệ tiêu hóa nên không dùng cho những người bị các bệnh liên quan tới hệ tiêu hóa.

Ngoài ra, nước lựu còn có tác dụng khử trùng và giúp phụ nữ đối phó với các triệu chứng của thời mãn kinh.

 

3/ Dưa hấu

Dưa hấu là loại trái có nhiều lợi ích cho cuộc sống, từ việc dùng giải khát cho đến việc dùng làm thuốc chữa bệnh đều đem lại hiệu quả tốt. Trong dưa hấu có chứa nhiều chất dinh dưỡng giá trị.

Đặt biệt, dưa hấu có chứa nhiều acid folic, là một sinh tố nhóm B cần cho sự tạo máu. Chỉ cần ăn 200g dưa hấu là đủ nhu cầu acid folic trong ngày.

Theo đông y, thịt trái dưa hấu có vị ngọt nhạt, tính hàn, tác dụng giải khát, giải say nắng, trừ phiền nhiệt, hạ khí, lợi tiểu, sinh tân dịch.

Ngày nay, người ta dùng trái dưa hấu trong trường hợp tăng huyết áp, nóng ở vùng bàng quang, tiểu buốt, viêm thận, phù thũng, vàng da, đái tháo đường, say rượu, cảm sốt do thử nhiệt, phiền khát, lỵ ra máu, ngậm với nước muối, nuốt nước để chữa viêm họng. Ngày uống 2-3 chén nước ép dưa hấu (khoảng 200-300g thịt trái dưa hấu).

Chất lycopen và những chất chống oxy hóa trong dưa hấu rất có ích cho những người bị bệnh tim mạch, đái tháo đường type 2, bệnh ngoài da, mỡ trong máu cao, tăng huyết áp, béo phì...

 

4/ Dâu tây

Theo đông y, dâu tây vị ngọt, chua, tính mát, công hiệu bổ phổi, điều hòa chức năng tiêu hóa, bồi bổ cơ thể, mát máu, giải độc, tan đàm, bổ hư bổ huyết, bổ dạ dày, giảm mỡ, nhuận tràng, thông tiện... Dùng chữa các chứng như ho do phổi nóng, cổ họng sưng đau, chán ăn, tiểu ngắn, tiểu gắt, thiếu máu suy nhược, ung nhọt, say rượu...

Ở châu Âu, trái dâu tây thường được dùng là thức ăn lợi tiểu, hạ nhiệt và phụ trợ trong việc điều trị lao, tê thấp, thống phong, tăng huyết áp.

Trong mùa dâu tây, nên ăn dâu tây một cách đều đặn mỗi ngày để có được hiệu quả tốt, rõ ràng. Buổi sáng, để bụng đói, ăn dâu tây có nhiều hiệu quả hơn. Mỗi ngày, mỗi người có thể ăn trung bình 500g.

 

 Lương y Đinh Công Bảy

Nên đọc