Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cận Tết Nguyên đán 2024

(CL&CS)- Ngày 21/1, Cục An toàn thông tin vừa khuyến cáo nhiều hình thức lừa đảo diễn ra trên không gian mạng cận Tết Nguyên đán 2024 như: chuyển trước tiền đóng thuế trúng thưởng, bán hàng qua mạng, lừa đảo cài app giả, lừa đảo xin việc,…

Lừa đóng thuế trúng thưởng

Đối tượng N.L.H.T (Đồng Nai) tự nhận là nhân viên bán hàng của một hệ thống bán lẻ, lừa bạn chơi game trên mạng là N.T.Q.A số tiền 44,5 triệu đồng nhờ mua 3 điện thoại.

Sau đó, N.L.H.T thông báo nạn nhân trúng thưởng hàng tỉ đồng khi mua điện thoại và yêu cầu chuyển tiền đóng thuế 10% để nhận được tiền thưởng.

Cục An toàn thông tin đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ. Người dân cần tìm hiểu kỹ về đối tượng gọi đến, yêu cầu họ cung cấp đầy đủ thông tin về họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, địa chỉ, số điện thoại (nếu bên tặng thưởng là cá nhân); tên công ty, địa chỉ cụ thể, số điện thoại, mã số thuế, giấy phép đăng ký kinh doanh (nếu bên tặng thưởng là doanh nghiệp) để tìm hiểu, tra cứu xác minh đối tượng từ nhiều nguồn khác nhau.

Chiêu lừa bán hàng qua mạng

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân tỉnh táo khi thực hiện giao dịch mua bán trực tuyến. Người dân cần kiểm tra và tìm hiểu kỹ thông tin về người bán; chỉ thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được mức độ uy tín và đảm bảo rằng người bán có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng và mô tả chính xác.

Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cận Tết Nguyên đán 2024

Đồng thời, nhận định từ các đánh giá của người mua khác về chất lượng sản phẩm. Không chuyển tiền, thanh toán dưới mọi hình thức khi chưa xác định được uy tín của người bán và chất lượng của sản phẩm.

Mạo danh lãnh đạo Sở TTTT

Mới đây, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng đã ký công văn gửi các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện thị xã, thành phố thông báo về sự việc một số đối tượng mạo danh lãnh đạo với mục đích lừa đảo.

Theo nội dung công văn, gần đây có một số đối tượng mạo danh lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng và lãnh đạo Công an tỉnh Sóc Trăng gọi đến các số thuê bao khác thông tin về việc sử dụng số thuê bao mang thông tin cá nhân của mình để thiết lập các tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội, đăng phát thông tin chống phá Đảng, Nhà nước, hoặc có liên quan đến đường dây mua bán ma túy mà cơ quan công an đang điều tra. Sau đó, các đối tượng yêu cầu phối hợp xử lý vụ việc hoặc yêu cầu chuyển tiền.

Trước tình hình này, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng đề nghị cơ quan, đơn vị và các địa phương phối hợp thông tin tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức và người dân nâng cao tinh thần cảnh giác với các cuộc gọi có nghi vấn mạo danh.

Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dân tuyệt đối cảnh giác khi nhận được những cuộc gọi như trên; tuyệt đối không làm theo yêu cầu của các đối tượng nghi vấn là mạo danh. Sở TTTT và công an tỉnh là những cơ quan nhà nước, trường hợp có mời làm việc đều phát hành văn bản chính thức hoặc đến tận nhà nơi cư trú để mời.

Trường hợp nhận được cuộc gọi nghi ngờ mạo danh, người dân có thể ghi âm cuộc gọi, lưu lại số điện thoại và thông báo kịp thời cho cơ quan công an nơi gần nhất.

"Tuyển mẫu ảnh thời trang quý bà" để lừa đảo

Mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP. Hà Nội) đã cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tham gia các hoạt động hướng tới đối tượng là trẻ em như: tham gia diễn giả nhí, tham gia người mẫu nhí, tham gia trại hè...

Thông qua Fanpage, khi các nạn nhân có nhu cầu và liên hệ, các đối tượng sẽ cung cấp số điện thoại, kết bạn Zalo và thông tin cá nhân để đăng ký. Sau khi đăng ký thành công, các quý bà sẽ được tham gia vào các hoạt động nhóm và yêu cầu chọn các sản phẩm như: váy, túi xách, nước hoa, đồng hồ… với số tiền khác nhau.

Để phòng tránh sập bẫy lừa đảo, người dân được khuyến cáo tìm hiểu kỹ các thông tin về các chương trình, hoạt động trên mạng; tuyệt đối không tham gia các hội thi, lễ hội quảng bá trên mạng khi chưa trực tiếp xác minh, kiểm tra thông tin ngoài đời thực; không chuyển tiền theo yêu cầu lừa đảo.

Lừa đảo xin việc

Mới đây, Phòng cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Thanh Hóa) cho biết, vừa khởi tố và bắt tạm giam Nguyễn Thị Thanh (38 tuổi, trú thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành) để điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo lời một trong những nạn nhân của đối tượng trên, anh B.V.T. (43 tuổi, ở phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa) đã nhiều lần chuyển cho Thanh tổng số tiền hơn 400 triệu đồng để xin việc cho một số người thân của mình. Sau nhiều lần hứa hẹn, người thân của anh T. không được đi làm, lúc này nạn nhân mới biết mình bị lừa nên đã trình báo Công an tỉnh Thanh Hóa.

Trước hiện trang trên, Cục An toàn thông tin cũng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo cho người dân, đặc biệt là những người lao động và có nhu cầu tìm việc. Người dân nên cẩn trọng với các lời giới thiệu việc làm trên mạng xã hội; cần tìm hiểu kĩ về người giới thiệu và chính sách của công ty mà đối tượng nhắc tới.

“Tuyệt đối không đặt cọc cho các đối tượng dưới bất cứ hình thức nào khi chưa nắm bắt rõ ràng thông tin và mức độ uy tín. Những người dân có nhu cầu tìm việc, nên tìm đến những văn phòng, công ty có danh tiếng, uy tín hoặc các trang web chính thống của họ; tuyệt đối không tin tưởng những đối tượng bắt đặt cọc trước”, Cục An toàn thông tin khuyến cáo.

Lừa đảo kêu gọi từ thiện trên mạng

Lợi dụng lòng tin của người khác, một nhóm đối tượng tại Bạc Liêu kêu gọi giúp đỡ những trường hợp khó khăn. Sau một năm, nhóm này đã thu lợi bất chính gần 2 tỷ đồng.

Cục An toàn thông tin khuyến người người dân nên tìm hiểu kỹ về các hoạt động từ thiện và hỗ trợ trên mạng xã hội. Để lòng tốt được trao gửi đúng chỗ, những người có tấm lòng thiện nguyện nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức.

Lừa đảo cài đặt app giả mạo dịch vụ công

Ngày 17/1, Phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP. Hà Nội) cho biết, từ đầu tháng 1/2024 đến nay, đã tiếp nhận đơn trình báo của 6 người dân bị lừa cài đặt dịch vụ công giả mạo và bị chiếm đoạt gần 20,6 tỉ đồng. Trong đó, người bị chiếm đoạt nhiều nhất 15,3 tỷ đồng và người bị chiếm đoạt ít nhất là 252 triệu đồng.Các đối tượng tội phạm này thường nhằm vào những người cao tuổi, ít am hiểu về công nghệ để thực hiện hành vi lừa đảo.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi và tin nhắn lạ có liên quan đến cán bộ của cơ quan chức năng có thẩm quyền; không cung cấp thông tin cá nhân và không làm theo các yêu cầu qua điện thoại.; không truy cập vào các đường link nhận được qua tin nhắn; cảnh giác với các yêu cầu cài đặt phần mềm.

TIN LIÊN QUAN