Buộc tiêu hủy lượng lớn hàng hóa giả mạo nhãn hiệu tại Quảng Ninh

(CL&CS) - Trong hai ngày 06, 07/6/2023, Đội Quản lý thị trường số 4 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 02 vụ việc buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu tổng trị giá gần 100 triệu đồng, buộc tiêu hủy hơn 300 sản phẩm nước hoa, sản phẩm may mặc giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng.

Theo đó, ngày 06/6/2023, Đội Quản lý thị trường số 4 kiểm tra hộ kinh doanh Thời trang Unique tại phường Hòa Lạc, thành Phố Móng Cái do bà Bùi Kim Oanh sinh năm 1980 làm đại diện. Qua kiểm tra, Đoang kiểm tra đã phát hiện và tạm giữ 250 sản phẩm may mặc giả mạo nhãn hiệu Adidas có trị giá theo giá niêm yết hơn 40 triệu đồng.

Tiếp đến ngày 07/6/2023, tại phố Đông Trì phường Trần Phú, thành phố Móng Cái Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 4 đã kiểm tra hộ kinh doanh Nam Á do ông Đỗ Văn Soạn sinh năm 1964 làm đại diện. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ lượng lớn nước hoa đóng lọ giả mạo nhãn hiệu Chanel có trị giá niêm yết hơn 40 triệu đồng.

Lực lượng chức năng kiểm tra tạ cơ sở.

Trước lực lượng chức năng, Các hộ kinh doanh đã khai nhận mua hàng hóa trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn, chứng từ về bán cho khách du lịch kiếm lời. Đội Quản lý thị trường số 4 đã tạm giữ toàn bộ sản phẩm giả mạo nhãn hiệu nói trên để hoàn tất thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.

Trong thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 4 sẽ tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh trong việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về giá, nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm .. để đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch, phục vụ tốt nhất khách du lịch trong và ngoài nước đến với thành phố Móng Cái nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.

Hiện nay, tình trạng hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng nhái được sản xuất, ngày càng tinh vi, khó phân biệt, được bày bán khó kiểm soát. Bên cạnh đó, hoạt động giao dịch, mua bán hàng trực tuyến thông qua các trang mạng xã hội, giao nhận hàng qua các doanh nghiệp chuyển phát nhanh, gây khó khăn trong công tác quản lý, tiềm ẩn kênh tiêu thụ nhiều loại mặt hàng kém chất lượng, hàng cấm, hàng lậu và hàng giả.

Do vậy, để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng khi mua hàng cần tìm hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần, hạn sử dụng của sản phẩm để đảm bảo vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Cần tăng cường bám sát địa bàn, nắm sát đối tượng để tổ chức kiểm tra, kiểm soát, đồng thời tích cức trong công tác tuyên truyền pháp luật, ký cam kết và phối hợp tốt với các cơ quan, chính quyền địa phương, ban quản lý chợ, siêu thị, hiệp hội,… triển khai thực hiện tốt quy chế đã ký.

TIN LIÊN QUAN