Sau khi EVFTA được ký kết, các sản phẩm cá tra hiện đang chịu mức thuế 9% sẽ được giảm về 0% với lộ trình 3 năm. |
Nhiều ưu đãi về thuế nhưng phải theo lộ trình
EU đã và đang là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Thị trường này luôn chiếm trên 17-18% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các nước. Riêng sản phẩm tôm, EU chiếm 22%, cá tra chiếm 11%, các mặt hàng hải sản chiếm 30-35%.
Theo quy định của EVFTA ngay khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu với gần 86% số dòng thuế. Sau 7 năm, hơn 99% số dòng thuế được gỡ bỏ, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 28 nước thành viên EU.
TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho rằng tham gia các FTA thế hệ mới , thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ cũng có tiềm năng về thủy sản nhưng chưa có FTA với EU như Ấn Độ, Thái Lan.
“Ngoài ưu đãi về thuế trực tiếp lên các sản phẩm thủy sản, hiện nay với quy định của các FTA, nguồn thiết bị, máy móc phục vụ cho sản xuất thủy sản để xuất nhập khẩu qua lại cho các thị trường trong khối được hưởng ưu đãi rất lớn. Đây được cho là cơ hội để các doanh nghiệp Việt đầu tư nâng cao dây chuyền nuôi trồng, sản xuất chế biến nhằm nâng cao giá trị thủy sản” - bà Trang nói.
Là doanh nghiệp có thị phần lớn xuất khẩu sang EU, ông Mai Minh Vương, Phó Tổng Giám đốc CTCP Kinh doanh Sài Gòn cho biết, với những cam kết các bên đã ký kết, thời gian tới doanh nghiệp thủy sản sẽ thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu nhất là về vấn đề thuế quan.
Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp này cho biết hiện họ vẫn chưa nhận được nhiều ưu đãi về thuế do các mặt hàng xuất khẩu cơ bản như tôm, cá tra hầu hết vẫn còn chờ lộ trình nhiều năm. “Vì thế doanh nghiệp tôi vẫn duy trì phát triển thị trường nội địa. Sản lượng mỗi năm vẫn dành 50% phục vụ nhu cầu trong nước, 50% còn lại dùng cho xuất khẩu” - ông Vương chia sẻ.
Ngoài ra, nhìn nhận trên thị trường hiện nay các doanh nghiệp thủy sản có thị phần lớn xuất vào EU cũng chỉ mới có những khả quan về tinh thần chứ hầu hết chưa nhận được nhiều ưu đãi trực tiếp từ thuế bởi còn trông chờ vào lộ trình cắt giảm và việc đáp ứng các yêu cầu, quy định để được hưởng lợi cũng phải chuẩn bị chu đáo.
Ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu (tôm hùm xanh ướp đá, tôm sắt tươi đông lạnh…) vào EU sẽ về 0% từ mức hiện tại là 12,5%, thuế sản phẩm tôm về 0% từ 20% hiện tại. |
Quy tắc xuất xứ - chìa khóa hưởng ưu đãi
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, cho rằng, với bất kỳ sự ưu đãi nào cũng đi kèm các yêu cầu, quy định, EVFTA cũng không ngoại lệ. Để được hưởng ưu đãi về thuế như đã thông tin thì các doanh nghiệp thủy sản phải đạt đúng yêu cầu về quy tắc xuất xứ mà mỗi hiệp định quy định.
Cụ thể, để tận dụng được lợi thế từ EVFTA các doanh nghiệp phải sử dụng nguồn nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc của Việt Nam hoặc từ các nước thành viên của các hiệp định.
“Hiện nay giấy chứng nhận xuất xứ có thể do doanh nghiệp tự cấp mà không cần đi xin các cơ quan có thẩm quyền như trước đây. Tuy nhiên doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm và lưu giữ các chứng nhận trong 5 năm giao dịch, bởi vì trong thời gian 5 năm đó phía châu Âu có thể kiểm tra, truy xuất bất kỳ đơn hàng nào trước đó, nếu có những vi phạm quy định sẽ bị xử phạt thậm chí là xử lý hình sự” - bà Trang cho biết.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng thực hiện và đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững như: Tăng cường hợp tác, chú trọng liên kết chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng, kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm; cần chủ động tìm hướng hợp tác với các đối tác nước ngoài, đổi mới công nghệ, tham gia vào dây chuyền cung ứng toàn cầu.
Ngay khi hiệp định có hiệu lực sẽ có gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6-22%, sẽ được giảm về 0% (khoảng 840 dòng thuế). Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5-26% sẽ được về về 0% sau từ 3-7 năm. Một số sản phẩm chế biến đang có mức thuế cơ bản khá cao (20%) sẽ được giảm ngay về 0% như hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư chế biến… Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh đang có mức thuế cơ bản 6-8% sẽ được giảm ngay về 0%, các sản phẩm khác như surimi được giảm từ 14,2% về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%... Phần lớn các sản phẩm tôm khác theo lộ trình 3-5 năm, riêng tôm chế biến lộ trình giảm thuế 7 năm. Đối với sản phẩm cá tra lộ trình giảm thuế 3 năm, riêng cá hun khói lộ trình 7 năm. Sản phẩm cá ngừ đông lạnh được giảm thuế về 0% ngay, trừ thăn cá ngừ đông lạnh (loin) cần lộ trình 7 năm và sản phẩm cá ngừ hộp có hạn ngạch hưởng thuế 0%. |
Nguyễn Ngọc