Bảo vệ người tiêu dùng khi sử dụng các dịch vụ y tế điện tử trong bối cảnh dịch Covid-19

(CL&CS)- Các dịch vụ y tế điện tử (E-Health Services) bắt đầu xuất hiện và cũng được lan tỏa một cách mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát và có diễn biến hết sức phức tạp.

Dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi toàn bộ đời sống xã hội và cách thức con người liên lạc với nhau để làm việc, học tập và giải trí từ trực tiếp sang gián tiếp, thông qua các phương tiện điện tử được kết nối Internet như điện thoại, máy tính, hay các thiết bị điện tử thông minh khác. Các khái niệm như thương mại điện tử (E-Commerce), kinh doanh điện tử (E-Business), giải pháp điện tử (E-Solution), y tế điện tử (E-Health hay Digital Health) đang trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam.

Bảo vệ người tiêu dùng khi sử dụng các dịch vụ y tế điện tử trong bối cảnh dịch Covid-19 (Ảnh minh họa)

Để tăng cường lợi ích và hiệu quả của hệ thống y tế điện tử, cần sự phối hợp của nhiều chủ thể, đặc biệt là các cơ quan, tổ chức về y tế và bảo vệ quyền lợi người dùng sản phẩm, dịch vụ. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã đưa ra 4 khuyến nghị đối với những cơ quan, tổ chức có liên quan:

Thứ nhất là giám sát và đảm bảo chất lượng của các dịch vụ y tế điện tử. Đây lĩnh vực đặc thù, việc sử dụng các hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tài sản, thậm chí tính mạng của người dùng dịch vụ. Vì vậy, để nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ được cung cấp, các đơn vị cần tăng cường tiếp nhận và xử lý yêu cầu của người sử dụng liên quan đến các vấn đề về cung ứng, bình ổn giá, kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế, vật tư y tế và hàng hóa thiết yếu. Những hành vi gian lận thương mại gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của người sử dụng cần được xử lý nghiêm.

Thứ hai là xử lý hành vi cung cấp thông tin không chính xác. Dịch vụ y tế điện tử là một lĩnh vực chuyên sâu liên quan đến sức khỏe người dùng. Tuy nhiên, rất ít người sử dụng có đủ kiến thức đánh giá tính chính xác, thường dựa hoàn toàn vào thông tin của bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Theo đó, các đơn vị chức năng phụ trách cần tăng cường xử lý các hành vi cung cấp thông tin và quảng cáo không chính xác, chứa các nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe hoặc các hành vi lừa đảo được lan truyền trong cộng đồng.

Thứ ba là bảo vệ thông tin cá nhân, nâng cao nhận thức của người dùng. Thực tế, đối với dịch vụ y tế, người dùng thường dễ dàng trao thông tin cá nhân và đồng ý cho các bên có liên quan khác khai thác dữ liệu. Trong nhiều trường hợp, người dùng không yêu cầu dữ liệu cá nhân phải được bảo vệ đúng cách, ít quan tâm đến các chính sách bảo mật. Các cơ quan tham gia dịch vụ y tế điện tử cần giám sát các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm trong việc bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng.

Thứ tư là khuyến khích nâng cao việc thực hiện các trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm đạo đức của doanh nghiệp. Do đặc thù, các dịch vụ y tế điện tử không chỉ là vấn đề kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa y tế mà còn liên quan đến vấn đề đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Vì vậy, bên cạnh việc giám sát, xử lý vi phạm, cần xây dựng các cơ chế khuyến khích thực hiện trách nhiệm đạo đức với người dùng sản phẩm, dịch vụ.

TIN LIÊN QUAN