Bắc Giang: Xử lý vi phạm về kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu

(CL&CS) - Đội QLTT số 3 - Cục QLTT tỉnh Bắc Giang đã tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý 02 vụ vi phạm về hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Thông tin từ Cục QLTT tỉnh Bắc Giang, ngày 22/11, Đội QLTT số 3 phối hợp với Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Đội QLTT số 2 và Đội Cảnh sát kinh tế - Công an huyện Việt Yên tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với hộ kinh doanh Nguyễn Văn Thiện; địa chỉ: Tổ dân phố My Điền 1, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại hộ kinh doanh có trưng bày để bán một số hàng hoá trên sản phẩm hàng hoá có gắn nhãn hiệu “adidas”, có dấu hiệu là hàng hoá mang nhãn hiệu giả mạo, bao gồm: 12 chiếc quần dài người lớn nhãn hiệu “adidas”; 29 chiếc áo khoác nỉ người lớn dài tay; 17 chiếc quần đùi nam người lớn; 30 chiếc áo phông nam cộc tay. Tổng trị giá hàng hóa là 21.150.000 đồng.

Tại thời điểm kiểm tra, ông Nguyễn Văn Thiện là chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hoá đơn, chứng từ liên qua đến hàng hoá trên. Đội QLTT số 3 đã thiết lập Biên bản tạm giữ tang vật vi phạm hành chính để xác minh tình tiết và đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định xử phạt đối với ông Nguyễn Văn Thiện số tiền 27.500.000 đồng về hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hoá vi phạm tại cơ sở kinh doanh.

Trước đó, ngày 18/11, Đội QLTT số 3 phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bắc Giang kiểm tra hộ kinh doanh Nguyễn Thị Trâm, địa chỉ: Phố Hoà Bình, thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại hộ kinh doanh đang bày bán một số hàng hoá là mỹ phẩm không có hoá đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hoá, toàn bộ số hàng hoá trên có nhãn không xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hoá (hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ).

Bà Nguyễn Thị Trâm trình bày toàn bộ số hàng hóa nói trên được bà mua gom trên thị trường về để kinh doanh kiếm lời, không có hóa đơn, chứng từ. Bà Trâm đã thừa nhận hành vi vi phạm kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tang vật vi phạm gồm trên 600 sản phẩm chủ yếu là: Đắp mặt nạ, kem bôi da; kem bôi sẹo; keo xịt tóc. Tổng trị giá hàng vi phạm là 9.720.000 đồng.

Căn cứ kết quả kiểm tra, ngày 21/11, Đội trưởng Đội QLTT số 3 đã ban hành Quyết định xử phạt đối với bà Nguyễn Thị Trâm về hành vi vi phạm hành chính kinh doanh hàng hóa (mỹ phẩm) không rõ nguồn gốc xuất xứ với số tiền 8.000.000 đồng; đồng thời, tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm theo quy định pháp luật.

TIN LIÊN QUAN