Sáng 14/11, TP.HCM đã lần đầu tiên được Quốc hội thông qua một số cơ chế đặc thù. Đáng chú ý là 2 cơ chế về quản lý tài chính - ngân sách và chủ trường đầu tư các dự án thuộc nhóm A (trước đây do Thủ tướng Chính phủ quyết định).
Chuẩn bị thí điểm…
Quốc hội giao cho HĐND TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của thành phố theo quy định của luật Đầu tư công (trừ dự án quy định tại điểm a, b, c và d, khoản 1 Điều 8 của luật Đầu tư công). Các trình tự và thủ tục tiếp tục thực hiện như các dự án nhóm B đã giao cho thành phố trước đó, kèm theo điều kiện phải bổ sung báo cáo khả thi.
Về cơ chế quản lý tài chính - ngân sách Nhà nước, Quốc hội đồng ý giao cho TP.HCM được thực hiện thí điểm đối với luật thuế tài sản; tăng thuế suất đối với các sắc thuế khác (trừ thu từ hoạt động xuất nhập khẩu); tăng mức phí, lệ phí; ban hành chính sách thu phí, lệ phí mới. Đồng thời, quy định UBND thành phố phải lập đề án trình HĐND thành phố xem xét báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định. Các khoản thu tăng thêm do điều chỉnh chính sách thì ngân sách thành phố được hưởng 100%. HĐND căn cứ vào tình hình thực tế của thành phố, quyết định dự toán ngân sách, phân bổ ngân sách bảo đảm phù hợp với các định hướng phát triển trong các lĩnh vực quan trọng của Chính phủ, Quốc hội. Nguồn ngân sách còn dư sẽ do HĐND TP.HCM tự quyết định tăng chi, hoặc đầu tư mua sắm…
Như vậy, tới đây TP.HCM sẽ có cơ hội tăng ngân sách, tái đầu tư vào các hạng mục cần thiết để đẩy mạnh phát triển mọi mặt về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội. Thủ tục hành chính và việc xin cấp phép đầu tư các dự án cũng sẽ đạt được sự đơn giản hóa tối ưu do những thay đổi về cơ chế đặc thù. Đây là một tín hiệu đáng mừng nhưng trước khi được triển khai, vẫn còn rất nhiều câu hỏi được đặt ra về tính khả thi và sự đồng nhất của người dân, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố.
… đã thấy lo!
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, việc áp dụng cơ chế đặc thù là tốt nhưng cần xem xét có phù hợp với tình hình thực tế hay không. Và, điều quan trọng của cơ chế đặc thù là phải có được sự thống nhất chặt chẽ, đồng bộ chứ không phải nói là làm ngay. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố hiện tại vẫn còn rất khó khăn nên việc tăng hoặc thêm các khoản thu có thể sẽ khó khăn. Chúng ta tạo ra cơ chế đặc thù để thúc đẩy sự phát triển là đúng nhưng nếu triển khai không đúng có thể sẽ khiến doanh nghiệp xa dần, rút đầu tư đi nơi khác. Lúc đó, mục tiêu không đạt mà còn đánh mất luôn những gì đã có.
Luật sư Nguyễn Viết Giao - Đoàn Luật sư TP.HCM thì cho rằng: “Ở góc độ pháp lý, nếu áp dụng cơ chế đặc thù cho TP.HCM ngay thời điểm này có thể gặp nhiều khó khăn nên cần phải đi theo lộ trình, từ thông báo, hướng dẫn, rồi đến áp dụng thực tế. Nếu không, sẽ gặp phải phản ứng tiêu cực từ người dân, doanh nghiệp vì chưa hiểu, chưa rõ chính sách mới. Mặt khác, việc tăng thuế, áp thuế mới, nâng và thêm các khoản thu mới, chắc chắn sẽ gặp phải phản ứng mạnh từ xã hội. Những người không hiểu, hoặc cố tình không hiểu cơ chế đặc thù sẽ đặt ra hàng loạt câu hỏi, nghi vấn cho các khoản tăng, hoặc thu mới. Cần thận trọng, tránh phản đối của dư luận xã hội!”.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên về cơ chế mới, chuẩn bị áp dụng thí điểm cho TP.HCM, lãnh đạo một doanh nghiệp ở Q.7 cho biết, sẵn sàng chấp hành mọi cơ chế mới dù đặc thù hay không đặc thù với điều kiện phải phù hợp. “Tôi không mong muốn việc áp dụng cơ chế mới, đặc biệt là các khoản thu mới, tăng khoản thu, tăng thuế phải được thực hiện phù hợp và minh bạch bằng sự đồng thuận giữa nhà nước và doanh nghiệp. Tránh tình trạng cứ đổ cho cơ chế đặc thù hay chính sách mới mà thu, tăng vô tội vạ, mất kiểm soát, làm khó cho doanh nghiệp, người dân. Hy vọng Quốc hội giao quyền nhưng vẫn là cơ quan kiểm soát các khoản này, tránh việc lạm dụng để trục lợi cá nhân hoặc nhóm lợi ích” - vị lãnh đạo này nói thêm.
Ngân sách TP.HCM sẽ tăng đáng kể khi áp dụng cơ chế đặc thù: Theo cơ chế mới, ngân sách thành phố sẽ được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản Nhà nước gắn với tài sản trên đất theo quy định của luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sau khi đã khấu trừ kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn thành phố (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh). Trước đây, Trung ương nhận 100%, thành phố không được hưởng, theo quy định tại khoản k, Điều 35, luật Ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, ngân sách thành phố cũng được hưởng số thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp Nhà nước do UBND TP.HCM quản lý và phần thu được từ thoái vốn Nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND thành phố làm đại diện chủ sở hữu. |
Võ Nguyễn - Ảnh: Trần Phong