Trong thời đại công nghiệp 4.0, yêu cầu phát triển công nghệ càng được đề cao và là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, tất cả mọi người liên quan, bao gồm người dân và các nhà nghiên cứu, cũng như những người tham gia vào quá trình thương mại hóa đổi mới…, yêu cầu phải có hiểu biết tất cả các rủi ro có thể xảy ra để đảm bảo công nghệ mới không làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Trong chuyên mục “Chất lượng cuộc sống” của Tạp chí Tiêu chuẩn và chất lượng (Стандарты и качество) số 5/2019 của Cơ quan liên bang về điều chỉnh kỹ thuật và đo lường Liên bang Nga có đăng bài “Ảnh hưởng của thay đổi công nghệ đến chất lượng cuộc sống” của tác giả Igor Maksimxev và một số tác giả. Sau đây xin giới thiệu nội dung cơ bản của bài viết này.
Những thay đổi về công nghệ và xã hội đang diễn ra trên thế giới hiện đại đặt ra những thách thức mới cho cộng đồng toàn cầu, đòi hỏi phải giải quyết ngay. Theo ý kiến của các chuyên gia Diễn đàn Kinh tế thế giới 2019, rủi ro, bao gồm khí hậu và địa chính trị, đang gia tăng đáng kể, và điều này dẫn đến việc suy giảm sức khỏe tâm thần và xúc cảm công chúng.
Thế giới ngày nay đang trải qua những thay đổi nghiêm trọng về mặt xã hội, công nghệ, chính trị. Chúng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của người dân. Liên quan đến nhân tố con người, chất lượng và sự thỏa mãn, hài lòng với cuộc sống được quan tâm nhiều hơn trong các nghiên cứu và các thống kê hàng năm của các tổ chức hàng đầu thế giới.
Việc phát triển quan điểm phát triển bền vững, sự xuất hiện và gia tăng phổ biến các chỉ số quốc tế để đánh giá vị thế các quốc gia, như “chỉ số hạnh phúc”, “chỉ số phát triển bao trùm”, “chỉ số đạt mục tiêu phát triển bền vững”, nói lên nhận thức của cộng đồng quốc tế về sự quan trọng không chỉ riêng về mặt kinh tế, mà còn cả khía cạnh xã hội của chất lượng cuộc sống trong một nước. Từ năm 2018 phương pháp luận tính chỉ số cạnh tranh toàn cầu, một chỉ số cơ bản đã được thừa nhận chung, đặc trưng trình độ phát triển của một quốc gia, với nguyên do kép từ hậu quả dai dẳng của cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng toàn cầu năm 2008 và chuyển biến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, làm thay đổi quan niệm về một nền kinh tế thành công. Một yếu tố quan trọng về thành công trong chỉ số mới là cách tiếp cận định hướng vào con người đối với phát triển kinh tế. Điều đó có nghĩa là thừa nhận nguồn lực con người là cần thiết để đảm bảo cho sự phồn vinh và rằng bất cứ chính sách nào ảnh hưởng tiêu cực đến tiềm năng con người thì kết quả cuối cùng sẽ dẫn đến suy giảm tốc độ phát triển kinh tế. Như vậy, khi xây dựng chính sách kinh tế cần thiết phải đảm bảo điều kiện, sao cho tốc độ thay đổi và ứng dụng công nghệ mới cuối cùng phải làm nâng cao chất lượng cuộc sống.
Sự quan tâm đặc biệt đến yếu tố con người được đưa ra trong báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về các rủi ro toàn cầu. Chủ đề chung là sự căng thẳng (stress) tâm lý liên quan đến cảm nhận chưa kiểm soát đầy đủ trước các bất định. Việc suy giảm sự bình an về tâm lý và cảm xúc chính nó là rủi ro làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hiện tại và tương lai. Yếu tố này cũng ảnh hưởng đến bức tranh rủi ro toàn cầu rộng lớn hơn, cụ thể, bằng cách tác động đến sự đoàn kết xã hội, chính trị và kinh tế.
Một trong các chủ đề chính của báo cáo về các rủi ro của Diễn đàn Kinh tế thế giới là yếu tố con người trong các rủi ro toàn cầu, thể hiện, một mặt, với tư cách là người gây ra các thay đổi tiêu cực, và mặt khác, là nhân tố duy nhất có khả năng đảm bảo cho sự tồn tại vững chắc cho các thế hệ mai sau.
Các số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận rằng, sự trầm cảm và rối loạn đáng báo động tăng lên 54 và 42 % tương ứng trong giai đoạn từ 1990 đến 2013. Theo đánh giá của WHO, trên thế giới có 700 triệu người bị rối loạn tâm lý. Theo kết quả khảo sát trên quy mô rộng về trạng thái căng thẳng (stress) và hậu quả của nó (hỏi hơn 147 nghìn người từ 26 nước), rối loạn báo động đặc biệt phổ biến và tiếp tục tăng lên ở những nước có mức thu nhập cao. Trung bình ở trạng thái rối loạn, cá nhân trải qua 1,6% cuộc đời ở những nước có mức thu nhập thấp, 2,8% ở những nước có mức thu nhập trung bình và 5% ở những nước có mức thu nhập cao. Theo một trong các giả thuyết, con người ở những nước phương Tây trở nên nhạy cảm hơn về mặt tâm lý, bởi vì họ ít gặp phải các vấn đề cần giải quyết trực tiếp cho sinh tồn hơn. Mặt khác, chính con người ở các nước phát triển được xác nhận bị ảnh hưởng nhiều hơn của việc đô thị hóa và công nghệ thông tin mới, những tác nhân đã có tác động tiêu cực đến trạng thái tâm thần.
Các nghiên cứu do Diễn đàn Kinh tế thế giới và Trường Y tế cộng đồng Harvard tiến hành chỉ ra rằng, hậu quả kinh tế toàn cầu do rối loạn tâm lý trong năm 2010 là 2,5 tỷ USD, cùng với các phí tổn gián tiếp (suy giảm năng suất, nghỉ hưu trước tuổi và v.v..), phí tổn trực tiếp (chẩn đoán và chữa bệnh) đã tăng tương ứng gần 2:1. Ngoài các rủi ro kinh tế, còn tồn tại các hậu quả về chính trị và xã hội.
Đặc biệt còn có các số liệu nghiên cứu của nhóm các Công ty tư vấn Ipsos được đưa ra trong báo cáo “Xu hướng toàn cầu-2017” và phản ánh mong đợi của người dân đối với chất lượng cuộc sống tương lai và việc thỏa mãn nó. Báo động đối với tương lai, không tin tưởng vào ngày mai là cấu thành quan trọng của stress hôm nay. Trong nghiên cứu của Ipsos có hơn 18 nghìn người từ 23 quốc gia tham gia. Theo báo cáo, chỉ số lạc quan về tương lai (Future Optimism Index) cao hơn ở các nước châu Á và các nước đang phát triển.
Theo ý kiến của các chuyên gia tham gia chuẩn bị báo cáo về rủi ro toàn cầu năm 2019, những vấn đề cơ bản gây ra sự gia tăng thái độ xa lánh/ khép kín, không hài lòng với cuộc sống, gia tăng stress và tiến triển các trạng thái rối loạn báo động, đặc biệt ở các nước phát triển, là việc đô thị hóa, sự độc thân, thiếu khả năng phối kết hợp giữa cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp, trong đó vai trò đặc biệt làm gia tăng các chiều hướng tiêu cực là công nghệ số.
Cơ cấu hộ gia đình ở thành phố lớn bị thay đổi sâu sắc. Tác động xã hội tiềm ẩn của tình trạng độc thân ngày càng gia tăng bắt đầu được nhận ra là vấn đề đòi hỏi phải quan tâm ở tầm quốc gia và toàn cầu.
Yếu tố quan trọng ảnh hưởng tiêu cực đến sự hài lòng với chất lượng cuộc sống, trạng thái tâm lý và mức độ báo động chung đối với tương lai, là công nghệ thông tin. Có vẻ như, phát triển công nghệ số đòi hỏi nâng cao chất lượng cuộc sống chúng ta, còn mạng xã hội – cứu loài người khỏi tình trạng cô đơn, tuy nhiên, theo ý kiến của hàng loạt các nhà nghiên cứu, chính việc phát triển không kiểm soát chúng đã dẫn đến việc gia tăng sự phẫn nộ của xã hội, cảm giác đơn độc và các bệnh về tâm lý. Mặc dù mọi người về cơ bản có thái độ tích cực với công nghệ mới, nhưng một số người bắt đầu nhận ra các hậu quả tiêu cực của kỹ thuật.
Theo số liệu của Ipsos, 66% cư dân thế giới cho rằng công nghệ mới hỗ trợ giải quyết các vấn đề của tương lai. 3/4 dân cư thế giới (76%) cho rằng công nghệ mới làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong khi đó, một lượng đáng kể cư dân nghiêng về ý tưởng là công nghệ mới phá vỡ cuộc sống hiện nay, và chỉ tiêu này tăng nhanh trong giai đoạn từ 2014 đến 2016.
Trong khi cư dân chưa hiểu hết về rủi ro liên quan đến công nghệ thông tin, các nhà nghiên cứu đã chứng minh ảnh hưởng mặt trái của số hóa đến mức độ hài lòng/ thỏa mãn với cuộc sống và trạng thái tâm lý, mặc dù vấn đề này, đương nhiên còn tranh cãi, và hàng loạt nhà khoa học nhìn thấy mối quan hệ qua lại.
Các nghiên cứu được tiến hành ở Anh vào giữa năm 2018 đã chỉ ra rằng, con người vào mạng internet trung bình 24 giờ một tuần (nhiều hơn hơn 2 lần so với năm 2011). Trong số cư dân 23 nước, theo kết quả điều tra khảo sát của Ipsos, 70% dân cư hàng ngày sử dụng các mạng xã hội.
Rất nhiều hậu quả tiêu cực của việc sử dụng không kiểm soát công nghệ số đã được đưa ra. Nhiều nhà nghiên cứu hiện tại so sánh công nghệ số với các chất gây nghiện: sử dụng tích cực các mạng xã hội thúc đẩy sản sinh ra dopamine tạo ra sự thỏa mãn mà khi đó đòi hỏi ngày một sử dụng nhiều hơn để đạt được sự thỏa mãn đó. Nhiều mô hình kinh doanh tính đến hiệu quả mà công nghệ mới có thể cuốn hút và tăng cường sự quan tâm của người sử dụng.
Các yếu tố cơ bản làm tăng stress và gia tăng các bệnh tâm lý, là sự chuyển đổi công nghệ và xã hội liên quan đến các thay đổi liên tục tại nơi làm việc. Theo điều tra khảo sát các nhân viên trong biên chế ở 155 nước, chỉ có 15% “hài lòng với sự tham gia của mình vào công việc và nhiệt thành với công việc”. Ở phạm vi toàn cầu, phần lớn các nhân viên (18%) được xác định là “bỏ việc, bất bình, không hạnh phúc”. Ngày càng có nhiều nhân viên nói rõ “khả năng điều chỉnh cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng tư” là yếu tố then chốt để tạo dựng nghề nghiệp thành công.
Sự lo lắng đặc biệt của các chuyên gia và các nhà nghiên cứu tham gia trong Diễn đàn Kinh tế thế giới nêu lên những hậu quả xã hội và chính trị của phát triển trí tuệ nhân tạo và việc sử dụng nó để tạo nên các tin “giả”.
Các nhà nghiên cứu trong năm 2018 đã nghiên cứu đường đi của 126 nghìn mẩu tin ngắn trong mạng xã hội Twitter và thấy rằng, các nơi đăng các tin tức giả mạo, trung bình thu hút khoảng 1,5 nghìn người với 6 lần nhanh hơn so với các tin tức chân thật. Trong số các lý do có thể của hiện tượng trên, các nhà nghiên cứu chỉ ra sức mạnh của các tin tức giả mạo gây nên các cảm xúc mạnh hơn: “Trong các tin tức ngụy tạo, theo thường lệ, sử dụng các từ ngữ lạ lùng và gây sốc, …”. Có lẽ, tác động qua lại giữa cảm xúc và công nghệ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Mối đe dọa không chỉ là hiện nay gia tăng sử dụng công nghệ đã có, mà cả công nghệ sẽ được phổ biến hơn trong tương lai gần. Với mục đích giảm thiểu các rủi ro này, các chuyên gia Diễn đàn Kinh tế thế giới đề xuất cần tích cực nghiên cứu những tác động trực tiếp và gián tiếp tiềm ẩn của các công nghệ và đưa vào áp dụng các tiêu chuẩn bắt buộc, trong đó quy định các giới hạn đạo đức cho nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Từ phía người dân và các nhà nghiên cứu, cũng như những người tham gia vào quá trình thương mại hóa đổi mới…, yêu cầu phải có hiểu biết tất cả các rủi ro có thể xảy ra.
Một trong các vấn đề chính đứng trước loài người trong giai đoạn phát triển hiện nay, là tốc độ thay đổi gia tăng liên tục diễn ra trong lĩnh vực công nghệ và xã hội. Con người không kịp thích ứng, thế hệ cao tuổi không thể chuyển giao cho lớp trẻ những chuẩn mực và nguyên lý hành xử hợp lý ổn định, cấu trúc xã hội trên thế giới và công nghệ đảm bảo sự tồn tại của xã hội thay đổi quá nhanh chóng.
Mặc dù lý thuyết phát triển bền vững được phổ biến, thừa nhận sự cần thiết phát triển vốn con người, nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng cường sự hài lòng về chất lượng chính sách của các chính phủ hiện tại, nhiều nước trên thế giới vẫn còn định hướng đến việc đảm bảo phát triển kinh tế và đẩy nhanh tốc độ thay đổi công nghệ mà không tính đến hướng phát triển với vai trò tạo nên tương lai tốt đẹp. Nhiệm vụ cơ bản của xã hội hiện tại là khắc phục các bất đồng và liên kết sức mạnh vào mục đích đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, tăng cường sự bình an chung và nâng cao chất lượng cuộc sống cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.