9 điểm hạn chế, tồn tại của năm 2021 và 7 kiến nghị của Tổng cục Thống kê

(CL&CS) - Từ khi thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19, theo Nghị quyết 128/NQ-CP, giãn cách được nới lỏng, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi mạnh mẽ, GDP bật tăng vọt.

Bức tranh kinh tế - xã hội năm 2021 vừa được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/11/2021 cho thấy từ khi Nghị quyết 128/2021 về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” được ban hành và giãn cách xã hội được nới lỏng, các hoạt động sản xuất kinh doanh đã khôi phục lại rất nhanh và tăng trưởng kinh tế đã tăng mạnh trong quý IV.

Nhờ đó, từ tăng trưởng GDP âm 6,02% ở quý III, sang quý IV, GDP bật tăng lên mức 5,22% đưa GDP cả năm đạt 2,58%. GDP quý I tăng 4,72%; quý II tăng 6,73%.

Những số liệu thống kê cho thấy năm 2021 đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bà Nguyễn Thị Hương điểm ra 9 điểm tồn tại, và hạn chế của năm 2021 cần lưu ý:

(1) Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng từ cuối năm 2020 đến nay, do giá nhập khẩu nguyên liệu tăng cao. Nhưng giá thịt lợn hơi giảm liên tục từ cuối tháng Tư. Tiêu thụ khó khăn, các hộ chăn nuôi phải bán giá thấp hơn giá thị trường. Tâm lý lo ngại, không dám tái đàn xuất hiện, và thêm dịch tả lợn châu Phi vẫn phức tạp. Tình hình này sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

(2) Tiêu thụ sản phẩm khó khăn, tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân năm 2021 ở mức khá cao 79,1% (năm 2020 là 71,9%)

(3) Doanh thu năm 2021 của các ngành thương mại và dịch vụ sụt giảm so với năm 2020.

(4) Xuất siêu năm 2021 chỉ đạt 4 tỷ USD, là mức thấp nhất kế từ năm 2018 đến nay. Năm 2020 xuất siêu 19,94 tỷ USD.

(5) Doanh nghiệp thành lập mới giảm cả về số lượng, số vốn và số lao động.

Cả năm có 116,8 nghìn thành lập mới (giảm 3,4% về số doanh nghiệp) với tổng số vốn đăng ký là 1.611,1 nghìn tỷ đồng (giảm 27,9%) và gần 854 nghìn lao động ( giảm 18,1%).

(6) Giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước vận tải, chi phí logistic... tăng cao làm tăng chi phí sản xuất và gia tăng áp lực lạm phát, tiềm ẩn rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô.

So với năm 2020, các chỉ số như giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào dùng cho sản xuất tăng 5,51% so với năm 2020; Giá nhập khẩu phân bón tăng 10,02%; Giá nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 18,34%; Giá nhập khẩu xăng, dầu các loại tăng 44,88%.

(7) Thị trường lao động quý IV/2021 phục hồi sau khi nới lỏng giãn cách xã hội nhưng phục hồi chưa bền vững vì số lao động tăng chủ yếu là lao động phi chính thức.  

  Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã đẩy tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn trong năm 2021 – trong khi trước dịch, tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường nghiêm trọng hơn so với thành thị.

(9) Dịch chuyển lao động do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư gây ra biến động về số lượng, chất lượng lao động của địa phương nơi đến và nơi đi và ảnh hưởng nhất định tới ổn định đời sống và việc làm của người di cư.

Đã có khoảng 2,2 triệu người trở về địa phương.  

Để kịp thời có giải pháp khắc phục khó khăn, đồng thời chủ động khai thác các cơ hội nhằm đạt được kết quả phát triển kinh tế - xã hội cao nhất trong năm 2022, tạo đà phát triển mạnh cho những năm tiếp theo, Tổng cục Thống kê đưa ra 7 kiến nghị:

Một là, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2020 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; bảo đảm sự chỉ đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp.

Hai là, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế;

Ba là, tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp. Đặc biệt, hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm, mất thu nhập với phương châm: “không để ai bị bỏ lại”, từ đó tạo tâm lý yên tâm, không di dời khỏi nơi làm việc về quê hương, dẫn tới xáo trộn, thiếu hụt nguồn lực lao động.  

Bốn là, phát triển mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa. 

Năm là, cơ cấu lại, phục hồi và phát triển một số ngành, lĩnh vực quan trọng bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19 như: thương mại, dịch vụ, logistics, vận tải, hàng không, du lịch...; khẩn trương khôi phục thị trường du lịch, tạo thuận lợi cho lưu chuyển hành khách quốc tế, trong nước, hỗ trợ phù hợp các doanh nghiệp du lịch gắn với an toàn dịch bệnh.

Sáu là, tích cực và đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Bảy là , theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai. 

Tổng cục Thống kê dự báo năm 2022 dự báo: Dịch COVID-19 có thể chưa chấm dứt do sự xuất hiện khó lường của các biến chủng như Omicron nên các ngành dịch vụ thị trường chưa thể khôi phục hoàn toàn nhưng tình hình sẽ khả quan hơn năm 2021.

Năm 2022 khả quan hơn nhờ việc thích ứng trong điều kiện bình thường mới, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được ổn định, Chương trình phục hồi kinh tế được thực hiện.

Và do tỷ lệ bao phủ vaccine tăng, người tiêu dùng đi mua sắm an toàn hơn nên cầu nội địa sẽ tăng. Đồng thời những sửa đổi gần đây trong Luật Đầu tư công cũng sẽ giúp đầu tư công được cải thiện.

Bên cạnh đó là nhiều ngành, lĩnh vực chuyển hướng sang ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ, tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Từ đó, tạo ra các hình thức hoạt động sản xuất kinh doanh mới tích hợp công nghệ đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn.

TIN LIÊN QUAN