Dữ liệu cũ
Thứ tư, 06/05/2020, 07:20 AM

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4

(CL&CS) - Ngày 5/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới 21 điểm cầu của các bộ, cơ quan ngang bộ, 7 cơ quan thuộc Chính phủ, 3 cơ quan Đảng, đoàn thể Trung ương và 2 thành phố là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận các nội dung: Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2020; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội; dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 theo trình tự rút gọn; công tác phòng chống dịch COVID – 19; kế hoạch thực hiện chương trình năm học và phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020; đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và một số nội dung quan trọng khác.

NQH00583
Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 4/2020. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dịch bệnh COVID-19 cơ bản đã được đẩy lùi; trong bối cảnh đã kiểm soát được dịch bệnh thì nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tinh thần phải sớm phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội, đây là yêu cầu cấp thiết. Vì vậy, tại phiên họp này, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về các giải pháp khởi động lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển song phải gắn liền với thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.

“Phải đạt được mục tiêu kép trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội. Làm sao tăng trưởng đạt được mục tiêu cần thiết, có tăng trưởng mới giải quyết được việc làm, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, song với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp cùng nhân dân cả nước, kinh tế vĩ mô tháng 4 và 4 tháng đầu năm cơ bản duy trì ổn định; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được giữ vững; lượng dự trữ ngoại tệ dồi dào; thanh khoản của toàn hệ thống được bảo đảm; chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 giảm 1,54% so với tháng trước; cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp địa phương được bảo đảm; các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại bởi dịch bệnh được chỉ đạo triển khai thực hiện sâu rộng, hiệu quả…

Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch COVID – 19, đến nay, nước ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn được sự lây lan trong cộng đồng, liên tục gần 20 ngày qua không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Thắng lợi đến thời điểm này là rất quan trọng và có ý nghĩa lớn, khẳng định quyết tâm, ý chí thống nhất trong hành động của toàn Đảng, toàn quân và sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân cả nước trong công tác phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, thời gian tới nước ta sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình dịch COVID-19 ở các nước trên thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó dự báo trong khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng; hoạt động doanh nghiệp vẫn đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô; các ngành thương mại, du lịch, vận tải bị chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh; áp lực lạm phát lớn; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; sản xuất công nghiệp giảm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn; tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm ảnh hưởng đến bảo đảm an sinh xã hội;...

Từ sự phân tích, nhận định tình hình, các thành viên Chính phủ đã đóng góp nhiều ý kiến về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy nhanh các kế hoạch khởi động lại nền kinh tế với lộ trình thích hợp nhưng vẫn bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả;…

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của các thành viên Chính phủ và đại biểu tham dự, kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đến thời điểm này, dịch bệnh ở nước ta cơ bản đã dược đẩy lùi nhưng chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác, phải kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát trở lại ở nước ta.

Trong bối cảnh tình hình hiện nay, Chính phủ thống nhất quan điểm là tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, đặc biệt quan tâm phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; nới lỏng từ từ các biện pháp hạn chế để kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời khôi phục lại các hoạt động kinh tế, nhất là các khu vực công nghiệp trọng điểm, các đô thị lớn nhưng phải bảo đảm nguyên tắc an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Các cấp, các ngành phải kiên quyết, chung sức, đồng lòng khắc phục khó khăn, trọng tâm là phục hồi ngay các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khẩn trương chuẩn bị các điệu kiện cần thiết cho phát triển mạnh sau dịch, đây là thời điểm vàng để chúng ta tiếp tục phát triển các ngành kinh tế, dịch vụ của đất nước, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

 “Nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay của các bộ, ngành, địa phương là tập trung tháo gỡ những vướng mắc cụ thể, có các biện pháp thiết thực hỗ trợ kịp thời cho người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Các đồng chí lãnh đạo phải sâu sát hơn, giải quyết kịp thời hơn những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp, đề cao hơn nữa trách nhiệm của mình; tăng cường kỷ luật kỷ cương; kiên quyết không để các vấn đề về hành chính, thủ tục hành chính làm cản trở sự phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu và cho biết, Chính phủ thống nhất cao việc ban hành ngay Nghị quyết chuyên đề về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.

Tập trung khởi động lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội phải đi liền với thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng dịch bằng các biện pháp phù hợp; phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2020 đạt mức trên 5% gắn liền với kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh xuất khẩu, giải ngân đầu tư công, thu hút tốt vốn FDI… Nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các cấp, các ngành.

Trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh, cần xem xét điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2020, bảo đảm sự điều chỉnh này là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay để kịp thời báo cáo Trung ương và Quốc hội. Các bộ, ngành hữu quan khẩn trương cập nhật kịch bản tăng trưởng, đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng cũng như các chỉ tiêu liên quan, điều chỉnh kế hoạch thu ngân sách…

Kiểm soát chặt chẽ các khoản chi từ NSNN, tiết kiệm chi thường xuyên, không bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chi chưa cấp thiết... Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm cân đối nguồn để triển khai các gói hỗ trợ cho người lao động, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thực hiện tốt công tác phòng chống tham những; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, nhất là trước thềm đại hội Đảng các cấp.

Không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống.

Các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin, đặc biệt là thông tin về những thành công trong công tác phòng chống dịch của Việt Nam được thế giới ghi nhận và đánh giá cao, nhân dân ủng hộ, đi liền với đó là đẩy mạnh công tác thông tin về các hoạt động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế sau thời gian dịch bệnh cao điểm; tuyên truyền về những tấm gương người tốt, việc tốt;...

Về kế hoạch tổ chức dạy và học, thi tốt nghiệp, tuyển sinh năm 2020, Thủ tướng yêu cầu việc thực hiện giãn cách học sinh phải phù hợp với điều kiện thực tế, không cứng nhắc. Chú trọng điều chỉnh, bổ sung chương trình, nội dung, hình thức học phù hợp với điều kiện thực tế phòng dịch. Thực hiện nghiêm các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên tới trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh cao đẳng, đại học năm 2020, bảo đảm chất lượng, phù hợp với tình hình; tăng cường thanh tra, giám sát, không để xảy ra sơ suất, phát sinh tiêu cực trong thi tốt nghiệp, tuyển sinh cao đẳng, đại học năm 2020, bảo đảm kỳ thi được tổ chức thành công. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về an toàn kỳ thi tốt nghiệp, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ, bảo đảm cho kỳ thi được tổ chức công bằng, nghiêm túc.

Minh Anh

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.