Dữ liệu cũ
Thứ bảy, 05/01/2019, 11:38 AM

Việt Nam được nêu tên là nơi sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Trump – Kim 2?

(NTD) - Đài CNN của Hoa Kỳ hôm 4/1/2019 nói giới quan sát đang bình luận về khả năng có các địa điểm 'tiềm năng' được xem xét cho Hội nghị Thượng đỉnh Trump – Kim lần thứ 2. Bài của Kylie Atwood, Kevin Liptak và Zachary Cohen trích các nguồn ngoại giao Mỹ đánh giá về 6 địa điểm: Việt Nam, Indonesia, Mongolia, làng đình chiến Bàn Môn Điếm, Hawaii và Bình Nhưỡng.

Hôm 3/1, Tổng thống Trump cho hay, ông vừa nhận được lá thư từ lãnh đạo Kim Jong-un. Lần cuối ông Kim gửi thư cho ông Trum là vào tháng 9/2018.

Thượng đỉnh 2019 sẽ diễn ra ở đâu và khi nào?

Gần đây, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo xác nhận một Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên "sẽ diễn ra trong thời gian tới". Nhưng hiện vẫn chưa có gì cụ thể về lịch gặp và địa điểm.

Theo CNN, giới chức Mỹ tin rằng cần phải mất vài tháng để hai bên chuẩn bị cho cuộc gặp. Cũng có ý kiến nói cuộc gặp có thể xảy ra trên đất Mỹ ở bang Hawaii. Cùng lúc, Hàn Quốc có vẻ muốn cuộc gặp diễn ra ở Bàn Môn Điếm trên vùng phi quân sự chia cắt hai miền Nam Bắc Triều Tiên. Triều Tiên thì có vẻ muốn ông Trump đến thăm Bình Nhưỡng.

TrumpKim2c
Tổng thống Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại khách sạn Capella, Singapore hồi tháng 6/2018 (Ảnh: AFP)

Bài của CNN viết, chính quyền Mỹ đã gửi các nhóm tìm hiểu địa bàn tới nhiều vùng khác nhau, gồm cả châu Á, trong những tuần cuối năm 2018. Tuy thế, "phía Mỹ chưa chia sẻ thông tin về các địa điểm này với Bình Nhưỡng, và danh sách này sẽ có thể còn mở rộng". Hàn Quốc cũng chưa được Hoa Kỳ mời tham dự vào việc chọn địa điểm, phóng viên CNN viết trong bài “US scouting sites for 2nd Trump-Kim summit”.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam được nêu tên cho cuộc gặp Trump - Kim. Hồi tháng 4/2018, báo chí quốc tế khi bàn tán về những nơi có triển vọng được chọn cho Hội nghị Thượng định Mỹ - Triều Tiên lần một đã nêu đó có thể là Bàn Môn Điếm, Bình Nhưỡng, Bắc Kinh, Seoul, Singapore và Việt Nam.

Thậm chí khi đó, 'cơ hội' của ngôi làng đình chiến ở Bàn Môn Điếm đón ông Trump tới thăm còn được đề cao như địa điểm biểu tượng. Nhưng cuối cùng phía Mỹ đã chọn Singapore.

Nhìn chung, phía Triều Tiên chú ý rất nhiều đến thủ tục và biểu tượng, còn Hoa Kỳ rất quan tâm đến vấn đề an ninh và hiện muốn thấy có "tiến bộ" rõ về vấn đề hạt nhân từ Bình Nhưỡng trước khi đồng ý họp thượng đỉnh.

TrumpKim2i
Sau đó hai ông hội đàm với nhau (Ảnh: Getty)

Trump và Kim “không nói chuyện với nhau nữa”?

Các câu chuyện qua lại giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều xưa nay vốn đã lùm xùm. Cách đây không lâu, Tổng thống Trump còn nói ông và Kim Jong-un "đã phải lòng nhau" nhưng nay có vẻ như họ không nói chuyện nữa. Thay vào đó, hai bên dường như đang dò xét nhau, chờ đối phương chớp mắt hoặc có động thái gì. Và dường như không bên nào sẵn sàng nhún nhường.

Cuộc đàm phán nhằm thiết lập Hội nghị Thượng đỉnh 2 giữa hai nhà lãnh đạo đã không diễn ra như kế hoạch. Kim Yong-chol, trợ lý của ông Kim, lẽ ra đã đến New York và gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, nhưng cuộc họp đã bị hủy bỏ sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ phát hiện rằng ông Yong-chol đã không lên máy bay theo kế hoạch.

Tin chính thức là cuộc họp sẽ được lên lịch lại và ông Trump nói rằng ông "rất hạnh phúc" với tình hình hiện tại, và "không có gì phải vội" trong khi lệnh trừng phạt vẫn được giữ nguyên.

TrumpKim2d
Trong cuộc gặp riêng 40 phút vào tháng 4/2018, hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên đã “nhắc đến Việt Nam rất nhiều lần” có thể là nơi sẽ diễn ra thượng đỉnh Trump - Kim (Ảnh: Reuters)

Ở Seoul cũng vậy, các phóng viên được kêu gọi không soi vào cuộc họp bị hoãn vì đã từng có những cuộc họp bị hoãn trong quá khứ. Trong cuộc phỏng vấn với BBC, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng ông đoán trước là sẽ có ​​"bầm dập" trong tiến trình thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân.

Ngay cả ở cấp độ thấp hơn, đặc sứ mới của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun đã đảm nhiệm vị trí này hơn hai tháng mà vẫn chưa gặp người đồng cấp Bình Nhưỡng là Thứ trưởng Ngoại giao Choi Sun-hui.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh hồi tháng 6/2018, ông Kim Jong-un cam kết hướng tới mục tiêu phi hạt nhân nhưng các bước của ông đến nay không đáp ứng được yêu cầu của Mỹ. Hôm 2/11, Bình Nhưỡng cảnh báo họ có thể tiếp tục nối lại chương trình hạt nhân nếu Mỹ không bỏ việc chế tài.

Trong cuộc gặp ở Singapore, hai ông cũng cam kết xây đắp "một chế độ hòa bình bền vững và ổn định", nhưng Bình Nhưỡng thất vọng khi Mỹ miễn cưỡng trước tuyên bố kết thúc chính thức Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 và nhắc lại yêu cầu Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Trump cho biết Hội nghị Thượng đỉnh 2 sẽ được tổ chức sau cuộc bầu cử giữa kỳ 6/11. Hồi đầu tháng 10/2018, ông nói rằng kế hoạch cho Hội nghị Thượng đỉnh 2 đã được sắp xếp và ông cho rằng tiến trình đàm phán với quốc gia bị cô lập diễn ra "đáng kinh ngạc".

Ông cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc đàm phán rất tốt với ông Kim vào cuối tuần trước và rằng "ba, bốn địa điểm đã được cân nhắc". Ông Pompeo cho biết ông Kim Jong-un sẵn sàng cho phép các quan sát viên quốc tế vào các điểm thử hạt nhân và tên lửa. Đây là một trong các vấn đề chính còn vướng mắc của cam kết phi hạt nhân trước đó.

Trước đó, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cảnh báo "không đời nào" nước ông giải trừ hạt nhân trong khi Mỹ tiếp tục áp các lệnh trừng phạt, khi nói tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc: Các biện pháp trừng phạt đào sâu thêm sự ngờ vực của Triều Tiên về Mỹ.

TrumpKim2k
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho nói Mỹ cứ nhất định theo chính sách “phi hạt nhân trước đã” (Ảnh: AFP)

Bình Nhưỡng nhiều lần kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ, điều này được Nga và Trung Quốc ủng hộ. Nhưng ông Trump nói rằng các biện pháp trừng phạt nên được duy trì cho đến khi Triều Tiên tiến hành phi hạt nhân…

* *

Liệu Hội nghị Thượng đỉnh 2 Trump – Kim có diễn ra và sẽ diễn ra suôn sẻ? Có họp tại Việt Nam không? Cả thế giới đang chờ, cũng như trước đó đã hồi hộp chờ cuộc gặp lịch sử lần 1 tại Singapore.

                                                                                                 Tường Quyên

                                                                                          (Theo BBC News, CNN)

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.