Dữ liệu cũ
Thứ tư, 27/11/2019, 21:04 PM

TP.HCM: Ô nhiễm từ đâu?

(NTD) - Dù sớm nhận ra mối nguy hại ô nhiễm môi trường từ công tác thu gom rác dân lập bằng phương tiện thô sơ, nhưng TP.HCM vẫn loay hoay chưa có biện pháp triệt để đối với loại hình này.

Đường phố, cổng chợ... ngập ngụa trong rác thải

Theo lộ trình TP.HCM đưa ra, từ 1/11, các đội thu gom rác dân lập không còn được sử dụng xe thô sơ (xe máy kéo, xe lôi, xe ba gác...) để vận chuyển rác trong khu dân cư. Thay vào đó, Quỹ bảo vệ môi trường sẽ phối hợp với Sở Tài chính TP.HCM, hỗ trợ các gói vay để chuyển đổi phương tiện sang các loại xe tải nhỏ, thùng nhựa (hoặc composite) dung tích 660 lít phục vụ việc thu gom rác ở các khu dân cư.

Tuy nhiên, báo cáo của Phòng Quản lý chất thải rắn Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM (Sở TN-MT) cho thấy có rất ít người thu gom rác thực hiện chủ trương này. Theo thống kê 10/24 quận, huyện thì số lượng người có nhu cầu vay để thay đổi phương tiện thu gom rác với số tiền cần đến 266 tỷ đồng, nhưng số lượng đăng ký chỉ 87 tỷ đồng (tương đương 32,7%). Đây là con số quá hạn chế so với nhu cầu thực tế ở các địa phương.

Đến hạn vẫn chưa thể thực hiện, Sở TN-MT cho biết, có thể sẽ phải gia hạn thêm thời gian thực hiện chuyển đổi phương tiện. Đồng nghĩa, những chiếc xe chở rác thiếu an toàn, bốc mùi, nguy cơ ô nhiễm cao... vẫn tiếp tục tồn tại, tiếp tục luồn lách khắp các hẻm, khu phố trên địa bàn TP.HCM. Nỗi ám ảnh sẽ còn kéo dài với người dân thành phố.

Nhiều ngày thị sát trực tiếp cách thu gom, vận chuyển rác của loại hình dân lập ở các khu dân cư, phóng viên Báo Người Tiêu Dùng nhận thấy, nguy hại từ thu gom thủ công không chỉ xuất phát ở các xe vận chuyển thô sơ, không che chắn, không bảo đảm an toàn mà còn do quá trình tập hợp, thu gom thiếu khoa học. Có quá nhiều khe hở trong quy trình vận chuyển rác từ nhà dân đến các xe chuyên dùng của công ty công ích ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Có mặt tại khu vực chợ Gò Vấp lúc từ 21-23h đêm 11/11, phóng viên ghi nhận hàng chục xe thô sơ kéo rác về điểm tập trung ngay trước cổng chợ. Tại đây, hình thành một đống rác to tạm thời. Rác vốn không được phân loại tại nguồn với đủ thành phần như: Đồ ăn thừa, nhựa, lá, nước... trộn lẫn vào nhau mùi hôi bốc lên nồng nặc. Nước rỉ rác bắt đầu loang ra trên mặt đường nhựa, có thời điểm rác lấn ra tới giữa đường gây cản trở giao thông.

Nhiều người dân qua khu vực này cho biết, họ không thể chấp nhận việc đổ rác tập trung ra đường, trước cổng chợ nơi có nhiều hàng ăn uống...

Bà Lê Hải Yến (ngụ P.6, Q. Gò Vấp, TP.HCM) nói: “Nhiều năm rồi đây là điểm tập trung rác trước khi xe chuyên dùng đến chở đi, nhưng rõ ràng là không phù hợp. Chợ, nơi bày bán thực phẩm, nơi cần sạch nhất mà lại cẩu thả, bừa bãi như thế thì lấy gì để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng, chẳng ai giải quyết cho điều đó!”.

Cùng số phận với chợ Gò Vấp, hai đống rác khổng lồ trước cửa chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) cũng khiến người dân bức xúc. Theo bà N.T.T người bán hàng ban đêm trước cổng chợ, sau một ngày hoạt động tấp nập bên trong chợ, tất cả rác được tập trung đưa ra trước cổng chờ xe rác chuyên dụng đến thu gom. Tuy nhiên, khi đội thu gom còn chưa kịp tới thì những đống rác này đã phát mùi hôi, nước chảy lênh láng trên mặt đường. Điều này cũng xảy ra tương tự trước cổng chợ trên đường Nguyễn Thị Tần (quận 8).

Còn theo như chia sẻ của anh Nguyễn Văn Hải (người thu gom rác ở quận Gò Vấp) thì hiện nay việc ô nhiễm môi trường khu dân cư có một phần xuất phát từ ý thức người dân. Cứ sau 20h tối, các hộ dân bắt đầu mang rác thải với đủ thành phần ra đặt ngay trước cửa nhà rồi đóng cửa lại. Nhà nào cũng như thế, có tuyến phố kéo dài vài cây số, lề đường ngập ngụa trong rác, rất phản cảm.

Đó là chưa kể, trước khi lực lượng thu gom rác có mặt, thường có một nhóm người hành nghề nhặt ve chai đã đi trước. Họ sẵn sàng mở toang các túi nilon chứa rác ra để tìm ve chai, những thứ có thể bán phế liệu được. “Một số trường hợp vô ý thức, họ xé tanh bành túi nilon ra rồi mặc kệ đó, để chó, mèo, chuột đến quậy nát ra trên mặt đường, vương vãi đủ thứ loại thức ăn thừa. Những người thu gom như chúng tôi không có thời gian để làm sạch được những nơi đó!” - Anh Hải bức xúc.

a2
Rác ngập trên một con phố ở quận Gò Vấp.
a7
Hình ảnh ghi lại trước cổng chợ ở quận 8. 

Người dân tự cài “bom” nổ chậm trước cửa nhà

Bàn về vấn đề này, kỹ sư môi trường Bùi Văn Cứ cảnh báo: “Chúng ta chăm chăm chỉ trích các nhà máy xử lý rác, các nhà máy ép rác, bãi rác tập trung gây ô nhiễm, đe dọa đời sống người dân nhưng chính mỗi người dân đang đặt trước cửa nhà mình một quả bom nổ chậm. Lấy gì để bảo đảm những túi nilon rác thải đủ loại đặt trước của nhà mình, do chính mình tạo nên không phát sinh mùi, nước rỉ rác gây ô nhiễm môi trường. Một, hai túi rác thì ít, thì tưởng không có gì... nhưng thử tưởng tượng cả con phố nhà nào cũng thế thì khác gì cả cộng đồng đang sống trong bãi rác. Không cần mùi khuếch tán đi đâu xa cả, phát ra tại chỗ là đủ chết rồi. Mỗi người dân nên tự ý thức điều đó!”.

Về giải pháp cho tình trạng này, ông Cứ cho rằng, ngoài nâng cao ý thức người dân thì ngành chức năng cần lộ trình cụ thể và kinh phí để bố trí các xe đẩy rác, thùng chứa rác có nắp đậy, hoặc tiên tiến hơn là chất khử mùi... trên các tuyến đường, trong khu dân cư ở một khoảng cách thích hợp ví dụ cứ cách 200-500m là có một điểm. Đây là một hình thức mà nhiều nước đã áp dụng thành công trong khi Việt Nam nói chung và tại TP.HCM nói riêng vẫn chưa áp dụng rộng rãi được.

Trường hợp có các thùng rác như vậy, sẽ hạn chế được các đội thu gom dân lập, nâng cao ý thức người dân phải tự mang rác đến đúng nơi quy định, tránh tình trạng để rác ngay trước cửa nhà chờ người đến thu gom. Biện pháp này cũng đồng thời giảm thiểu tối đa phát tán mùi hôi gây ô nhiễm môi trường, cũng như trả lại không gian thoáng đãng trên lòng lề đường, bảo đảm mỹ quan đô thị thay vì phản cảm vì túi nilon chứa rác bừa bãi như hiện nay.

a3
Nước rỉ rác chảy lênh láng trên mặt đường, nồng nặc mùi hôi.
a4
Đống rác “khổng lồ” trước cổng chợ Hoàng Hoa Thám lấn chiếm cả lòng đường.
a
 
a6
 
a5
 
a1
 

Nguyễn Hải Sâm

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.