Dữ liệu cũ
Thứ tư, 24/02/2016, 14:09 PM

Top 10 sự kiện Bất động sản nổi bật năm 2015

(NTD) - Năm 2015 được ghi nhận là năm thành công ngoài mong đợi của thị trường bất động sản (BĐS)với những gam màu sáng như tồn kho BĐS giảm mạnh, thanh khoản tăng đột biến, các vụ thâu tóm đình đám, nhiều chính sách mới có hiệu lực... Khép lại một năm đầy khởi sắc của thị trường, hãy cùng Báo Người Tiêu Dùng điểm lại những sự kiện nổi bật trong năm qua.

1 Phân khúc căn hộ cao cấp chiếm lĩnh thị trường

1
 

Sau thời gian dài đóng băng, thị trường đã chính thức hồi phục trong năm 2015 với sự bùng nổ về hoạt động mở bán và giao dịch. Nếu khoảng 3 năm về trước phân khúc trung bình, giá rẻ vẫn chiếm ưu thế, thì bước sang năm 2015, khi thị trường tốt lên, người tiêu dùng chứng kiến hàng loạt các dự án cao cấp rầm rộ bung hàng ở Hà Nội và TP.HCM, trong khi đó các dự án giá thấp bình dân càng ngày càng ít.

Cụ thể, năm 2015, Hà Nội có khoảng 19.350 giao dịch thành công (tăng 1,7 lần so với 2014), TP.HCM có khoảng 18.700 giao dịch thành công (tăng 1,8 lần so với 2014). Tồn kho bất động sản đến 20/12/2015 đã giảm 77.659 tỷ đồng so với quý 1/2013, còn khoảng 50.889 tỷ đồng, tương đương giảm 60,41%.

Điểm đáng chú ý nhất của thị trường trong năm 2015 là sự trở lại ngoạn mục của phân khúc căn hộ cao cấp. Đây là phân khúc có tồn kho lớn nhất thị trường và từng là phân khúc bị xa lánh trong giai đoạn đóng băng. Nhưng khi thị trường phục hồi, phân khúc căn hộ cao cấp là phân khúc dẫn dắt và chiếm lĩnh thị trường cả về nguồn cung và giao dịch.

2 Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi chính thức có hiệu lực

Saigon 22-7-2015 A
 

Ngày 1/7/2015, Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, Luật Nhà ở sửa đổi cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam đồng thời nới lỏng các điều kiện đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, giúp đối tượng này có đầy đủ quyền sở hữu bất động sản tại Việt Nam. Cụ thể cho phép người nước ngoài có quyền thuê và sở hữu tối đa 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư hoặc tối đa 250 biệt thự/nhà liền kề.

Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi có nhiều điểm đáng chú ý như: chủ đầu tư các dự án chỉ được phép ký hợp đồng bán, cho thuê, cho thuê mua dự án BĐS hình thành trong tương lai khi đã có sự bảo lãnh của ngân hàng thương mại có đủ năng lực. Quy định mới này sẽ bảo vệ quyền lợi và tạo được tâm lý an tâm hơn cho người mua nhà trước tình trạng “bán nhà trên giấy” như hiện nay.

Luật này cũng quy định lần đầu chủ đầu tư chỉ được thu không quá 30% giá trị hợp đồng và không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà, không quá 95% giá trị hợp đồng khi bên mua, thuê mua chưa được cấp giấy chứng nhận...

3 Ngân hàng bảo lãnh dự án hình thành trong tương lai

Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi quy định từ ngày 1/7/2015, chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng .

Đây được xem là một bước tiến lớn của pháp luật kinh doanh BĐS, nhằm bảo vệ người mua nhà khỏi rủi ro khi chủ đầu tư bán hàng thu tiền xong nhưng không thể triển khai dự án, hoặc dự án xây dang dở thì phải ngừng vô thời hạn giai đoạn trước. Trong trường hợp chủ đầu tư không triển khai bàn giao nhà theo đúng cam kết, phía ngân hàng sẽ đứng ra hoàn trả khoản tiền khách hàng đã nộp cho chủ đầu tư. Tuy nhiên theo ghi nhận thực tế, hiện nay chỉ có một số ít doanh nghiệp BĐS lớn mới tiến hành ký bảo lãnh dự án với ngân hàng, còn một số doanh nghiệp vừa và nhỏ thì chưa tham gia.

4 Vinhomes là thương hiệu bất động sản giá trị nhất năm 2015

Vinhomes -vingroup- Phối cảnh Vinhomes Central Par
 

Hãng tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance vừa công bố Vinhomes thuộc Tập đoàn Vingroup là thương hiệu BĐS đắt giá nhất Việt Nam 2015. Thương hiệu kinh doanh và quản lý BĐS Vinhomes thuộc Tập đoàn Vingroup được định giá 343 triệu USD, đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm nay và là thương hiệu duy nhất thuộc lĩnh vực BĐS.

Vinhomes hiện là thương hiệu BĐS được phát triển bởi Tập đoàn Vingroup với hàng loạt dự án như Vinhomes Times City, Vinhomes Royal City, Vinhomes Riverside, Vinhomes Central Park... Các sản phẩm BĐS Vinhomes bảo đảm chính xác cam kết về tiến độ, chất lượng xây dựng và hệ thống hạ tầng, tiện ích đồng bộ và chất lượng dịch vụ. Các khu đô thị Vinhomes còn chú trọng thiết lập hệ thống an ninh chặt chẽ, hệ thống phòng cháy chữa cháy hiện đại, bảo đảm môi trường sống an toàn cho khách hàng.

Brand Finance là hãng tư vấn định giá thương hiệu Anh Quốc. Hàng năm, hãng định giá một cách độc lập khoảng 57.000 thương hiệu khác nhau trên toàn thế giới. Các báo cáo của hãng được giới chuyên môn đánh giá cao bao gồm top 500 thương hiệu hàng đầu thế giới, top 500 ngân hàng hàng đầu thế giới, bảng xếp hạng thương hiệu các quốc gia trên thế giới... Đây là lần đầu tiên thương hiệu Việt Nam được hãng đưa vào danh sách định giá hàng năm.

Kết quả định giá thương hiệu này được sử dụng và công bố trên các kênh truyền thông hàng đầu thế giới như BBC, CNN, CNBC, Bloomberg, The Economist, The Wallstreet Journal...

5 Sự trở lại của phân khúc Bất động sản nghỉ dưỡng

Cùng sự ấm lên của thị trường, năm 2015 chứng kiến sự đầu tư ồ ạt vào phân khúc BĐS nghỉ dưỡng. Hàng loạt dự án BĐS nghỉ dưỡng ở cả 3 miền được các chủ đầu tư ồ ạt giới thiệu và mở bán ra thị trường với nhiều chương trình bán hàng hấp dẫn. Phân khúc BĐS nghỉ dưỡng có triển vọng tốt nhờ cơ sở hạ tầng ngày một phát triển, kết nối đường bộ và hàng không ngày càng thuận tiện.

Chỉ tính riêng Phú Quốc, khoảng 200 dự án, vốn đăng ký hơn 180.000 tỷ đồng đang biến nơi đây thành điểm nóng giao dịch. Ngoài Phú Quốc, các điểm đến du lịch ưa thích tại các thành phố ven biển Mũi Né, Hội An, Đà Nẵng cũng thu hút sự quan tâm của các “ông lớn” BĐS với nhiều dự án nghỉ dưỡng cao cấp được chào bán.

Thị trường BĐS nghỉ dưỡng song hành cùng sự đi lên của nền kinh tế, đặc biệt khi giới nhà giàu quan tâm hơn đến nâng cao chất lượng cuộc sống. Khi đi du lịch, thay vì chọn khách sạn thông thường, họ có hướng chọn nơi nghỉ ngơi tiện nghi, sang trọng và tự do sinh hoạt như đang ở nhà. Hơn nữa, biệt thự ven biển vừa để chủ nhân có nơi chốn nghỉ ngơi trong mùa du lịch, vừa mang lại khoản lợi nhuận không nhỏ từ hoạt động cho thuê lại.

Các đợt mở bán sản phẩm của phân khúc này đều nhận được sự quan tâm lớn của khách hàng, như FLC Samson (Thanh Hóa) của Tập đoàn FLC, Premier Village Đà Nẵng, Premier Village và Premier Residences Phú Quốc của Sun Group, Vinpearl Nha Trang, Vinpearl Phú Quốc của Vingroup...

6 Hàng loạt vụ cháy chung cư tại Hà Nội và TP.HCM

Năm 2015 cũng chứng kiến hàng loạt các vụ cháy ở các chung cư tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Đầu tiên phải kể đến các vụ cháy tại một số chung cư do Công ty Tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên của đại gia Lê Thanh Thản làm chủ đầu tư như CT4A Khu đô thị Xa La (Hà Đông), HH4A Khu đô thị Linh Đàm và trước đó nữa là các vụ cháy, chập điện xảy ra tại CT5 và CT6 cũng thuộc Khu đô thị Xa La.

Tiếp đó, tại tòa nhà CT1 Vimeco (đường Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội), chung cư Hồ Gươm Plaza ở phường Mộ Lao (Hà Đông, Hà Nội)... cũng liên tiếp diễn ra những vụ cháy lớn khiến hàng trăm người sinh sống tại khu vực này bị mắc kẹt trong chính căn hộ của mình, gây phẫn nộ trong dư luận.

Tại TP.HCM, ngày 23/6/2015, “bà hỏa“ cũng viếng thăm chung cư Copac Square số 12 Tôn Đản (Q.4, TP.HCM), tại đây lửa bốc cháy dữ dội ở tầng thượng làm hàng trăm người phải tháo chạy. Cùng chung số phận, chiều 17/11/2015, ngọn lửa bùng phát từ khu vực ống khói của nhà hàng tại tầng hầm thứ nhất của tòa chung cư cao cấp The Flemington Parkson đường Lê Đại Hành (Q.11, TP.HCM). Hàng trăm người được yêu cầu di tản để bảo đảm an toàn.

Mặc dù các vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi nhiều tài sản của cư dân, quan trọng hơn nó khiến người dân ngày càng lo sợ hơn khi sinh sống ở các tòa nhà cao tầng. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo đối với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra về phòng cháy chữa cháy của các tòa nhà cao tầng.

7 Biệt thự cổ hơn 100 tuổi đã được bán với giá gần 35 triệu USD

Năm 2015, một lần nữa dư luận xã hội, nhất là giới kinh doanh BĐS lại xôn xao về chuyện ngôi biệt thự cổ có tuổi thọ hơn 100 tuổi nằm tại trung tâm Q.3 đã được chuyển sang chủ mới với giá 35 triệu USD. Nhiều người tò mò, quan tâm không biết “ông chủ” thật sự của biệt thự cổ này là ai?

Căn biệt thự được xây dựng trên khu đất 2.819,5 m2, theo kiến trúc Pháp cổ gồm 2 tầng, với tổng diện tích sàn xây dựng là hơn 2.000 m2. Nằm trên 3 mặt tiền lớn là đường Võ Văn Tần, Bà Huyện Thanh Quan và Nguyễn Thị Diệu (Q.3, TP.HCM) khu đất này được xem là “khu đất vàng” của thành phố mà nhiều đại gia BĐS dòm ngó.

Cũng theo nguồn tin (giấu tên) tiết lộ: “Mục đích mua ngôi biệt thự cổ này theo tôi được biết là từ lâu người này muốn có được một nơi để làm chỗ thờ tự dòng họ”. Tuy nhiên, đây là ngôi biệt thự nằm trong danh mục cần được bảo tồn về mặt kiến trúc, văn hóa và lịch sử của TP.HCM. Do đó, chủ nhân mới chỉ có thể được sở hữu, sửa chữa, nâng cấp thêm để ở, nhất là phần nội thất bên trong, còn toàn bộ phần kiến trúc tòa nhà vẫn phải giữ nguyên hiện trạng như ban đầu.

8 Doanh nghiệp Nhà nước không được đầu tư vào bất động sản

Theo Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành ngày 13/10/2015. Theo đó, từ 1/12/2015, doanh nghiệp Nhà nước không được đầu tư vào BĐS, ngân hàng, chứng khoán, trừ trường hợp đặc biệt được Chính phủ cho phép hoặc doanh nghiệp có ngành nghề chính là những lĩnh vực nêu trên.

Theo nghị định, doanh nghiệp Nhà nước có quyền dùng vốn của mình để đầu tư, kinh doanh ra bên ngoài, trong đó bao gồm cả đầu tư ra nước ngoài, nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định hiện hành của Chính phủ. Trường hợp doanh nghiệp Nhà nước đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực trên mà không được Thủ tướng cho phép, phải tiến hành cơ cấu lại và chuyển nhượng toàn bộ vốn đã đầu tư theo quy định. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đã đầu tư, mọi biến động về tăng, giảm vốn phải được báo lại

9 Cắt ngọn dự án xây vượt tầng

Việc xây sai phép, vượt tầng, không đúng quy hoạch đã xảy ra nhiều năm qua tại hàng loạt dự án trên địa bàn cả nước, đặc biệt là Hà Nội, nhưng việc xử phạt chỉ mang tính hình thức, “phạt cho có”. Tuy nhiên, dự án Discovery Complex 2 tại số 8B Lê Trực (Q. Ba Đình) do CTCP May Lê Trực làm chủ đầu tư, có vị trí gần Quảng trường Ba Đình đã xây vượt 16 m (tương đương 5 tầng) và 6.000 m2 diện tích sàn xây dựng so với giấy phép đã bị tuýt còi.

Với sai phạm này, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu chủ đầu tư phải cắt bỏ phần xây vượt, nếu chủ đầu tư không tự thực hiện, thành phố sẽ thực hiện cưỡng chế và chi phí sẽ do chủ đầu tư chịu. Sau hàng loạt biện pháp quyết liệt của cơ quan chức năng, chủ đầu tư đã thừa nhận sai phạm, tự khắc phục vi phạm và hiện công trình đang được chủ đầu tư thực hiện phá dỡ. Dự kiến, thời gian phá dỡ kéo dài 9 tháng, kinh phí gần 12 tỷ đồng.

Tại thành phố Đà Nẵng, sau 3 lần gia hạn để các cấp ngành thanh tra, nghiên cứu xem xét với những tờ đơn kêu cứu của ông Ngô Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH khai khoáng Phước Minh (Phước Sơn - Quảng Nam), cuối cùng biệt phủ 100 tỷ trên đèo Nam Hải Vân của đại gia vàng này cũng bị UBND thành phố Đã Nẵng cưỡng chế, tháo dỡ.

10 Thuận Kiều Plaza về tay “nữ đại gia”

thuan-kieu-plaza
 

Thuận Kiều Plaza được xây dựng từ những năm 90, sở hữu “vị trí vàng” của khu vực trung tâm của Q.5 với 3 tòa tháp cao 33 tầng. Trung tâm thương mại Thuận Kiều Plaza là một công trình quy mô và trở thành một biểu tượng giàu có của khu vực Chợ Lớn, Sài Gòn lúc bấy giờ.

Sau nhiều năm bị “hoang phế”, mới đây dự án đã được chủ đầu tư là CTCP Đầu tư An Đông (thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) mua lại từ chủ đầu tư cũ là liên doanh giữa công ty Kings Harmony Int’ LTD (Hồng Kông) và Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn với giá trị hơn 600 tỷ đồng. Dự kiến, TTTM Thuận Kiều Plaza sẽ được đập bỏ hoàn toàn để xây dựng mới.

Tấn Lợi (Ảnh: Trần phong - tường chiểu)

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.