Dữ liệu cũ
Thứ ba, 22/10/2019, 13:56 PM

“Taxi hàng không” chuẩn bị cất cánh

(NTD) - Dù chỉ mới thử nghiệm nhưng thị trường “taxi bay” đã chật chội khi có nhiều hãng công nghệ và vận tải lớn nhảy vào hòng chiếm lấy miếng bánh to nhất.

Series phim hoạt hình “The Jetsons” công chiếu vào năm 1962 là một lời tiên tri ấn tượng về công nghệ tương lai. Trong phim có rất nhiều công nghệ giả tưởng được các họa sĩ sáng tạo mà mọi người nghĩ rằng nó không bao giờ có thật. Tuy nhiên, gần như mọi đồ vật có trong phim Jetsons như máy bay tự lái, robot giúp việc, điện thoại thông minh, máy in 3D... đã trở thành hiện thực.

Một số doanh nghiệp vận tải lớn, bao gồm Boeing, Airbus và Uber đang thực hiện các chuyến xe bay thử nghiệm hoàn toàn bằng điện hứa hẹn sẽ cách mạng hóa việc đi lại trong đô thị thông qua các dịch vụ taxi bay. Thị trường này ngày càng đông vui khi có thêm sự tham gia của Volocopter và Lilium, 2 công ty của Đức nhận được nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc.

Volocopter, được nhà sản xuất ô tô Geely có trụ sở tại Hàng Châu đầu tư 55 triệu USD để giúp taxi hàng không của hãng này ra mắt thương mại trong vòng ba năm tới, đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm tại thành phố Stuttgart (Đức) vào cuối tháng 9 vừa qua.

Còn Công ty Lilium, được tài trợ một phần bởi gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent, đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2017 với chiếc máy bay hai chỗ ngồi. Và gần đây cũng đã hoàn thành một thử nghiệm cất - hạ cánh cho một nguyên mẫu 5 chỗ ngồi.

a
Chiếc máy bay hai chỗ ngồi của Lilium đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2017.

Công nghệ này đang ở giai đoạn tiên tiến đến mức hầu hết các hãng taxi hàng không dự tính sẽ ra mắt thương mại từ năm 2022-2025.

Nhưng có một loạt các rào cản mà ngành công nghiệp này sẽ cần phải vượt qua trước khi những phát minh này có thể chở hành khách. Chẳng hạn, thời điểm nào trong ngày taxi bay có thể cất cánh được, mức giá nào các khách hàng tiềm năng sẵn sàng chi và làm thế nào xe bay có thể di chuyển hành khách đến và đi từ các bãi đáp trực thăng, Tim Schwanen, Giám đốc Đơn vị nghiên cứu giao thông tại Đại học Oxford, cho hay.

“Không chỉ về công nghệ, trong một vài trường hợp thì công nghệ là phần dễ dàng” - Schwanen nói - “Có những vấn đề xung quanh quy định, xung quanh thị trường. Chúng ta có muốn những dịch vụ này không? Chúng ta có cần chúng không?”. Trong phim Jetsons mọi người có thể bay khắp nơi mà không hề sợ va chạm hay sự cố máy bay nổ. Trong đời thực hoàn toàn khác.

a2
Hành khách có thể sử dụng dịch vụ Uber taxi vào năm 2025.

Làm thế nào để các hệ thống kiểm soát không lưu hiện tại kết hợp taxi bay, hay sự hạn chế các bãi đáp ở nhiều thành phố lớn là những vấn đề đáng quan tâm. Nhà thiết kế xe kỳ cựu Frank Stephenson, người thiết kế máy bay của Lilium, cho biết các công ty phải đặt sự an toàn lên hàng đầu. “Một khi mà phương tiện này có vấn đề, nó sẽ đánh mất rất nhiều niềm tin và sự tin tưởng của công chúng” - ông nói.

Lilium cho biết, dịch vụ của họ sẽ có giá phải chăng và họ hy vọng rằng các chuyến bay thương mại đầu tiên sẽ được thực hiện các tuyến giữa các sân bay và trung tâm thành phố. “Tuyệt đối taxi bay không chỉ phục vụ cho giới thượng lưu” - Stephenson khẳng định - “Đây là phương tiện dành cho tất cả mọi người - từ học sinh hay thiếu niên, những người cần đến thăm bà của mình... cho đến khi trở thành VIP”.

Uber dự tính dịch vụ của Uber Air ban đầu sẽ có giá 3,60 USD mỗi km/hành khách và công ty đặt mục tiêu giảm xuống còn 0,27 USD mỗi km/hành khách. Mức giá này thực sự cạnh tranh và khiến người ta phải suy nghĩ có nên đón xe hơi đi nữa hay không. Nhưng ông Schwanen nghi ngờ rằng giá thấp như vậy sẽ khó đạt được, khi trong môi trường kinh doanh ngày nay đầy rẫy những công ty thua lỗ, coi trọng tăng trưởng lợi nhuận. Ông cho rằng dịch vụ này sẽ “ở quy mô hạn chế cho giới siêu giàu. Bởi họ mới có khả năng chi trả và cũng chỉ họ mới có thể có bãi đáp để taxi hạ cánh”.

a1
Taxi bay thực hiện chuyến bay thử nghiệm tại New Zealand.

Tuy nhiên, các công ty cho biết họ sẽ chuyển sang tự động hóa, sử dụng taxi bay không người lái để giảm giá cước.

Với hơn một chục công ty tham gia lĩnh vực này, việc xác định nhà khai thác nào nổi lên dẫn đầu thị trường sẽ chủ yếu dựa vào thiết kế, hiệu quả và phạm vi hoạt động, theo nhà thiết kế xe Stephenson, người tin rằng Lilium đi trước cả ba nhóm. Lilium cho biết máy bay của họ sẽ thực hiện các chặng bay lên đến 300km, gấp đôi khoảng cách của hầu hết các đối thủ cạnh tranh. Và các máy bay của họ sẽ sử dụng năng lượng ít hơn khoảng 90% so với máy bay không người lái.

Sau khi vượt qua các rào cản kỹ thuật, những chiếc taxi bay chạy điện vẫn cần được cấp phép bởi các cơ quan chức năng. Uber kỳ vọng dịch vụ taxi bay Uber Air (dự kiến sử dụng chiếc máy bay eVTOL có người lái) sẽ được phép cất cánh vào năm 2023. Airbus đang phát triển chiếc máy bay tương tự nhưng vẫn chưa công bố ngày ra mắt. Lilium dự kiến sẽ hoạt động toàn phần ở nhiều thành phố trên khắp thế giới đến năm 2035.

Phan Lê (Theo Chinadaily)

 
 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.