Dữ liệu cũ
Thứ hai, 28/09/2015, 14:30 PM

Sách tiếng Anh tiểu học: Chưa học xong đã thay sách

(NTD) - Không ít phụ huynh có con em học tiểu học ở TP.HCM rất bức xúc vấn đề cùng một giáo trình tiếng Anh nhưng một số trường lại yêu cầu học sinh phải đổi sang bộ sách phiên bản mới. Mặc dù sách cũ chỉ mới học được một nửa và có nội dung gần y hệt sách mới. Việc làm tùy tiện này gây lãng phí và tốn kém cho phụ huynh, học sinh.

Hai năm học một nội dung?

Một bạn đọc tên P. có con đang học lớp 2 tại Trường Tiểu học Q.10, TP.HCM cho biết, trong năm học 2014–2015 khi con chị mới vào lớp 1, nhà trường đã yêu cầu phụ huynh mua bộ sách Anh ngữ “Family and Friends 1” của NXB Oxford (bao gồm hai cuốn student book và workbook kèm đĩa) cho học sinh học chương trình tiếng Anh tăng cường. Kết thúc năm học, con chị chỉ học đến bài 5, khoảng giữa cuốn sách, và được cô chủ nhiệm cho biết nửa cuốn giáo trình còn lại sẽ được học tiếp khi các cháu vào lớp 2. Nhưng khi năm học mới bắt đầu thì nhà trường lại thông báo mua bộ sách mới với giá 170.000 đồng, với nội dung gần như giống hoàn toàn bộ sách con chị học năm lớp 1. Kỳ lạ hơn, các em học sinh không tiếp tục học từ bài 6 trở đi để nối tiếp chương trình năm ngoái mà bắt đầu lại từ bài 1. “Sách mới học được nửa quyển, vẫn mới nguyên, giờ vào năm học mới, nhà trường không những yêu cầu mua sách mới mà còn bắt học lại từ đầu các bài học y chang năm ngoái. Tôi không phải tiếc tiền nhưng thấy nhà trường làm vậy thật lãng phí và tốn thời gian của học sinh”, chị P. bày tỏ.

Sách tiếng Anh tiểu học 6
 
Sách tiếng Anh tiểu học 7
Điểm khác biệt duy nhất của hai bìa sách “Family and Friends 1” và “Family and Friends 2” là logo của Sở GD-ĐT TP.HCM và NXB Giáo dục ở hai góc phải.

 Theo tìm hiểu của phóng viên, trường hợp của chị P. không phải lần đầu tiên phụ huynh phản ánh về việc lãng phí sách này. Cách đây không lâu, chị M. phụ huynh học sinh lớp 2 một trường tiểu học ở Q.Tân Bình, TP.HCM, cũng đã phản ánh với báo chí về việc nhà trường yêu cầu chị phải đổi bộ sách mới cho con, còn bộ sách cũ mới học được nửa cuốn đành “đem bán giấy vụn”. “Khi tôi nêu thắc mắc với cô giáo thì được giải thích đây là bộ sách phiên bản mới do Sở GD&ĐT TP.HCM biên soạn lại, có bổ sung nhiều chi tiết mới nên phải đổi”, chị M. chia sẻ.

Tuy nhiên, theo chị K.H. có cháu đang theo học lớp 2 tại Trường Tiểu học Đ, quận 3, thì nội dung hai bộ sách cũ - mới lại gần y hệt: “Có chăng là thay đổi một số hình ảnh minh họa từ học sinh Tây tóc vàng mắt xanh thành học sinh Việt Nam tóc đen da vàng, đeo khăn quàng đỏ, rồi cô giáo thì cho mặc áo dài, tên tiếng Anh đổi thành tên tiếng Việt… toàn những thay đổi mang tính chất “bề ngoài”. Phần nội dung có thay đổi thì cũng không đáng kể, ví dụ như trong phần bài tập thực hành ở trang 90 có thay đổi từ tập đếm số thành tập đọc chữ, bài hát tập phát âm cũng khác nhau nhưng về cơ bản thì vẫn là giúp học sinh luyện ngữ âm (phonics)”.

Sách tiếng Anh tiểu học 2
Nội dung bài học về cơ bản không có nhiều khác biệt.
Sách tiếng Anh tiểu học 1
Để ý kỹ mới thấy, trong một số tranh minh họa, màu da và màu tóc của nhân vật được sửa lại để mang nét “châu Á” hơn.

Anh B. có con đang học lớp 2 tại một trường tiểu học ở quận 9, cũng bức xúc bày tỏ: “Quyển 2 và quyển 1 của bộ giáo trình tiếng Anh cơ bản giống nhau nhưng đầu năm nhà trường lại không thông báo rõ chi tiết này khiến phụ huynh cứ phải chen chúc mua ở thư viện. Vậy là nhà trường không làm hết trách nhiệm hay do có sự khuất tất về chỉ tiêu bán sách giao cho trường? Hiện giờ học sinh tăng cường tiếng Anh lớp 2 học từ đầu quyển 2, tức là học lại chương trình năm lớp 1. Chuyện kỳ lạ như vậy mà khi tôi hỏi thì giáo viên chỉ biết nói lảng đi”.

Thay đổi để phù hợp với văn hóa Việt?

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM thì Sở chủ trương biên soạn lại bộ giáo trình “Family and Friends” thành “Family and Friends Special Edition” ngoài mục đích “bổ sung một số kiến thức mới” thì còn để “bổ sung một số hình ảnh minh họa mang đậm yếu tố văn hóa Việt và phù hợp với phong tục, tập quán của người Việt để giúp học sinh cảm thấy gần gũi hơn”. “Khi tiến hành biên soạn lại, hội đồng bộ môn của Sở GD&ĐT TP.HCM đã thống nhất với đại diện của NXB Oxford vẫn giữ “hồn” của bộ sách cũ, chỉ thêm một số kiến thức, hình ảnh mới. Sự khác biệt giữa hai bộ sách khoảng 20%”, ông Hiếu cho biết.

Ông Hiếu cũng khẳng định Sở không bắt buộc phụ huynh phải mua bộ “Family and Friends” phiên bản mới. Những học sinh lớp 2 và lớp 4 đã có sách từ năm học trước vẫn có thể sử dụng trong năm học 2015–2016. Mặc dù trong văn bản số 2593 ngày 18-8-2015 của Sở GD&ĐT TP.HCM về bổ sung hướng dẫn chuyên môn tiếng Anh cấp tiểu học năm học 2015 – 2016 có ghi rõ: Family and Friends phiên bản cũ chỉ sử dụng cho học sinh lớp 4 và 5. Ông Hiếu cũng cho biết: “Nếu có trường hợp nhà trường ép buộc phải mua giáo trình mới, xin phụ huynh hãy thông báo cho Phòng Giáo dục Tiểu học thuộc Sở GD&ĐT TP.HCM để được xem xét giải quyết”.

Sách tiếng Anh tiểu học 3
 
Sách tiếng Anh tiểu học 4
Tên nhân vật cũng được sửa từ tiếng Anh sang tiếng Việt.
Sách tiếng Anh tiểu học 5
Càng về sau các yếu tố “thuần Việt” như giáo viên mặc áo dài, học sinh đeo khăn quàng đỏ càng xuất hiện nhiều hơn.

Tuy nhiên, chị K.H. cho biết việc đưa văn hóa Việt vào trong một bộ sách tiếng Anh do nước ngoài biên soạn là không hoàn toàn cần thiết. “Việc lồng ghép yếu tố dân tộc vào sách giáo khoa tiếng Anh là rất bình thường, Ấn Độ và Nepal họ cũng làm vậy. Nhưng nếu thực sự muốn mang văn hóa Việt vào sách thì nên tự soạn một bộ giáo trình riêng, sao lại sử dụng “bình cũ” của người ta tô vẽ thành “rượu mới” của mình rồi bắt học sinh học đi học lại? Tuy trường không công khai bắt buộc, nhưng lại không thông báo rõ ràng. Giáo viên thì liên tục bảo năm nay sẽ học khác, sẽ có thay đổi thì phụ huynh nào dám không mua? Không mua thì con mình lấy gì mà học?”, chị H. bức xúc chia sẻ.

Không bắt buộc, không cần mua

Cô L. giáo viên tiếng Anh lớp 1 của Trường Tiểu học Đ., quận 3 cho biết văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT TP.HCM có ghi rõ là giáo viên có nhiệm vụ thông báo cho phụ huynh biết về giáo trình mới và tổ chức đăng ký mua cho những ai có nhu cầu. Phụ huynh nào không muốn thì không cần mua. “Phải bỏ cả triệu đồng ra để mua lại sách mới mà thay đổi chiếm chưa đến 20%, nếu tôi là phụ huynh thì cũng thấy phí. Thật ra, dù học sinh có sử dụng sách cũ thì khi học đến phần có bổ sung giáo viên có thể yêu cầu các em dùng chung sách với nhau, hoặc đi photo những trang đó, hoặc nhờ phụ huynh photo cho các em rồi đóng lại thành tập để dùng dần. Những việc này là trách nhiệm của giáo viên, phụ huynh không cần phải lo con mình không có sách để học hay không theo kịp bạn”, cô L. chia sẻ.

Sơn Hà

 

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.