Dữ liệu cũ
Thứ năm, 13/09/2018, 09:49 AM

Quảng Nam: Cánh đồng "chết” bên hồ lớn nhất nhì miền Trung

(NTD) - Dù đã hiến phần lớn đất đai và dành công sức để xây dựng nên đại công trình thuỷ lợi Phú Ninh, song người dân thôn Long Sơn, huyện Phú Ninh, vẫn chưa một lần được hưởng lợi từ nguồn nước chỉ cách có vài bước chân.

long son 2
Lúa không chắc hạt do thiếu nước (ảnh H.Tân)

Hơn 30 năm trước, sau khi hiến phần lớn ruộng đất cho công trình Hồ Phú Ninh, diện tích đất canh tác chỉ còn đủ cho 1/3 dân số trong thôn. Mỗi năm phải nhờ nước trời, người dân mới làm được thêm một vụ lúa. Thời gian còn lại, người dân phải vào Hồ Phú Ninh để kiếm củi khô về bán để sống qua ngày, hiểm hoạ cũng từ đó đổ xuống nhiều gia đình nơi đây. Nghèo khó như cái vòng lẩn quẩn không thoát khỏi nơi này, nên làng được gắn luôn cái mác “xứ nghèo khô”.

Hiện tại, cánh đồng lúa rộng 30 ha đang vào mùa thu hoạch vụ hè - thu, nhưng hầu hết nông dân ở đây đều lắc đầu ngao ngán vì lúa không đạt năng suất do thiếu nước. Hơn 10 ha ruộng còn lại bị bỏ hoang vì không đủ nước để lúa phát triển, đành để cỏ mọc um tùm. Một nghịch lý mà người dân ở đây đúc kết thành câu ca truyền miệng từ bao đời nay, “ra sau chết nước, ra trước chết khô”. Bởi cách khu ruộng của họ không xa, một đại công trình nước lớn nhất nhì miền Trung chỉ khoảng mấy bước chân, nhưng đồng ruộng thì khô khốc, cỏ cháy liên tiếp xảy ra.

long son
Đào mương dẫn nước tốn kém nhưng không hiệu quả (ảnh M.H)

Trưởng thôn Lê Chí Sỹ cho biết, thôn có 300 hộ dân, đa phần là làm nông. Cây trồng chủ lực là lúa nhưng chỉ làm được vụ Đông - Xuân, còn vụ Hè - Thu phải làm sớm hơn qui định một tháng để “ăn” được lượng mưa trời. Mà có làm cũng chỉ để giảm bớt thời gian nông nhàn, bởi chi phí cao hơn năng suất đạt được nên đa phần diện tích trồng lỗ vốn. “Dân ở đây khổ lắm, chỉ biết ngửa mặt kêu trời. Mang tiếng ở ngay sát công trình đại thủy nông lớn nhất nhì miền Trung, nhưng hầu như 40ha ruộng lúa không được hưởng được nguồn nước từ công trình này mà chủ yếu là nước thấm ra từ lòng hồ. Vụ chính thì phải dẫn ngược nước từ trạm bơm thôn Đại An, hoặc Phước Tượng về và phải trả tiền công cho người dẫn nước. Thu nhập bình quân tính theo thực tế thì chỉ 20 triệu đồng/người/năm”.

Ông Sỹ cho biết thêm, do nằm sát công trình hồ Phú Ninh nên không thể lấy nước trực tiếp từ kênh chính. Tuy nhiên, với khoảng cách chưa đầy 3 cây số, Long Sơn có thể nhận nước từ các kênh phụ dẫn ngược về, nhưng nhiều năm nay, kênh dẫn vẫn không được hoàn tất. Tháng rồi, người dân Long Sơn có được đoạn kênh dẫn nước thấm đang gấp rút đào để dẫn nguồn nước về thôn.

Bà Phạm Thị Long (tổ 2, thôn Long Sơn) cho biết: “Không chỉ ruộng lúa thiếu nước, nước sinh hoạt cũng không có để sử dụng, máy giếng bơm không có nước, phải mua nước sinh hoạt. Thiếu thốn triền miên bỗng thành quen rồi, nên giờ ai cũng bấm bụng chịu đựng. Chỉ thương lớp trẻ, phải xa xứ mới có việc làm nuôi bản thân được…”.

long son 1
Người trẻ thường phải đi xa để kiếm sống (ảnh H.Tân)

Ruộng khô cỏ cháy, chúng tôi phần nào hiểu được những khó khăn của vùng đất này. Nhiều người dân ở đây nói với chúng tôi là bắt đầu mùa khô hạn, nước sinh hoạt tại đây còn khan hiếm, nói chi nước sản xuất. Nhiều năm liền thiếu nước canh tác, sinh hoạt, không công ăn việc làm ổn định, đàn ông lớn tuổi phải đi ra các tỉnh lớn để làm phụ hồ, phụ nữ thì lên rừng kiếm củi bán, thanh niên thì “ly hương” để làm công nhân và phụ việc ở các thành phố lớn…

Hoàng Tân

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.