Dữ liệu cũ
Chủ nhật, 29/12/2013, 08:00 AM

Phó thủ tướng: ‘Việc làm là câu chuyện con gà – quả trứng’

“Việc thạc sỹ đi làm thợ may không phải do các bạn thiếu kỹ năng, mà đây là câu chuyện ‘con gà – quả trứng’”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Đối thoại với 650 đại biểu đại hội sinh viên toàn quốc chiều 28/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tự làm MC. Ông đứng và vui vẻ trả lời hàng chục câu hỏi của đại diện thế hệ trẻ cả nước.

- Phó Thủ tướng từng trải qua nhiều vị trí, từ lãnh đạo Trung ương đến địa phương, từ đối nội sang đối ngoại…Cháu mong được nghe Phó Thủ tướng tâm sự về quá trình phấn đấu và ý chí quyết tâm thực hiện hoài bão đó?

- Thật ra, tổ chức phân công việc gì thì tôi làm việc đấy, làm hết mình. Tôi học ở quê, thi đại học xong thì được triệu tập đi học dự bị ngoại ngữ để ra học ở nước ngoài. Ngày ấy tôi chỉ có 2 bộ quần áo. Khi sang phương Tây học tập, trong 3 tháng đầu, tôi tăng gần 20 kg. Đang sống trong nghèo đói nên khi ấy cảm thấy rất hạnh phúc, song từ tháng thứ 3 trở đi thì tôi bắt đầu tự hỏi ‘bao giờ bố mẹ, mọi người ở nhà được sung sướng thế này’. 

Đến khi đi làm, lúc đầu tôi làm trong lĩnh vực kỹ thuật, sau đó được cử sang làm công tác đối ngoại. Khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập ASEAN thì được điều sang tìm hiểu về ASEAN. Dần dần, theo quyết định của tổ chức, phân công đi đâu thì mình đi đó. Kinh nghiệm mà tôi muốn chia sẻ với các bạn là dù làm việc gì cũng phải làm hết sức, luôn suy nghĩ làm sao nước mình nhất định phải giàu hơn. Để được như vậy thì chính chúng ta phải chung tay xây dựng Việt Nam. Tôi làm thật tốt công việc của tôi, các bạn là sinh viên thực hiện thật tốt nhiệm vụ của mình.

- Việt Nam vừa tham gia chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA (học sinh phổ thông) và có kết quả khá cao nhưng giáo dục đại học thì kết quả lại rất đáng buồn khi sinh viên khá, giỏi ra trường không có việc làm là chuyện bình thường, thậm chí thạc sỹ đi làm thợ may. Với cương vị là Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, rất mong ông cho biết định hướng của Chính phủ về vấn đề này?

- Chính phủ sẽ tăng cường nhiều biện pháp đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục đại học và phương pháp giảng dạy để sinh viên đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực mới cho hội nhập. Lý do chính của việc thạc sỹ phải đi làm thợ may không phải là do các bạn thiếu kỹ năng mà đây là câu chuyện “con gà - quả trứng”. Để giải quyết việc làm cho lao động, chúng ta phải phát triển rất nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ. Có nhà máy, công ty thì người lao động mới có chỗ làm việc. Chuyện con gà – quả trứng ở đây được hiểu là nếu chúng ta có nguồn nhân lực tốt thì đó là điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngược lại, khi đầu tư phát triển mạnh thì lại thu hút nguồn nhân lực. Vấn đề này hai bên cùng phải làm.

Chính phủ xác định để giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp không chỉ là đổi mới giáo dục mà phải có những đổi mới mạnh mẽ trong cơ chế quản lý, đổi mới cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để tạo môi trường kinh doanh tốt, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng phát triển sản xuất kinh doanh. Có một khâu rất đặc biệt là doanh nghiệp phải kết hợp chặt chẽ với cơ sở đào tạo, không chỉ trong hỗ trợ kinh phí đầu tư mà còn đặt ra yêu cầu nhân lực để cơ sở đào tạo có định hướng giảng dạy. Chính phủ đã bàn rất nhiều và hy vọng sẽ giải quyết tốt vấn đề việc làm trong thời gian tới.

- Sinh viên các tỉnh sau khi tốt nghiệp thường ở lại thành phố để làm việc, hay học sinh đi du học xong cũng không về nước. Phó Thủ tướng cho biết Nhà nước có những biện pháp gì để khuyến khích các bạn sinh viên về xây dựng quê hương?

- Trước đây, những người đi du học như tôi được Nhà nước lựa chọn, sau khi về thì phân việc làm. Học cùng lớp với tôi có người ở lại, nhưng tôi quyết định về quê. Đó là do mình tự lựa chọn chứ không phải do chính sách của Nhà nước. Còn bây giờ sự lựa chọn mở với tất cả mọi người, tất nhiên Nhà nước đã có rất nhiều chính sách khuyến khích sinh viên các trường về công tác ở vùng sâu, vùng xa.

Mỗi người đều có quyết tâm, hoài bão của mình. Đất nước Việt Nam phải được chính người Việt Nam xây dựng. Như Nghệ An tốt nhất phải do những người ở Nghệ An xây dựng trước. Điều này đúng, nhưng cũng không nên máy móc vì người Nghệ An cũng là người Việt Nam, đều phải có trách nhiệm chung với đất nước.

Chúng ta cũng không nên quá khắt khe đối với các bạn đi du học rồi ở lại đó làm việc. Nếu ở lại mà có điều kiện trau dồi kiến thức, học tập tốt hơn, làm những việc có thu nhập tốt gửi về thì cũng rất tốt. Mục đích chung của chúng ta là xây dựng đất nước giàu đẹp hơn, mà để làm việc này có rất nhiều biện pháp. Có người học thật giỏi để trở thành tiến sỹ ở một ngành nào đó, nhưng chỉ tại các thành phố lớn họ mới có đủ trang thiết bị hiện đại, máy móc, điều kiện thì mới phát huy được.

Vì vậy, các bạn hãy cố gắng học tập thật tốt, đặc biệt trong những chuyên ngành có thể đi về vùng sâu vùng xa. Chính phủ đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ, có kế hoạch trực tiếp đến những người làm ở những khu vực này như lương cao, có nhà ở, hay hỗ trợ cơ sở vật chất chung.

- Phó Thủ tướng từng có nhiều năm học tại nước ngoài, vậy bác thấy chương trình đào tạo, học tập nước ngoài có ưu điểm khác biệt gì so với trong nước. Ưu việt nào có thể áp dụng được ở trong nước để sinh viên Việt Nam có thể hội nhập nhanh hơn với quốc tế?

- Hiện nay điều kiện cho giáo dục rất thuận lợi khi Đề án đổi mới căn bản, toàn diện đã được thông qua. Từ cơ cấu, chương trình, phương pháp thi cử, đánh giá chất lượng, đội ngũ giáo viên…đều được đổi mới theo hướng đào tạo học sinh, sinh viên thành công dân toàn cầu. Chúng ta đang cố gắng để sinh viên học đại học xong muốn học cao học tại trường nào cũng được. Nhưng để được như vậy có rất nhiều điều phải làm.

Tuy nhiên, một điều rất thuận lợi là hiện chương trình đào tạo của các trường đại học trên thế giới mình đều có thể tham khảo và họ cũng sẵn sàng chia sẻ. Ta cũng đã tham khảo nhiều chương trình giảng dạy của các trường đại học tiên tiến. Tôi tin là càng ngày chương trình giáo dục của Việt Nam sẽ càng gần hơn với chương trình đào tạo của thế giới.

Rất tiếc tôi chưa học đại học trong nước nên chưa so sánh được. Nhưng tôi có cảm giác là học phổ thông ở nước ngoài dường như nhàn hơn ở Việt Nam nhưng học đại học thì vất vả, nghiêm khắc hơn.

- Là sinh viên Việt Nam, bên cạnh học tập, nghiên cứu khoa học, chúng cháu rất quan tâm đến bảo vệ chủ quyền biển đảo. Vậy chúng cháu có thể và cần phải làm gì để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc?

- Là công dân Việt Nam, đương nhiên phải quan tâm đến vận mệnh của dân tộc, của đất nước mình và chủ quyền là điều rất thiêng liêng. Việc bảo vệ chủ quyền biển đảo sinh viên có thể làm được và phải làm. Tuy nhiên, điều quan trọng trước hết các bạn phải học thật giỏi, không chỉ học kiến thức mà còn kỹ năng, ngoại ngữ, tin học, đặc biệt là kỹ năng làm việc theo nhóm vì hiện tại kỹ năng này người Việt rất yếu. Có được những điều đó rồi, các bạn sẽ góp phần làm đất nước giàu lên, mạnh lên – đấy là bảo vệ đất nước. 

Bảo vệ chủ quyền Tổ quốc có thể làm bằng nhiều cách, nhiều biện pháp, có thể bằng ngoại giao, kinh tế… Nhưng trên hết là dựa trên tinh thần chủ quyền là thiêng liêng. Bảo vệ chủ quyền trong thời đại văn minh này phải dựa trên luật pháp quốc tế. Ví dụ về biển đảo, chúng ta có rất nhiều luật, đặc biệt Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, dựa trên tinh thần chủ đạo là hoà bình, không dùng vũ lực và không đe dọa dùng vũ lực.

Tóm lại, đối với sinh viên thứ nhất phải học giỏi, thứ nhì là muốn làm gì phải hiểu biết về nó. Để bảo vệ chủ quyền biển đảo thì phải hiểu khái niệm thế nào là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, luật pháp quốc tế về biển đảo, các vấn đề tranh chấp… Các bạn phải hiểu đúng vấn đề, sau đó mới vận dụng, hành xử cho đúng. Khi chúng ta biết rồi thì phải giải thích cho những người xung quanh để cùng hiểu đúng, để khi có sự việc gì thì cùng ứng xử đúng. Ứng xử đúng thì quyền lợi quốc gia được bảo đảm hơn.

Tháng 9 vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương có biên soạn cuốn “100 câu hỏi về biển đảo dành cho lớp trẻ”. Tôi sẽ đề nghị Văn phòng Chính phủ xin Nhà xuất bản đưa bản mềm quyển sách này lên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Mỗi bạn hãy cố học, cố đọc và tuyên truyền cho mọi người. Đó là việc thiết thực nhất các cháu có thể làm.

- Sinh viên cả nước có nguyện vọng mỗi năm được một lần gặp Thường trực Chính phủ, điều này có khả thi không thưa Phó Thủ tướng?

- Giao lưu với các bạn sinh viên, thanh niên là việc rất cần thiết nên Chính phủ luôn tạo điều kiện. Mỗi năm Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, lãnh đạo đều giao lưu với thanh niên qua rất nhiều hình thức. Nếu năm nào cũng tổ chức tập trung tại hội trường như thế này thì e rằng sẽ tốn kém. Chúng ta sẽ có giao lưu, mỗi năm một lần bằng những hình thức thích hợp. Khi các bạn có nguyện vọng, qua Trung ương Đoàn, Chính phủ sẵn sàng lắng nghe và đáp ứng nguyện vọng của các bạn.

Hoàng Thùy

Nguồn: vnexpress.net

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.